Nghị lực 'vượt sóng' của người con huyện đảo trở thành thủ khoa đầu ra trường Y

Những ngày tháng 8 mùa thu Hà Nội là thời gian đáng nhớ của Đặng Văn Tốt (24 tuổi) - người con của huyện đảo Lý Sơn khi vừa nhận bằng tốt nghiệp thủ khoa ngành Bác sĩ y khoa với số điểm trung bình khi ra trường là: 8,52/10.

Sau 6 năm học tại Trường Đại học Y Hà Nội và nhận bằng tốt nghiệp, thời gian này, Tốt đang bước vào giai đoạn ôn tập nước rút để tham dự kỳ thi Bác sĩ nội trú trong vài ngày tới.

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện ngắn với vị tân bác sĩ này về những động lực học tập cũng như cố gắng đạt được danh hiệu thủ khoa ngành Y cùng những chia sẻ về ước mơ và mục tiêu của Tốt trong tương lai.

Nhiều lần lung lay ý chí

PV: Chúc mừng Tốt đã hoàn thành 6 năm học tại Trường Đại học Y Hà Nội và nhận bằng tốt nghiệp thủ khoa ngành Bác sĩ y khoa. Bạn có thể chia sẻ lý cho chọn học ngành Y không?

Đặng Văn Tốt: Em sinh ra và lớn lên tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi tốt nghiệp cấp 2 tại Trường THCS An Vĩnh, em may mắn được nhận xét chọn nhận học bổng toàn phần thuộc dự án "Ươm mầm tương lai" của quỹ học bổng Vừ A Dính cho con em miền núi, hải đảo được học tập tại Trường THPT Ngô Thời Nhiệm (quận 9, TP. Thủ Đức).

Lý do em chọn học ngành Y bởi ngày còn học cấp 2, chứng kiến người thân xung quanh không ít chật vật khi ốm đau mỗi đợt mưa bão tràn về là em lại muốn mình trở thành một bác sĩ. Trong suốt 3 năm học cấp 3, mang theo nhiều ước mơ và hoài bão, em đã nỗ lực học tập với đích đến cuối cùng là chinh phục được cánh cổng trường Y khi thấu hiểu thực trạng khó khăn của y tế huyện nhà.

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao bằng tốt nghiệp thủ khoa cho Đặng Văn Tốt (bên trái) và Nguyễn Triệu Nam (cử nhân ngành kĩ thuật xét nghiệm y học - Thủ khoa toàn khóa hệ cử nhân).

Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao bằng tốt nghiệp thủ khoa cho Đặng Văn Tốt (bên trái) và Nguyễn Triệu Nam (cử nhân ngành kĩ thuật xét nghiệm y học - Thủ khoa toàn khóa hệ cử nhân).

Và rồi may mắn cũng mỉm cười với em, vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 với số điểm 29,3 khối B em dành được một tấm vé theo học ngành Bác sĩ đa khoa Trường Đại học Y Hà Nội.

Năm đó vì thiếu điểm môn Tiếng Anh ở tiêu chí phụ nên em đã trượt nguyện vọng 1 ở Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Em đặt Trường Đại học Y Hà Nội ở nguyện vọng 2 vì cũng muốn khám phá một miền đất mới để trải nghiệm học tập tại đủ cả 3 miền Bắc - Trung - Nam dù biết sẽ thật nhiều khó khăn.

PV: Trong những ngày đầu tiên khi vào trường Y, cảm xúc của bạn thế nào?

Đặng Văn Tốt: Với hầu hết sinh viên năm nhất trường Y đều bỡ ngỡ và em cũng vậy. Bỡ ngỡ khi tiếp xúc với một môi trường mới, bạn bè, thầy cô mới, bỡ ngỡ với những môn học mới vừa lạ vừa khó. Từ những môn cơ sở ngành thôi cũng đã làm không ít trái tim bé bỏng của những cô cậu học trò mười tám đôi mươi mới chập chững vào ngành như em lung lay ý chí.

