Nghị quyết 68 mở 'đường băng thể chế' cho doanh nghiệp tư nhân cất cánh
Tại tọa đàm 'Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc' tổ chức chiều 10/5 tại Hà Nội, các chuyên gia và doanh nhân đều khẳng định: Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân là cú hích chiến lược, mở 'đường băng thể chế' cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cất cánh.
Khởi động chặng đua mới, 3 đột phá chiến lược
Theo TS. Mạc Quốc Anh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (HANOISME), Nghị quyết số 68 giống như "lệnh khởi hành" cho một chặng đua mới của hơn 98% doanh nghiệp (DN) Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Thay vì chỉ chờ ưu đãi, cộng đồng DN xác định 3 cam kết đồng hành: Minh bạch quản trị, đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) tối thiểu 2-3% doanh thu cho công nghệ, năng lượng tái tạo; liên kết chuỗi giá trị.
Từ một quốc gia chịu nhiều hậu quả chiến tranh, Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ trong gần nửa thế kỷ qua. Nước ta đang trong bối cảnh kỷ nguyên mới - cơ hội vươn mình kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0: AI, chuỗi khối, dữ liệu lớn, IoT, sản xuất bồi đắp (additive) đang tái định nghĩa giá trị gia tăng.

TS. Mạc Quốc Anh - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HANOISME. Ảnh: Khắc Kiên
Việt Nam nổi lên là trung tâm gia công phần mềm, bán dẫn, dịch vụ công nghệ thông tin, thu hút các tập đoàn lớn trên thế giới như NVIDIA, Samsung, Foxconn, Amkor… hợp tác, đầu tư. Cơ hội tạo cú nhảy vọt “đi tắt đón đầu” chưa bao giờ rõ ràng như lúc này. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị và xu hướng “Trung Quốc + 1”, “Việt Nam + 1” giúp nước ta trở thành điểm đến của những “đại bàng” Nhật, Mỹ, EU.
“Làn sóng FDI dự kiến đạt 40-45 tỷ USD/năm giai đoạn 2025-2030, tạo không gian liên kết sản xuất, dịch vụ, đổi mới sáng tạo”, ông Quốc Anh thông tin.
Để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, TS. Mạc Quốc Anh đề xuất Việt Nam xây dựng 3 đột phá chiến lược mới.
Thứ nhất, đột phá thể chế, hoàn thiện nhà nước kiến tạo phát triển; ưu tiên sản xuất xanh, bán dẫn, công nghệ cao; đồng thời, đẩy mạnh việc thực thi Đề án Trung tâm tài chính quốc tế (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng) nhằm thu hút dòng vốn toàn cầu.
Thứ hai, đột phá hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam cần đẩy nhanh thực hiện 3.000km cao tốc; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đối với hạ tầng số, cần 100% phủ sóng 5G vào 2030, trung tâm dữ liệu quốc gia chuẩn Tier IV, mạng lưới cáp quang biển mới.
Thứ ba, đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chương trình 100.000 kỹ sư bán dẫn, 1 triệu chuyên gia kinh tế số cũng cần được thực thi mạnh mẽ. “Song song với 3 mũi đột phá chiến lược đó, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021-2030 mở ra khung ưu đãi thuế carbon, tín dụng xanh, cơ chế PPA (mua bán điện trực tiếp), tạo hành lang pháp lý cho DN bứt tốc”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Doanh nghiệp là “tế bào khỏe” của nền kinh tế
Theo ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, DN là một thực thể pháp lý độc lập. Việc tách bạch giữa tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp với cá nhân người điều hành là yêu cầu tất yếu, để doanh nghiệp không bị liên đới bởi sai phạm cá nhân và có thể hoạt động ổn định, lâu dài”.
Một điểm nổi bật trong Nghị quyết 68 là cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, không áp dụng hồi tố những quy định bất lợi cho doanh nghiệp. Điều này không chỉ tạo lòng tin mà còn bảo vệ quyền tài sản và các quyền lợi hợp pháp - vốn là nền tảng của một môi trường đầu tư minh bạch, ổn định.

