Nghị lực vượt lên số phận của anh Trần Hoàng Thơm

Anh Trần Hoàng Thơm, ngụ xã Thạnh Hòa (Giồng Riềng) bị cong vẹo cột sống bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam, việc nói chuyện hay đi đứng đều khó khăn. Vượt lên nghịch cảnh, anh Thơm nỗ lực, cần mẫn mưu sinh bằng sức lao động của bản thân.

LẤY NỖI ĐAU LÀM ĐỘNG LỰC

Hình ảnh anh Trần Hoàng Thơm khập khiễng, khó khăn trong từng bước chân di chuyển mời khách mua vé số trong các quán cà phê, quán ăn trên địa bàn TP. Rạch Giá quen thuộc với nhiều người. Gia đình anh Thơm có 7 anh em, chỉ mỗi anh Thơm bị tật nguyền. Hiểu nỗi lòng của ba mẹ, anh Thơm bỏ qua sự mặc cảm, tự ti về bản thân, cố gắng rèn luyện để tự lo việc sinh hoạt cá nhân, không trở thành gánh nặng cho gia đình.

Thấy hoàn cảnh gia đình nghèo khó, từ năm 19 tuổi, anh Thơm xin ba mẹ cho đi làm thuê, giữ bò kiếm tiền phụ giúp gia đình, sau đó anh rời quê lên TP. Rạch Giá đi làm kiếm sống. Thay vì chọn cách sống nhờ tình thương, sự bao bọc của mọi người, anh chọn mưu sinh bằng nghề bán vé số. Cuộc sống mưu sinh vốn vất vả lại càng khó khăn hơn với người khuyết tật, dù vậy khó khăn không quật ngã được ý chí kiên định của chàng trai hiền lành, giàu nghị lực. Anh Thơm tự nhủ bản thân còn may mắn hơn nhiều nạn nhân nhiễm chất độc da cam vì trí óc minh mẫn, đi lại được. Nghĩ vậy nên anh cố gắng vượt khó, cần mẫn kiếm tiền, không dám nghỉ bán vì sợ không có tiền trang trải cuộc sống, mất mối mua vé số.

Đôi chân khập khiễng khiến anh Thơm đi lại khó khăn. Những ngày trời mưa đường trơn trượt, bước chân không vững anh lại té nhiều hơn. Kể sao hết những vất vả anh Thơm đã trải qua trên đường mưu sinh, không ít lần anh bị kẻ gian lừa giựt hết vé số, không còn vốn để ngày hôm sau lấy vé số bán, may nhờ được đại lý vé số thương tình cho lấy vé số bán trước, trả tiền sau.

HÔN NHÂN HẠNH PHÚC

Không chỉ cảm phục trước nghị lực sống của anh Thơm, chúng tôi lại còn ngưỡng mộ tình yêu đẹp của anh cùng vợ là chị Dương Thúy Ngọc. Thương anh hiền lành, chất phác, chịu khó làm ăn, chị Ngọc chấp nhận nên duyên vợ chồng, không lo bản thân thiệt thòi, chỉ mong vợ chồng thật tâm yêu thương nhau. Được sự ủng hộ từ gia đình, ba mẹ hai bên, đám cưới của anh chị tuy nhỏ nhưng ngập tràn hạnh phúc. Anh Thơm chia sẻ: “Tật nguyền nên chưa bao giờ tôi nghĩ có người chịu lấy mình, lại càng không dám mơ có một gia đình hạnh phúc. Tất cả đến như giấc mơ, cưới được vợ hiền, giỏi giang, hết lòng yêu thương nên tôi trân trọng lắm, quyết tâm nỗ lực nhiều hơn để lo cho vợ”.

Vợ chồng anh Trần Hoàng Thơm mời khách mua vé số.

Vợ chồng anh Trần Hoàng Thơm mời khách mua vé số.

Đến với nhau bằng hai bàn tay trắng, không vốn làm ăn, gia đình ba mẹ hai bên đều nghèo nên không giúp gì cho hai vợ chồng. Sau đám cưới, chị Ngọc ở trọ, bán vé số cùng chồng. Cuộc sống nhiều khó khăn nhưng anh chị hạnh phúc vì được bên cạnh nhau, cùng chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, chưa bao giờ chị Ngọc có ý nghĩ rời xa chồng bởi chị xem anh Thơm là duyên nợ đời mình nên nguyện lòng gắn bó. Ít khi hàng xóm ở khu nhà trọ nghe tiếng anh chị cãi vã bởi vợ chồng anh thấu hiểu, cảm thông, biết nhường nhịn nhau.

Lần nữa, anh Thơm hạnh phúc vỡ òa khi được vợ báo có tin vui, anh sắp được làm cha. Con trai ra đời, anh chị lại tất bật nhiều hơn để có tiền lo cho con. Đặt tên con trai là Trần Hoài Thương, anh Thơm muốn sau này lớn lên con cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ, hiểu rằng dù cuộc sống nghèo khó, anh dù không hoàn hảo nhưng luôn nỗ lực vì tương lai của con. Năm nay con trai anh chị tròn 5 tuổi, ước nguyện lớn nhất của vợ chồng anh là con trai được học hành đàng hoàng để mai sau trở thành người hữu ích cho xã hội.

Suốt 5 năm qua, căn phòng trọ là tổ ấm, chốn đi về của vợ chồng anh Thơm sau ngày dài mưu sinh vất vả, tiếng cười nói, bi bô chuyện trò của con trai làm anh chị quên đi bao muộn phiền, cực nhọc. Yêu vợ, anh Thơm thường dành tiền mua quần áo mới tặng vợ vì biết chị Ngọc tiết kiệm chẳng dám tiêu xài, mua sắm cho bản thân. Bà Đặng Thị Lan - chủ nhà trọ Phước Hậu, phường Vĩnh Lạc (TP. Rạch Giá) cho biết: “Thấy vợ chồng cháu Thơm hoàn cảnh khó khăn, hiền lành, chăm chỉ làm ăn bằng công việc lương thiện nên tôi rất thương, sẵn lòng giúp đỡ lúc ốm đau, hoạn nạn”.

Những tháng thu nhập bấp bênh không đủ tiền chi tiêu hay khi con trai bệnh hao hụt tiền tích cóp, vợ chồng anh Thơm lại xin chủ nhà trọ cho nợ tiền thuê phòng, ấy vậy mà chẳng bao giờ bà phiền hà. Khi được hỏi về mơ ước, chị Ngọc bày tỏ mong có số vốn làm ăn để hai vợ chồng không phải rong ruổi trên đường bán vé số và có tiền lo cho con ăn học.

Nhìn dáng anh Thơm khập khiễng dần khuất xa trong nắng chiều, chúng tôi thấy cuộc sống vẫn đẹp và tin rằng câu chuyện về tình yêu đẹp, tinh thần vượt khó của anh sẽ tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho những người cùng cảnh ngộ.

Bài và ảnh: CẨM TÚ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/nghi-luc-vuot-len-so-phan-cua-anh-tran-hoang-thom-8875.html