Và môn Giải phẫu học là một trong số đó. Em nhớ những buổi đi học lý thuyết thầy cô giảng miệt mài nhưng với những thuật ngữ quá mới mẻ nghe thôi đã thấy khó thì đúng là để nhớ thật không dễ chút nào. Có lẽ thầy cô thấu hiểu được điều đó nên sự kết hợp hài hòa từ lý thuyết đến những buổi giảng tận tình trong những giờ thực hành trên mô hình, trên xác để giúp học trò ít nhiều lĩnh hội được những kiến thức căn bản nhất.

Đặng Văn Tốt cùng gia đình tại lễ tốt nghiệp.

Đặng Văn Tốt cùng gia đình tại lễ tốt nghiệp.

PV: Khóa học của các bạn là một khóa học đặc biệt, khóa học đi trong đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, thời điểm đó sinh viên viên ngành Y rất vất vả?

Đặng Văn Tốt: Những ngày đại dịch COVID-19 hành hoành thật sự là một giai đoạn hết sức khó khăn trên toàn quốc, ảnh hưởng nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và thế hệ sinh viên ngành Y chúng em chịu nhiều tác động lớn từ đại dịch.

Bởi đặc thù trong đào tạo ngành Y là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại các bệnh viện trên người bệnh thực tế, chính vì thế, sự chuyển hoàn toàn sang học từ trực tiếp sang trực tuyến là một thiệt thòi bất đắc dĩ với sinh viên ngành Y chúng em.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 trở về từ những điểm nóng của đại dịch như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, sinh viên Y Hà Nội lại miệt mài ôn đắp kiến thức qua những bài giảng trực tuyến các case lâm sàng của thầy cô để chuẩn bị tốt nhất cho việc học bổ trợ bù đắp lại thời gian không được đến thực hành tại bệnh viện.

PV: Sau 6 năm học, không ít sinh viên trường Y bị stress nặng, thậm chí phải nghỉ học. Với bạn thì sao, bạn làm gì để cân bằng?

Đặng Văn Tốt: Theo em thì ngành nào cũng sẽ có những khó khăn nhất định nếu thực sự đầu tư học tập và ngành Y cũng không ngoại lệ. Em vốn dĩ không thông minh nên tự thấy mình phải nỗ lực nhiều hơn để bắt kịp với chương trình. Ngoài giờ học em còn tham gia CLB Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo của trường để giảm bớt căng thẳng, vừa có môi trường để bản thân giúp được một phần cho bệnh nhân, vừa rèn luyện thêm cho mình những kĩ năng mềm cần thiết.

Đam mê là kim chỉ nam để sinh viên Y nỗ lực vươn lên chinh phục kiến thức

PV: Bạn có thể chia sẻ một kỷ niệm mà bạn nhớ mãi trong quãng đời sinh viên của mình?

Đặng Văn Tốt: Em vẫn nhớ như in lần đầu tiên tham gia buổi trực cấp cứu tại bệnh viện với vai trò là một sinh viên năm thứ 3. Trước khi đi trực vừa hào hứng vừa lo lắng, nhưng khi được anh chị hướng dẫn nhiệt tình từ đo điện tim đến phụ các thủ thuật, em thấy học được nhiều thứ làm cho buổi trực trở nên thật ý nghĩa. Mặc dù hôm đó em thức đến 3 giờ sáng nhưng vẫn tỉnh như ban ngày và cảm giác còn nhiều năng lượng hơn đầu giờ nhận trực.

Học lâm sàng là đặc sản của sinh viên ngành Y nên hầu như khi được hỏi về việc học lâm sàng thì ai cũng hào hứng chia sẻ những trải nghiệm học tập đáng nhớ tại các cơ sở thực hành. Mỗi người một phương pháp khác nhau nhưng tựu trung lại đều là những bài học rút ra từ chính người bệnh của mình.

