Nghị quyết 68: 'Cú hích tinh thần' cho cộng đồng doanh nghiệp

Nghị quyết 68 này như một 'cú hích tinh thần' cho cộng đồng doanh nghiệp, vì nghị quyết này là hàm chứa chính sách chứ không chỉ mang tính định hướng.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Thân (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, trong nhiều năm nay đã luôn lắng nghe, tập hợp ý kiến của các hội, DN thành viên và có kiến nghị những giải pháp nhằm đưa kinh tế tư nhân Việt Nam thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Ông Thân cho biết với Nghị quyết 68, cộng đồng DN nói chung, DNNVV nói riêng sẽ có thêm một cẩm nang, bảo bối, hành trang để bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên mà DNNVV chắc chắn sẽ đóng góp hiệu quả hơn vào thịnh vượng quốc gia nếu nghị quyết nói trên được thể chế hóa, được triển khai thực chất, hiệu quả.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Văn Thân về vấn đề trên.

 ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam.

ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam.

Mở đầu cho việc tận dụng các cơ hội để phát triển

. Phóng viên: Thưa ông, cảm nhận của ông về những định hướng, cách nhìn nhận về kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 68 là gì?

+ ĐBQH Nguyễn Văn Thân: Cá nhân tôi rất chờ đợi nghị quyết này. Khi Nghị quyết 68 được ban hành, tôi rất xúc động vì hành trình 20 năm đóng góp những kiến nghị chính sách của các DNNVV đã đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Không thể phủ nhận rằng với sự đóng góp ngày càng hiệu quả vào nền kinh tế quốc gia, với những chủ trương, định hướng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển thì cộng đồng DN chúng tôi trong nhiều nhiệm kỳ qua, dù có những thăng trầm vẫn phát triển.

Với Nghị quyết 68, có thể khẳng định quan điểm, chủ trương của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Tô Lâm, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch QH và cả hệ thống chính trị về kinh tế tư nhân đã rất dứt khoát, rõ ràng. Chúng ta còn nhớ tại kỳ họp thứ 9 của QH, chính Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đã khẳng định: “Muốn tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hai con số vào các năm sau đó thì phải phát triển kinh tế tư nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển”.

Nghị quyết 68 không những thể hiện rõ các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về kinh tế tư nhân từ nhiều năm nay, mà còn có những giải pháp cụ thể, vượt trội với các tiêu chí định lượng rõ ràng, có giao nhiệm vụ thiết kế chương trình hành động cụ thể cho các cơ quan hữu quan.

Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng Nghị quyết 68 đã mở đầu cho việc tận dụng các cơ hội phát triển để DN, đất nước bứt phá. Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của QH triển khai Nghị quyết 68 là phải “tạo xu thế, phong trào phát triển DN tư nhân, mọi người, mọi nhà thi đua khởi nghiệp, thi đua làm giàu chính đáng”.

Nếu được như vậy, tôi tin rằng các thành phần kinh tế tư nhân, ngay cả 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, cũng sẽ phấn khởi, tin tưởng, tập trung tài lực, trí lực để đầu tư, kinh doanh nhằm làm giàu cho chính mình, tạo việc làm cho xã hội và góp phần vào kiến tạo thịnh vượng cho quốc gia. Và Nghị quyết 68 này như một “cú hích tinh thần” cho cộng đồng DN, vì nghị quyết này là hàm chứa chính sách chứ không chỉ mang tính định hướng.

 Nhân viên làm việc trong một công ty tư nhân trong khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhân viên làm việc trong một công ty tư nhân trong khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần sự minh bạch trong thực thi chính sách

. Cộng đồng DN luôn sẵn sàng, ở tâm thế cao nhất thực hiện sứ mệnh tạo ra của cải, tạo ra việc làm để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển, bứt phá của đất nước. Thưa ông, vậy với Nghị quyết 68 thì phần việc của bên nào nặng hơn, Nhà nước hay cộng đồng DN?

