Nghị trường 'nóng' bởi sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội hiến nhiều kế mạnh

Các vấn đề liên quan tới sách giáo khoa nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (2/6).

Rà soát, tinh giản vì quá nhiều đầu SGK

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, trong lúc cuộc sống của người dân khó khăn vì chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, việc giá bán sách giáo khoa (SGK) tăng cao sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là gia đình thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Tán thành với những giải trình và giải pháp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đưa ra để giảm giá SGK, bà Nga đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp hữu hiệu để quản lý giá SGK - mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu.

Chỉ ra thực trạng số lượng đầu SGK quá nhiều, trong đó nhiều cuốn sách chỉ mang tính tham khảo nhưng phụ huynh không được hướng dẫn nên không biết có thể mua cuốn nào, không mua cuốn nào, đại biểu Việt Nga đề nghị rà soát, tinh giản SGK theo hướng thống kê danh mục SGK bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học.

Từ đó, ngoài SGK bắt buộc phải có, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể và nhu cầu.

Đưa SGK vào danh mục quản lý giá

Tranh luận về vấn đề SGK, đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là phải đưa SGK vào danh mục quản lý giá và đảm bảo quyền lợi của học sinh và điều kiện KTXH hiện nay của người dân.

Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thành cũng đồng tình với việc Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhà trường truyền thông rộng rãi để nphụ huynh, học sinh hiểu SGK là sách bắt buộc học sinh có đi học; còn sách bổ trợ, tham khảo thì tùy thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên không bắt buộc phải mua.

Lấy ví dụ thực tiễn tại địa phương, đại biểu Thành cho biết, ngành giáo dục tại địa phương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện SGK trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho nhà trường.

Cùng với đó kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản SGK cho nhà trường, kêu gọi học sinh khóa trước học xong tặng lại sách để xây dựng thư viện SGK. Việc làm này giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học và sách dùng nhiều lần sẽ tránh được lãng phí.

Đề nghị cấm bán sách tham khảo trong nhà trường

Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, đề xuất của đại biểu Thái Văn Thành là "cần nói cho người dân hiểu sách tham khảo không cần mua" đặt ra vấn đề: Nếu có bán sách tham khảo trong trường, thì tất cả phụ huynh học sinh cũng đều sẽ mua cho con bằng bạn, bằng bè.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

"Sách tham khảo này chính là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản. Vì vậy, cần hạn chế tối đa loại hình sách này. Rất nhiều nhà giáo dục kinh nghiệm trên thế giới đã chỉ ra rằng, sách tham khảo chỉ dùng cho các thầy cô giáo sử dụng để phong phú bài giảng của mình. Còn học sinh tiểu học không cần có sách tham khảo", đại biểu chỉ ra và đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.

Nhấn mạnh việc đổi mới SGK là rất đúng đắn, đại biểu Hiếu lưu ý cách làm chưa tạo sự cạnh tranh lành mạnh.

"Sẽ có các sản phẩm tốt và rẻ hơn và đứng vững theo thời gian, chọn cách làm tường minh và khoa học thì SGK sẽ trở lại đúng vị trí, trang trọng của mình", đại biểu đoàn Bình Định nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cắt chi phí trung gian để giảm giá SGK

Trước đó, phát biểu làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm về SGK, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo Nghị quyết số 88/2014, công việc biên soạn SGK đã được thực hiện theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Với mong muốn học sinh luôn được mua SGK với giá thấp nhất, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để sách xuất bản có thể dùng lại được nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm.

Bộ GD&ĐT đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá SGK được thấp nhất.

Đồng thời, đã chỉ đạo NXB thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo NXB Giáo dục cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.

Đối với NXB Giáo dục là một doanh nghiệp Nhà nước do Bộ quản lý, Bộ đã chỉ đạo NXB tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu nhà xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa khâu trung gian

Theo ông Sơn, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Việc này Bộ đã đề xuất từ công văn số 4146 ngày 22/9/2021 và đã có chính sách trợ giá.

Trần Duy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bo-truong-bo-gddt-noi-gi-ve-sach-giao-khoa-tang-hoc-phi-d554388.html