Nghị quyết 41-NQ/TW: Kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân vững bước, chung sức xây dựng đất nước

'Các cấp, các ngành, các địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Các doanh nhân cần nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng vai trò văn hóa doanh nghiệp; kiên quyết thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật'. Đó là yêu cầu của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc

Trong suốt thời kỳ đổi mới, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, Bộ Chính trị Khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9.12.2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sau hơn 10 năm triển khai Nghị quyết 09, ngày 10.10.2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW với nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước, chung lòng chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời gian tới.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội nghị

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, một trong những nội dung lớn của Nghị quyết số 41 là đánh giá các kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 09. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2022 đã có 72 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và các văn bản pháp luật khác về doanh nghiệp, doanh nhân được triển khai xây dựng và ban hành như: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đất đai (sửa đổi)...

Đặc biệt, dấu mốc quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân và quyền kinh doanh là việc Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 đã quy định: mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân tổ chức khác đầu tư sản xuất kinh doanh phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp của nước ta, các quy định về quyền kinh doanh, doanh nghiệp, doanh nhân được hiến định đầy đủ toàn diện", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu

Bên cạnh đó, với tinh thần thẳng thắn, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết số 41 cũng đã chỉ ra 3 nhóm nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế, yếu kém như: nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức; công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu phát triển đất nước

Trên cơ sở đánh giá tình hình kết quả hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, kết quả dự báo và phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, làm rõ các yêu cầu đặt ra đối với phát triển doanh nhân Việt Nam trong thời gian tới, tại Nghị quyết số 41, Bộ Chính trị đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu phát triển doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới.

Khác với Nghị quyết 09 chỉ đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, thì trong Nghị quyết số 41 ngoài mục tiêu tổng quát còn có mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, gắn với các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế; có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD; khoảng 65 - 70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên...

Quang cảnh Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW sáng 10.5

Quang cảnh Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW sáng 10.5

Để đạt được những chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh, cần tập trung thực hiện nhóm nhiệm vụ giải pháp về phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có tính chất đột phá để góp phần thực hiện mục tiêu chung của Nghị quyết số 41.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân giai đoạn 2026 - 2030 nhằm khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp học tập nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hoàn thiện Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Cùng đó, xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo lập lực lượng doanh nhân có tầm nhìn, trí tuệ, có tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo, có đạo đức và văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết số 41, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần của Nghị quyết. Các doanh nhân cần nâng cao nhận thức, quán triệt sâu rộng vai trò văn hóa doanh nghiệp; tăng cường chuẩn mực đạo đức kinh doanh Việt Nam gắn với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, các phong trào thi đua yêu nước, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; coi trọng tham gia giao lưu, ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp và doanh nhân cần có ý thức rõ về tác động và những hậu quả khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, từ đó kiên quyết thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh; lành mạnh môi trường kinh doanh với tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công khai minh bạch, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và lao động sáng tạo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp, Nghị quyết số 41 sẽ sớm đi vào cuộc sống, qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/nghi-quyet-41-nq-tw-kim-chi-nam-de-doi-ngu-doanh-nhan-vung-buoc-chung-suc-xay-dung-dat-nuoc-i371410/