Nghị quyết số 68-NQ/TW góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân thường cao hơn tăng trưởng kinh tế cả nước, nhưng đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi các biến động kinh tế trong và ngoài nước. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ là cú hích cho kinh tế tư nhân chuyển mình.

Để đạt được hiệu quả tối đa trong thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo chính sách được thực thi đúng hướng.
Kinh tế tư nhân – khu vực dễ bị tổn thương nhất
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong giai đoạn 2010-2023, cơ cấu kinh tế tư nhân (tính bao gồm cả kinh tế cá thể) trong GDP chiếm trung bình gần 50% GDP, đóng góp khoảng 53% vào tăng trưởng bình quân của nền kinh tế (trong đó, kinh tế cá thể chiếm bình quân 24,3%, đóng góp 21,3%). Tính riêng giai đoạn 2021-2023, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 49,5%, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 50,5% (trong đó, kinh tế cá thể chiếm bình quân 21,9%, đóng góp khoảng 21% vào tăng trưởng chung).
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân thường cao hơn tăng trưởng kinh tế cả nước (cá biệt năm 2019 cao hơn gần 2 điểm phần trăm), nhưng đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi các biến động kinh tế trong và ngoài nước.
Giai đoạn 2013-2014 và 2020-2022, tăng trưởng của kinh tế tư nhân chậm lại, thấp hơn so với tăng trưởng kinh tế cả nước do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới năm 2011 và đại dịch COVID-19. Năm 2023, kinh tế tư nhân đã có dấu hiệu phục hồi khi tăng trưởng đạt 5,7%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với mức tăng 5,07% của cả nước. Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2023 chỉ đạt trên 921 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,8% so với cùng thời điểm năm trước; số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 chỉ đạt trên 159 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,2% so với năm 2022, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động không khả quan, chỉ đạt 97,6%.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân thường cao hơn tăng trưởng kinh tế cả nước (cá biệt năm 2019 cao hơn gần 2 điểm phần trăm), nhưng đây cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi các biến động kinh tế trong và ngoài nước.
Lao động khu vực kinh tế tư nhân năm 2022 ước đạt hơn 41,3 triệu người, chiếm gần 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế và ước tính lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm hơn 59% tổng lao động khu vực doanh nghiệp cả nước.
Như vậy, với quy mô lao động chiếm ưu thế lớn nhưng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào tăng trưởng kinh tế cả nước hiện mới chỉ đạt khoảng hơn 50% cho thấy năng suất lao động của khu vực còn khiêm tốn, hiệu quả kinh tế còn hạn chế so với tiềm năng của khu vực.
Cú hích cho kinh tế tư nhân chuyển mình
Bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đánh giá, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ là cú hích cho kinh tế tư nhân chuyển mình. Nghị quyết sẽ tạo điều kiện cho môi trường kinh doanh trở nên thuận lợi hơn khi hướng tới cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, điều kiện kinh doanh không cần thiết; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai, khoa học công nghệ, thông tin thị trường một cách bình đẳng và hiệu quả hơn; nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và các quyền lợi hợp pháp khác của doanh nghiệp tư nhân. Điều này tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn và ổn định, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và phát triển.

"Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để bảo đảm doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận công bằng các nguồn lực phát triển nếu được triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả sẽ có tác động to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp."
Bà Nguyễn Thị Hương
Cục trưởng Cục Thống kê
Nghị quyết cũng hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thông qua khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ; phát triển các chuỗi giá trị và liên kết; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Nghị quyết cũng chú trọng mở rộng không gian phát triển cho kinh tế tư nhân bằng cách khuyến khích tham gia vào các ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế…
Có thể thấy, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để bảo đảm doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận công bằng các nguồn lực phát triển nếu được triển khai thực hiện kịp thời và hiệu quả sẽ có tác động to lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, cụ thể:
Một là, đẩy mạnh minh bạch hóa, giao dịch điện tử và giảm thời gian thủ tục. Về vốn, mở rộng kênh huy động qua tín dụng xanh, thị trường chứng khoán, quỹ đầu tư và gọi vốn cộng đồng. Về nhân lực, thúc đẩy đào tạo gắn với thực tiễn, bồi dưỡng giám đốc điều hành, kỹ năng số và ngoại ngữ, đáp ứng đòi hỏi chuyển đổi số.
Hai là, dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như miễn, giảm thuế, khấu trừ chi phí nghiên cứu và phát triển, lập quỹ phát triển công nghệ và sandbox công nghệ. Đây là cú hích mạnh để các doanh nghiệp thoát khỏi vai trò thụ động, trở thành chủ sở hữu công nghệ và mô hình kinh doanh tiên phong.
Ba là, khuyến khích sự kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững, nâng cao khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam.
Bốn là, quan tâm đặc biệt đến doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đây là lực lượng chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Năm là, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thúc đẩy khả năng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp giảm áp lực về vốn cho doanh nghiệp, đồng thời giúp nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp.
Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Còn khá sớm để có thể đánh giá tác động của Nghị quyết số 68-NQ/TW nhưng có thể thấy đây là chủ trương, chính sách quan trọng là tiền đề cho kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới. Khi kinh tế tư nhân bứt phá tăng trưởng cao, vững chắc sẽ nâng mức đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước, đóng góp vào việc làm và nâng cao năng suất lao động. Đây là vấn đề then chốt để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào năm 2025.
Để làm được điều này, Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng, trước hết cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ theo cơ chế thị trường, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý. Phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Bảo đảm lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định, phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực với các giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện pháp luật về đất đai, tài nguyên và môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để bảo đảm quyền sử dụng đất thực sự là tài sản được chuyển nhượng, giao dịch, thế chấp cho các nghĩa vụ dân sự, kinh tế, để các tổ chức, cá nhân được thuê đất, giao đất lâu dài với quy mô phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; cơ cấu lại ngân sách nhà nước gắn với giảm bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư công; khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân.
Nhằm mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, cần thiết phát triển mạnh mẽ, thông suốt, đồng bộ các thị trường, hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ trên cả nước, đặc biệt là thị trường tư liệu sản xuất; đồng thời có biện pháp bảo vệ có hiệu quả thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh phát triển thị trường quốc tế phù hợp với các cam kết quốc tế. Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Định hướng phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu trong nước và tốc độ mở rộng thị trường ngoài nước. Có biện pháp hiệu quả ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đối với hàng nông sản. Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, bóp méo giá cả, quan hệ cung - cầu hàng hóa, dịch vụ.

Cần khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến
Cùng với các giải pháp trên, cần khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ. Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp – chủ thể của nền kinh tế - cần chủ động ứng phó và tận dụng các cơ hội từ những biến động của tình hình kinh tế thế giới.
Nghị quyết số 68-NQ/TW sẽ tạo ra bước ngoặt lớn trong phát triển kinh tế tư nhân, giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng hai con số năm 2025. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, quan trọng hơn cả là cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo chính sách được thực thi đúng hướng.