+ Nếu đọc kỹ và thấm nhuần tinh thần Nghị quyết 68 thì rõ ràng cần có sự thay đổi, trước hết là từ Nhà nước, như Thủ tướng khẳng định: Để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, DN là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.

Như vậy, vai trò kiến tạo thuộc về Nhà nước. Đọc kỹ các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 68 thì việc thay đổi tư duy, cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân… đều thuộc chức năng của Nhà nước. DN tư nhân không thể xóa bỏ các rào cản thị trường, không thể giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra, không thể quyết định việc hình sự hóa hay không hình sự hóa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh tế - dân sự. Việc đó là của Nhà nước.

DN tư nhân đương nhiên phải đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội… như Nghị quyết 68 đề ra. Nhưng để thực hiện được trọn vẹn, hiệu quả trách nhiệm này thì cách ứng xử, hành xử của Nhà nước đối với DN tư nhân cũng quan trọng không kém.

 Các doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Thưa ông, ông đề cập đến Nhà nước nhưng đó là một chủ thể chung chung, hay ông muốn nói đến một phương diện khác?

+ Nhà nước là chủ thể và hệ thống cán bộ, công chức là một thành phần quan trọng khiến cho một chủ trương, một quyết sách có thể thành công hay thất bại. Tôi muốn nói đến vấn đề thực thi chính sách của bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương. Thực ra nói đến quan hệ giữa DN tư nhân và Nhà nước thì thực chất là quan hệ giữa DN và từng cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính.

Bên cạnh tình trạng chính sách thay đổi thường xuyên khiến DN khó hoạch định được kế hoạch kinh doanh thì ứng xử của từng cán bộ, công chức với DN, cách hiểu các quy định của luật pháp, cách áp dụng luật pháp khác nhau của từng địa phương lại là một nút thắt đáng kể.

Khát khao làm giàu, khát khao cống hiến của từng doanh nhân là rất lớn. Lịch sử đã chứng minh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, từ kháng chiến đến chống chọi với đại dịch COVID-19, dù chưa được hay đã được công nhận, dù luật pháp tạo điều kiện hay còn rào cản thì doanh nhân vẫn luôn đau đáu, tìm mọi cách để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra của cải cho mình, cho xã hội, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc. Thế nhưng một nền hành chính công vụ với tinh thần tuân thủ luật pháp nghiêm minh sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển một cách toàn diện, bền vững hơn.

Tôi khẳng định nhiều lần ngay tại QH, DNNVV cần sự bình đẳng với các DN nhà nước, cần sự minh bạch trong thực thi chính sách của từng cán bộ, công chức, cần sự đối xử đúng mực từ chính quyền các cấp. Vì nếu vị thế, vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân không được từng cán bộ, công chức nắm rõ và tuân thủ thì bất kể một công chức nào cũng có thể gây khó khăn cho cả một tập thể DN.

. Xin cảm ơn ông.

Tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và công quyền

Đã có một số ý kiến cho rằng khi DN làm sai thì DN bị xử lý, vậy nếu công chức nhà nước làm sai quy định, gây thiệt hại cho DN thì xử lý ai? DN vi phạm chính sách, luật pháp thì bị chế tài. Vậy người thiết kế, ban hành, thực thi chính sách sai, gây thiệt hại cho DN thì sao?

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được QH thảo luận tại kỳ họp này có nội dung rất đáng chú ý. Đó là không còn chế độ công chức suốt đời và Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng khẳng định sẽ đánh giá công chức bằng KPI. Những định hướng này nếu được thể chế hóa thì có thể sẽ là một cách thúc đẩy nền công vụ phục vụ, tạo sự bình đẳng giữa DN và công quyền. Bởi khi đó, thành tố quan trọng tạo nên hệ thống công quyền là từng công chức có thể được áp dụng KPI cụ thể trong hỗ trợ, hướng dẫn DN áp dụng luật pháp.

ĐBQH NGUYỄN VĂN THÂN, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghi-quyet-68-cu-hich-tinh-than-cho-cong-dong-doanh-nghiep-post849749.html