Sự kiện thu hút sự tham gia của lãnh đạo hơn 40 Hiệp hội, CLB Doanh nhân và các chính khách, doanh nhân, chuyên gia kinh tế
Ông Phan Đức Hiếu ví von, mỗi DN chính là một tế bào của nền kinh tế. Khi từng tế bào khỏe mạnh, cả cơ thể sẽ phát triển vững vàng. Do đó, việc chủ động đổi mới và thích nghi sẽ là yếu tố sống còn của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh.
Từ góc nhìn thể chế, ông Hiếu khẳng định: “Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ rào cản, mà còn kiến tạo tư duy lập pháp mới. Các doanh nghiệp sẽ được tự do phát triển trong một sân chơi bình đẳng, thay vì bị trói buộc trong cơ chế ‘xin - cho’ lỗi thời”.
Trưởng ban Kinh tế tư nhân AI (trực thuộc HANOISME) Nguyễn Văn Tuyền lại nhận định, trí tuệ nhân tạo tác động tích cực đến tất cả lĩnh vực, tuy nhiên, AI vẫn có mặt trái. Ví dụ, trong kinh tế, bất cập của AI là tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, khó khăn, nhất là đối với DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ trước DN lớn có tiềm lực tài chính, nền tảng. Ứng dụng AI sẽ giúp DN lớn đi xa, nhanh so với đối thủ.
Trong giáo dục, sẽ có những bất cập nếu không có sự hỗ trợ cho các vùng khó khăn, xa xôi. Nhiều trường ở đô thị đưa AI vào đào tạo từ nhỏ nên học sinh có điều kiện được tiếp cận, vận dụng dẫn đến khoảng cách giữa học sinh càng xa.
Trong DN, nhiều bộ phận còn dùng AI thiếu trách nhiệm, mạnh ai nấy dùng. AI tạo ra rất nhiều sự thay đổi, thậm chí thay đổi hoàn toàn. Nếu trước đây, muốn mở một quán cà phê, chúng ta phải tự tìm hiểu, tính toán đồ đạc thì nay chỉ cần giao đề, AI sẽ tự lên kế hoạch và đưa các thông tin, thậm chí còn tìm mua sản phẩm cho người dùng.
"Trong marketing, tới đây còn phải marketing cho AI, để AI đề xuất cho con người. Hiện ở Trung Quốc, các robot hình người phát triển rất nhanh. Tới đây, robot sẽ rẻ, DN Việt có thể mua, thuê về hoạt động”, ông Tuyền nhận định.
Một số ý kiến khác tại tọa đàm cũng được chú ý như cách tiếp cận các nguồn vốn vay từ quốc tế đến từ TS. David Nguyễn Vũ - Trưởng Văn phòng đại diện HANOISME tại Singapore, Chủ tịch VietCham.
Ông Vũ cho rằng, Singapore hiện đang là nhà đầu tư lớn của Việt Nam và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhất là với các DN có liên kết xuất khẩu vào Singapore.
“DN có thể tiếp cận nguồn vay của các ngân hàng. Vốn vay thứ hai là phát hành trái phiếu; Việt Nam mới phát hành trong nước, chưa phát hành trái phiếu quốc tế, DN có thể tiếp cận sàn chứng khoán Singapore để phát hành trái phiếu tại đây. Bởi Singapore tập trung nhiều quỹ đầu tư thiên thần (khoảng 3.000 gia tộc có đăng ký, 7.000 gia tộc không đăng ký). DN Việt có thể tiếp cận qua các trung tâm về gia tộc toàn cầu, chào bán cổ phần”.
Tổ công tác đặc biệt để hiện thực hóa chính sách
Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Phạm Đức Nghiệm cho biết, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam tuy phát triển muộn hơn so với các quốc gia tiên phong nhưng đang có những bước tiến đáng kể.
Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó hơn 10 DN đạt quy mô 100 triệu USD và 4 doanh nghiệp đã vượt mốc định giá 1 tỷ USD (kỳ lân). Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta vẫn thiếu những điều kiện đủ để các doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự bứt phá”.

Tại tọa đàm, các doanh nhân đã đưa ra những ý kiến thiết thực để hiện thực hóa Nghị quyết 68
Một trong những rào cản lớn hiện nay là vấn đềtiếp cận tín dụng và vốn đầu tư cho đổi mới sáng tạo. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dành các khoản vay ưu đãi lớn cho DN khoa học công nghệ, nhưng việc triển khai vẫn chưa thực sự đồng bộ, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận chính sách.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, để tận dụng các cơ hội mà Nghị quyết 68-NQ/TW và nhiều chính sách đổi mới mang lại, bản thân các DN cần thay đổi tư duy, từ bị động trông chờ sang chủ động tiệm cận và vận dụng chính sách. Chỉ khi “đón bắt cơ hội bằng năng lực và quyết tâm nội tại”, DN mới có thể tận dụng được nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước để đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 thẳng thắn kiến nghị: “Chính phủ nên thành lập Tổ công tác đặc biệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, gồm các chuyên gia độc lập và đại diện doanh nghiệp. Nếu không có bộ phận chuyên trách, kiến nghị từ doanh nghiệp dễ bị trôi vào khoảng trống”.
Trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng, hội nhập và phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp Việt phải vươn lên cả về tư duy quản trị, năng lực sản xuất lẫn đạo đức kinh doanh để có thể đứng vững và tiến xa.
“DN Việt buộc phải thay đổi tư duy: không thể chỉ làm gia công, mà phải làm chủ cuộc chơi bằng thương hiệu và chất lượng. Made by Vietnam là con đường tất yếu để chúng ta khẳng định mình”, ông Việt nói.