Trước thực trạng việc đào tạo ngành Y ngày càng mở rộng trong khi cơ sở thực hành không tăng thêm, với số lượng học viên tại các khoa phòng ngày càng đông đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực nhiều hơn để được học trên bệnh nhân thực tế, không chỉ là trang bị kiến thức vững mà còn đòi hỏi những kĩ năng giao tiếp khéo léo, sự nền nã để tiếp xúc hỏi bệnh, thăm khám và đặc biệt là kĩ năng làm việc nhóm để hỗ trợ nhau, bổ sung, hoàn thiện cho nhau.

Tốt cùng các bạn trong tổ chụp ảnh cùng thầy giáo sau khi kết thúc buổi học ở Khoa Lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tốt cùng các bạn trong tổ chụp ảnh cùng thầy giáo sau khi kết thúc buổi học ở Khoa Lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai.

PV: Với tấm bằng tốt nghiệp thủ khoa ngành Bác sĩ y khoa, đây có phải là thành tích lớn nhất của Tốt?

Đặng Văn Tốt: Trong quá trình học tập và rèn luyện dưới mái Trường Đại học Y Hà Nội, ngoài đạt danh hiệu thủ khoa năm học 2019-2020 và 2020-2021, em còn đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp thành phố năm học 2021-2022, là Đại biểu Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Nhưng chắc hẳn thành tích thủ khoa đầu ra này là ngoài mong đợi của em, là thành quả cho bản thân nhìn lại một chặng đường cố gắng vừa qua, đồng thời là bệ phóng để em tiếp tục nỗ lực cho những cánh cửa khó khăn hơn sắp tới.

PV: Được biết, thời gian này gần 500 sinh viên ngành Bác sĩ Y khoa Trường Đại học Y Hà Nội đang tập trung để ôn thi Bác sĩ nội trú. Dự định của Tốt sau 3 năm học nội trú là gì?

Đặng Văn Tốt: Hiện tại em đang bước vào giai đoạn cuối cùng để hoàn thành bài vở cho kì thi bác sĩ nội trú đang đến gần, đây là một hình thức đào tạo đặc biệt của ngành mà ở đó người học được phát triển một cách toàn diện để phát triển chuyên môn trong quá trình hành nghề của mình. Với ý nghĩa đó, em sẽ cố gắng hoàn thành tốt kì thi để có duyên sẽ tiếp tục có cơ hội theo học chương trình này, tiếp tục học tập và trau dồi, hoàn thiện những thiếu sót và vững vàng hơn trong công việc sau này.

PV: Một câu hỏi cuối muốn hỏi Tốt: Thời gian này cũng là thời điểm các thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 đang "nín thở" chờ điểm chuẩn từ các trường đại học, bạn có dặn dò gì tới những tân sinh viên chuẩn bị vào năm nhất trường Y?

Đặng Văn Tốt: Với những trải nghiệm học tập 6 năm ở Trường Đại học Y Hà Nội, em nhận thấy để theo đuổi được đến đích cuối cùng cần hội tụ nhiều yếu tố.

Theo em, đam mê có lẽ là quan trọng nhất, là kim chỉ nam để sinh viên Y nỗ lực vươn lên chinh phục khối lượng kiến thức đồ sộ của chương trình đào tạo vừa dài vừa khó.

Y học là ngành học cả đời và mỗi người sẽ có phương pháp khác nhau để trau dồi kiến thức nhưng tất cả đều khởi điểm từ tình yêu nghề, thông minh thôi chưa đủ, cần cù và chịu khó học hỏi từ thầy cô, anh chị và bạn bè mới giúp bản thân tiến bộ và tìm thấy được ở đâu đó tình yêu đích thực với ngành Y.

Cảm ơn Đặng Văn Tốt đã chia sẻ và chúc bạn sẽ tiếp tục đỗ thủ khoa kỳ thi Bác sĩ nội trú sắp tới!

Đỗ Vi (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nghi-luc-vuot-song-cua-nguoi-con-huyen-dao-tro-thanh-thu-khoa-dau-ra-truong-y-169230814085921257.htm