Nghị quyết 226: 'Cú hích' chiến lược đưa Hải Phòng bứt phá
Chiều 15/7, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Hải Phòng tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC 3) với chủ đề 'Hải Phòng - Điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới', Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trao Nghị quyết số 226/2025/QH15 của Quốc hội cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng.

Chủ tịch nước Lương Cường với các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến đầu tư “Hải Phòng - điểm đến chiến lược của kỷ nguyên mới” tại thành phố Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN
Nghị quyết 226/2025/QH15, ngày 27/6/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Các cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm trong thời gian 5 năm và Khu Thương mại tự do có thời gian thí điểm trong 10 năm.
Nghị quyết bao gồm 6 nhóm chính sách, cơ chế đặc thù và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Nghị quyết cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để Hải Phòng vươn mình trở thành cực tăng trưởng kinh tế hàng đầu miền Bắc.
Theo ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết là việc thành lập Khu Thương mại tự do, gồm: khu sản xuất, khu cảng và hậu cần cảng, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật. Khu vực này sẽ áp dụng cơ chế ưu đãi vượt trội như: miễn thị thực, cấp thẻ cư trú dài hạn cho chuyên gia nước ngoài, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hành chính. Khu Thương mại tự do được kỳ vọng sẽ thu hút vốn từ các tập đoàn công nghệ cao, các tổ chức tài chính quốc tế và trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (R&D) trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng có nhiều cơ chế, chính sách như: Về quản lý đầu tư, Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển Hải Phòng.
Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu phí, lệ phí từ tuyến đường thủy nội địa trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia và từ quản lý hoạt động cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố…
Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Hải Phòng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để thực hiện đầu tư các dự án, công trình kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, Khu thương mại tự do và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đảo Bạch Long Vĩ…
Nghị quyết cũng ban hành các chính sách đặc thù về quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường như: lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng; trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất đối với các dự án khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do, dự án mà công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành dự án độc lập theo quy định pháp luật về đầu tư công được thực hiện; thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ủy ban Nhân dân thành phố được quyết định chuyển mục đích đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở xuống có diện tích dưới 500 ha, đất rừng sản xuất có diện tích dưới 1.000 ha phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định…
Về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, Nghị quyết cho phép Hải Phòng được áp dụng các ưu đãi về thuế, hỗ trợ bằng ngân sách không hoàn lại cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Hải Phòng cũng được thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vốn vào các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ;
Nghị quyết cũng quy định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, nhà quản lý, người lao động có trình độ cao.
Nghị quyết cũng quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng…
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, thành phố là trung tâm cảng biển quốc tế, công nghiệp, thương mại, logistics hàng đầu miền Bắc. Quy mô kinh tế lớn thứ 3 cả nước, đạt 33 tỷ USD; GRDP tăng 11,01% năm 2024; hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, kết nối cảng biển, hàng không, đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao… Bên cạnh đó, Hải Phòng sở hữu lợi thế du lịch - dịch vụ đặc sắc với quần đảo Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển thế giới; kết nối vùng với Di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận, Côn Sơn - Kiếp Bạc, mở ra không gian phát triển du lịch biển đảo, văn hóa và nghỉ dưỡng chất lượng cao. Năm 2024, Hải Phòng dẫn đầu cả nước về 4 chỉ số uy tín gồm: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), minh chứng cho môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch, hiệu quả.
Hiện thành phố có 1.900 dự án FDI, đến từ 44 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 48 tỷ USD.