Nghị quyết 68: Cú huých thể chế cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị kế thừa các nghị quyết trước đây thực sự đóng vai trò cú huých phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định
Kể từ khi thống nhất đất nước, vai trò của kinh tế tư nhân dần được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng từ việc xác lập quan điểm đến thực thi chính sách. Đáng chú ý văn kiện Đại hội IX (tháng 1-2001), Đảng ta khẳng định kinh tế tư bản tư nhân là thành phần kinh tế có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội IX, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (năm 2002) thông qua Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi đổi mới, Ban Chấp hành Trung ương có một nghị quyết chuyên đề về kinh tế tư nhân, trong đó tiếp tục khẳng định: Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Quan niệm coi kinh tế tư nhân là “một trong những động lực của nền kinh tế” trong hai kỳ Đại hội X và XI phản ánh bước tiến mới trong tư duy lý luận của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế nước ta.
Theo các chuyên gia, việc Đảng ta xác định “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng” của nền kinh tế chính là nhằm đến vai trò tích cực của thành phần kinh tế này. Đảng ta đã nhận thấy rõ, thành phần kinh tế tư nhân còn nhiều tiềm năng chưa được giải phóng, nhiều nguồn lực chưa được huy động và chưa hoạt động tương xứng với khả năng và nguồn lực trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy về vai trò của kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên ở góc độ tiếp cận vốn, nếu Nghị quyết 10 xác định ưu tiên vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đến Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68), xác định rõ tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.
Về đầu tư Nghị quyết 10 vẫn còn hạn chế với doanh nghiệp tư nhân ở một số ngành then chốt như năng lượng, hạ tầng thì Nghị quyết 68 đã nhấn mạnh yêu cầu, mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia.

Doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tham gia vào các dự án quan trọng của quốc gia. (Ảnh minh họa)
Về bảo vệ doanh nghiệp tư nhân, nhiều nội dung của Nghị quyết 10 còn chưa thật rõ ràng thì đến Nghị quyết 68 đã khẳng định việc bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Xác định rõ 3 thành tố “Lãnh đạo – Kiến tạo – Sáng tạo”
Nói thêm về những điểm mới quan trọng trong Nghị quyết 68, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng có 5 điểm mới rất đáng chú ý.
Điểm mới đầu tiên của Nghị quyết 68 là đã khẳng định sự nhất quán kinh tế tư nhân là một bộ phận của kinh tế đất nước và đi một bước cao hơn nữa là khẳng định là động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Có thể khẳng định đây là lần đầu tiên chữ “nhất” này được xuất hiện trong một nghị quyết của Bộ Chính trị.
“Ở đây quan điểm của Bộ Chính trị là rất sáng suốt, đồng thời mang tính đột phá của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nó cũng cho thấy tầm nhìn xa về triển vọng to lớn của kinh tế tư nhân Việt Nam”, ông Lạng nói và cho rằng, vận mệnh của kinh tế Việt Nam gắn với kinh tế tư nhân chứ không phải gắn với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như gắn hoàn toàn với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể. Đây là bước tiến đồng thời cũng là điểm mới đặc biệt quan trọng. Điểm mới này phù hợp với cải cách của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, phù hợp với tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân, đồng thời cũng phù hợp với cơ cấu kinh tế Việt Nam trong điều kiện hiện nay là nền kinh tế nhiều thành phần khi mà kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế nhà nước đều bộc lộ giới hạn của sự phát triển.
Điểm mới thứ hai của Nghị quyết 68 là đã chỉ ra được bằng các chỉ số rất cụ thể về thành công của kinh tế tư nhân trong đóng góp vào GDP, ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cùng nhiều vai trò về các mặt trách nhiệm xã hội, các yếu tố mang tính dân tộc. Cùng với đó, Nghị quyết 68 cũng còn xác định cho các mục tiêu những năm sắp tới đến như năm 2030, năm 2045 về phát triển kinh tế tư nhân. Định lượng cụ thể, chỉ tiêu rõ ràng do đó mục tiêu cũng sẽ cụ thể hơn so với các nghị quyết trước đây khi chưa có các con số này. Có thể nói Nghị quyết 68 đã đi một bước cụ thể hơn các nghị quyết trước và do đó tính khả thi là cao hơn.
Điểm mới thứ ba là đã thể hiện rõ 3 thành tố quan trọng khi nói đến kinh tế tư nhân là Đảng lãnh đạo, Chính phủ kiến tạo và doanh nghiệp sáng tạo. Nguồn lực có thể là có hạn nhưng sáng tạo là vô hạn. Với Nghị quyết 68, lần đầu tiên đã kết nối được 3 thành tố “Lãnh đạo – Kiến tạo – Sáng tạo” mà vốn chưa được rõ trong các nghị quyết trước đây. Đây là điểm mới cũng rất đáng chú ý của Nghị quyết 68 so với các nghị quyết trước đây.
Điểm mới thứ tư là Chính phủ giờ đây đóng vai trò bộ máy phục vụ thực sự. Một bộ máy trước đây từng quen với cài đặt mọi quy tắc thì nay cần trở thành phục vụ triệt để nhất, thậm chí những gì tốt nhất là dành cho kinh tế tư nhân. Các bảo hộ như về quyền tài sản, quyền kinh doanh là cao nhất và mức độ khuyến khích có thể là cao nhất chứ không dừng ở khuyến khích trung bình. Đồng thời sẽ có những xử lý những lực cản ở mức độ cao nhất, triệt để nhất với kinh tế tư nhân.
Đó là chưa nói từ Nghị quyết 68 có thể đưa ra những đột phá mới chưa từng có trước đây. Sự sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân đòi hỏi mở được ra những hành lang lớn. Hệ thống chính trị nay đã “mở lòng” hơn, thân thiện hơn, đã chú ý hơn những giá trị to lớn mà kinh tế tư nhân đóng góp. Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị kinh tế mới của đất nước có những yếu tố có thể bắt đầu từ kinh tế tư nhân, để trong một tương lai kinh tế tư nhân đóng vai trò hạt nhân.
Điểm mới thứ năm của Nghị quyết 68 là xác định rõ vai trò, sứ mạng của kinh tế tư nhân trong điều kiện mới là phải chủ động, phải tích cực, phải có triết lý kinh doanh, phải làm ăn bài bản, chuẩn mực, chuyên nghiệp và đại diện cho sức mạnh của kinh tế quốc gia trong thời đại mới.
“Kinh tế tư nhân phải phát huy triệt để tiềm năng của mình, huy động cao nhất mọi nguồn lực, sáng tạo mức độ cao nhất có thể và vươn tới đỉnh cao nhất mà Đảng, Chính phủ, Nhân dân kỳ vọng”, ông Lạng nêu quan điểm.