Thị trường bất động sản 'nghẹn thở' vì hàng nghìn môi giới không được hành nghề

Tình trạng đình trệ trong tổ chức thi và cấp chứng chỉ thời gian qua tạo ra 'điểm nghẽn' cho sự phục hồi của thị trường bất động sản, gây nhiều hệ lụy cho cả người hành nghề và khách tiêu dùng.

Ách tắc cấp chứng chỉ hành nghề

Hơn một năm qua, nhiều đơn vị chức năng tổ chức các lớp đào tạo, nhưng không địa phương nào trên cả nước có thể tổ chức thi sát hạch. Điều này dẫn đến nhiều người đủ điều kiện hành nghề gặp khó khăn, buộc phải hoạt động khi không có chứng chỉ, trái quy định của pháp luật.

Nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp cần thiết phải được cấp chứng chỉ môi giới sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo và thi sát hạch.

Nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp cần thiết phải được cấp chứng chỉ môi giới sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo và thi sát hạch.

Lực lượng môi giới hiện nay đang hoạt động "ngoài luật" tiềm ẩn rủi ro cho cả người hành nghề lẫn khách hàng. Cùng đó, một số lượng lớn môi giới đã hoàn thành khóa học nhưng chưa được cấp chứng chỉ, đang làm gián đoạn hoạt động kết nối cung cầu trên thị trường. Sự chậm trễ này không chỉ gây mệt mỏi, giảm uy tín của người làm nghề, mà còn ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và niềm tin của khách hàng.

Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản không có chứng chỉ có thể bị phạt 10-20 triệu đồng.

Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản mà không có ít nhất một người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, mức phạt có thể lên đến 180-220 triệu đồng.

Thực trạng trên, nếu kéo dài, sẽ tạo ra rủi ro không nhỏ cho cả người mua, người bán và chính bản thân người môi giới.

Khảo sát mới nhất từ Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE) đã "vẽ" nên bức tranh không mấy sáng sủa về tình hình cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Theo đó, 89% môi giới hiện tại chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc đang sử dụng chứng chỉ hết hiệu lực.

Đáng chú ý, trong số này, 51,8% chưa từng qua đào tạo chính quy, 24,1% đã qua đào tạo nhưng chưa được cấp chứng chỉ, 12,8% sở hữu chứng chỉ hết hạn. Con số 11,3% môi giới đang có chứng chỉ còn hiệu lực cho thấy sự "lệch chuẩn" nghiêm trọng trong hoạt động môi giới bất động sản hiện nay.

Với tổng số khoảng 300.000 môi giới trên cả nước, ước tính có đến hơn 260.000 người đang phải hoạt động trong tình trạng "bất chấp" vi phạm pháp luật. Đây không chỉ là vấn đề pháp lý cá nhân, mà còn ảnh hưởng sự minh bạch, chuyên nghiệp của toàn bộ thị trường.

Giải pháp nào tháo "điểm nghẽn"?

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhận định, việc tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản đang đối mặt nhiều thách thức, do các tỉnh thành đang trong giai đoạn sắp xếp bộ máy hành chính.

Một khó khăn khác là trách nhiệm xây dựng và bảo mật bộ đề thi được giao cho chủ tịch hội đồng thi các tỉnh, gây áp lực lớn.

"Việc chuyên nghiệp hóa lực lượng môi giới là yếu tố then chốt để xây dựng thị trường bất động sản lành mạnh. Một đội ngũ thiếu chuyên nghiệp sẽ không thể đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường", ông Cường nói.

TS Nguyễn Thị Tùng Phương, giảng viên chính Khoa Bất động sản, Kinh tế Tài nguyên, Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất, nên giao quyền tổ chức thi sát hạch cho các hiệp hội hoặc đơn vị chuyên môn đủ điều kiện, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và thi sát hạch, công khai danh sách đơn vị đào tạo để tránh gian lận.

Theo TS Phương, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là yêu cầu tất yếu, không chỉ tạo điều kiện liên thông chứng chỉ quốc tế, mà còn hướng tới thị trường minh bạch, hiệu quả. Đào tạo bài bản giúp người môi giới có đủ năng lực, đạo đức và tính chuyên nghiệp, góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín cho ngành.

Ngoài ra, việc cấp chứng chỉ còn tạo nền tảng phân tầng người hành nghề theo năng lực, xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành bất động sản. Đây là điều kiện cần thiết để thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững.

Cấp thiết khơi thông để thị trường "hồi sinh"

Để sớm tháo gỡ tình trạng này, các chuyên gia từ VARS IRE kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả giữa Bộ và Sở Xây dựng các địa phương.

Bên cạnh đó, phân định rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan trong quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ với mục tiêu tăng cường công khai, minh bạch thông tin về kế hoạch tổ chức thi sát hạch.

Ngoài ra, cần xem xét giao quyền tổ chức thi sát hạch cho những đơn vị chuyên môn đủ năng lực dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức các hội đồng thi liên tỉnh để tăng hiệu quả và giảm áp lực cho các địa phương.

Việc sớm khắc phục tình trạng đình trệ trong công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản là điều cấp thiết, giúp chuẩn hóa đội ngũ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin cho thị trường bất động sản.

Kiên Cường

Nguyễn Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/thi-truong-bat-dong-san-nghen-tho-vi-hang-nghin-moi-gioi-khong-duoc-hanh-nghe-192250504120104861.htm