Nghị quyết số 68-NQ/TW: Chìa khóa kích hoạt toàn bộ sức sản xuất trong xã hội

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, là một cột mốc quan trọng, kế thừa những tư tưởng lớn của Đảng trong nhiều năm qua, đồng thời thể hiện bước chuyển về tư duy, với nhiều nội dung đột phá, định hình tầm nhìn phát triển đến năm 2045.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng và sự chuyển dịch mạnh mẽ của các chuỗi giá trị kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là một yêu cầu khách quan mà còn là bước đi chiến lược để Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế thực chất và hiệu quả. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, do Tổng Bí thư Tô Lâm ký thay mặt Bộ Chính trị, là một cột mốc quan trọng, kế thừa những tư tưởng lớn của Đảng trong nhiều năm qua, đồng thời thể hiện bước chuyển về tư duy, với nhiều nội dung đột phá, định hình tầm nhìn phát triển đến năm 2045.

Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55-58% GDP

Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55-58% GDP

Chúng ta còn nhớ, Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã lần đầu tiên xác định rõ: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết này đã mở ra không gian phát triển mới, giúp khu vực tư nhân từng bước khẳng định vai trò không thể thay thế trong nền kinh tế quốc dân. Trong những năm sau đó, nhiều văn bản dưới luật, chương trình hành động của Chính phủ, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo đã được triển khai nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 10.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng bộc lộ không ít rào cản: từ thể chế pháp lý thiếu đồng bộ, chính sách chưa đủ sức khơi thông nguồn lực trong xã hội, đến nhận thức chưa thống nhất về vai trò của khu vực tư nhân. Đặc biệt, trong tư duy quản lý, vẫn còn tồn tại những định kiến, hoài nghi đối với động lực và mục tiêu phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, sự ra đời của Nghị quyết 68 không chỉ là bước tiếp nối các chủ trương trước mà còn mang ý nghĩa định hình lại toàn diện cách tiếp cận, tôn vinh và đặt đúng vai trò của kinh tế tư nhân trong cục diện kinh tế hiện đại.

Nghị quyết 68 xác định: trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Không chỉ dừng lại ở việc khẳng định vai trò, Nghị quyết còn nhấn mạnh sự phối hợp đồng bộ giữa các khu vực kinh tế, trong đó, kinh tế tư nhân cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là trụ cột để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Tính mới của Nghị quyết 68 thể hiện rõ ở việc đặt ra mục tiêu rất cụ thể: đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55-58% GDP, tạo việc làm cho 85% lực lượng lao động, tốc độ tăng trưởng đạt 10-12%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam hướng đến 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp trên 60% GDP, thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN về năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Những con số này không chỉ là kỳ vọng về tăng trưởng, mà còn cho thấy quyết tâm của Đảng trong việc đặt doanh nghiệp tư nhân vào trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Một điểm đột phá khác của Nghị quyết lần này là việc khẳng định rõ: cần xóa bỏ triệt để những định kiến về kinh tế tư nhân. Đây là lần đầu tiên một văn kiện cấp cao của Đảng đề cập trực diện đến “tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến” vốn là lực cản lớn nhất đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong suốt nhiều thập niên.

Nghị quyết cũng đưa ra loạt giải pháp mang tính thể chế: hoàn thiện pháp luật, chính sách đột phá về sở hữu, đầu tư, kinh doanh; bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển như vốn, đất đai, công nghệ, dữ liệu; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; khuyến khích làm giàu hợp pháp, chính đáng. Đặc biệt, môi trường kinh doanh phải đạt chuẩn khu vực và quốc tế, thông thoáng, minh bạch, chi phí thấp, an toàn, dễ thực thi. Một tiêu chí cao hơn hẳn so với các nghị quyết trước đó, phản ánh tầm nhìn hội nhập sâu và cạnh tranh toàn cầu.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 68 cũng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò kiến tạo của Nhà nước và coi doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của tiến trình phát triển. Đội ngũ doanh nhân không chỉ cần giỏi làm kinh tế mà còn phải có đạo đức, văn hóa, khát vọng cống hiến, tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm xã hội. Đây là cách tiếp cận toàn diện và nhân văn, đặt doanh nhân không chỉ trong vai trò sản xuất mà còn là lực lượng chủ lực đóng góp vào sự phát triển bền vững, bao trùm và mang bản sắc Việt Nam.

Có thể khẳng định, Nghị quyết số 68-NQ/TW là một dấu mốc quan trọng, không chỉ nâng tầm vai trò của kinh tế tư nhân, mà còn cho thấy quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển của Đảng, mở ra một thời kỳ mới, nơi doanh nghiệp và doanh nhân tư nhân được khuyến khích, bảo vệ và đồng hành cùng sự nghiệp phát triển đất nước.

Đây chính là chìa khóa để kích hoạt toàn bộ sức sản xuất trong xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực trong dân, đồng thời bảo đảm tính chủ động, độc lập và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân trong thời đại mới.

AV

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/nghi-quyet-so-68-nq-tw-chia-khoa-kich-hoat-toan-bo-suc-san-xuat-trong-xa-hoi-317583.html