Nghi vấn Mỹ có kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân đến Anh
Tờ Telegraph trích dẫn các tài liệu của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân tới Anh, lần đầu tiên sau 15 năm.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) liên quan đến xung đột Ukraine, và một số chính trị gia phương Tây kêu gọi chuẩn bị cho một cuộc đụng độ vũ trang tiềm tàng với Mátxcơva.
Tờ báo Anh trích dẫn các hợp đồng mua sắm cho cơ sở mới tại căn cứ Không quân Hoàng gia (RAF) ở Lakenheath (Suffolk), trong đó đề cập đến ý định của Washington trong việc đưa vũ khí hạt nhân tới căn cứ. RAF Lakenheath là nơi từng đặt vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh Lạnh.
Telegraph cho biết căn cứ dự kiến sẽ tiếp nhận những quả bom B61-12 có sức công phá lên tới 50 kiloton, mạnh gấp ba lần những quả bom được thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Mỹ đã điều động máy bay chiến đấu F-35 có khả năng hạt nhân tới căn cứ này vào năm 2023.
Hồi tháng 10, các quan chức Mỹ đã yêu cầu Quốc hội cho phép bắt đầu phát triển bom B61 mới với trọng tải cao hơn, lập luận rằng vũ khí mạnh hơn sẽ “cung cấp cho tổng thống những lựa chọn bổ sung để nhắm vào một số mục tiêu quân sự khó khăn hơn và trên diện rộng”.
Tên lửa hạt nhân đã được Mỹ rút khỏi Anh vào năm 2008 sau khi Washington đánh giá rằng mối đe dọa từ Mátxcơva đã giảm bớt. Hiện tại, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã có mặt tại năm quốc gia NATO ở châu Âu là Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức quốc phòng Mỹ được Telegraph dẫn lời cho biết: "Mỹ thường xuyên nâng cấp các cơ sở quân sự của mình ở các quốc gia đồng minh. Các tài liệu ngân sách công khai thường đi kèm các hoạt động như vậy. Những tài liệu này không mang tính dự đoán, cũng không nhằm tiết lộ bất kỳ thông tin cụ thể nào. Chính sách của Mỹ là không xác nhận và không phủ nhận sự hiện diện hoặc vắng mặt của vũ khí hạt nhân tại bất kỳ địa điểm chung hay cụ thể nào."
Chính quyền Mỹ và Anh hiện chưa bình luận về thông tin này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova năm ngoái cho biết Mátxcơva sẽ buộc phải ban hành “các biện pháp đáp trả” nếu đầu đạn hạt nhân của Mỹ quay trở lại Anh.
Nga đã cáo buộc phương Tây gây căng thẳng ở châu Âu và cho rằng việc mở rộng về phía đông của NATO là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột ở Ukraine.
Các quan chức cấp cao của châu Âu, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius, đã nói về sự cần thiết phải chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga.
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - Đô đốc Rob Bauer đã kêu gọi “sẵn sàng hơn trên phạm vi toàn khối" cho nguy cơ đối đầu trực tiếp.
Người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga - Sergey Naryshkin bác bỏ cáo buộc cho rằng Mátxcơva đang lên kế hoạch tấn công NATO, gọi đây là “chiến tranh thông tin” nhằm biện minh cho "sự gây hấn hỗn hợp".