Nghi vấn rau VietGAP 'dởm' vào siêu thị: Nếu là hàng kém chất lượng thì phải đền bù cho khách hàng
Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam khẳng định việc hàng kém chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, thực phẩm vào được siêu thị là rất khó khăn bởi các quy định kiểm tra chất lượng, đánh giá nhà cung cấp… Tuy nhiên, nếu xảy ra hiện tượng trên thì các siêu thị cũng cần phải có biện pháp xử lý, đồng thời có giải pháp đền bù cho khách hàng khi mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Những ngày gần đây, người tiêu dùng trong nước đang lo lắng trước thông tin một số nhà cung cấp như Trình Nhi, HugoFarm mua rau từ chợ đầu mối về, sau đó gắn nhãn VietGAP và đưa vào nhiều hệ thống phân phối hiện đại như WinMart, Tiki Ngon, 3Sạch.
Liên quan tới nghi vấn trên, VnBusiness đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam – bà Vũ Thị Hậu.
Cụ thể, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam nhìn nhận thực tế các siêu thị đều có quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, nhất là một số siêu thị lớn đều có hệ thống phòng kiểm nghiệm thực phẩm khi nhập kho.
“Tôi được biết theo quy định chung của nhiều siêu thị, định kỳ đều phải đến kiểm tra, giám sát vùng trồng của đơn vị cung ứng, nông sản thực phẩm. Có thể nói, nếu thực hiện theo các quy định trên, việc nông sản, thực phẩm kém chất lượng vào siêu thị là rất khó", bà Hậu chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phân tích, quá trình kiểm tra gồm nhiều bước, nhiều con người thực hiện chứ không phải một việc hay một người mà dễ xảy ra tiêu cực. Thời gian qua, nhiều nhà cung cấp “kêu khóc” vì khó vào siêu thị cũng là như vậy. Mặt khác, vào được siêu thị nhưng nếu vi phạm bị cắt hợp đồng thì chính các nhà cung cấp cũng rất sợ.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, vụ việc rau kém chất lượng, giả mạo xuất xứ vào một số hệ thống siêu thị đang tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên quá hoang mang về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa trong siêu thị.
Tuy nhiên, về phía hệ thống phân phối, bà Hậu cho rằng để đảm bảo an toàn về chất lượng sản phẩm, việc ký kết hợp đồng với các nhà sản xuất lớn, mua tận gốc ở vùng trồng là rất quan trọng.
Đồng thời, nếu sau khi kiểm tra, xác minh đúng như phản ánh là rau kém chất lượng được bày bán trong siêu thị, cửa hàng sạch, thì các hệ thống phân phối trên cần phải có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng khi mua phải hàng kém chất lượng.
“Giải pháp trước mắt là các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch phải cắt hợp đồng với nhà cung cấp, rút hàng khỏi quầy kệ. Nếu điều tra là đúng như phản ánh thì hệ thống phân phối phải có giải pháp đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt trong tình huống nếu khách hàng mua phải sản phẩm kém chất lượng bị ảnh hưởng tới sức khỏe”, bà Hậu nhấn mạnh.
Liên quan tới câu chuyện xử lý vụ việc, ngày 20/9, 3Sạch Food cũng phát đi thông cáo với nội dung rút hàng khỏi quầy kệ của hai nhà cung cấp là Công ty TNHH Nông sản sạch HugoFarm và Công ty CP đầu tư và sản xuất nông sản Trình Nhi.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan điều tra và tiến hành các thủ tục pháp lý với các nhà cung cấp vi phạm hợp đồng, nhằm làm rõ các hành vi đánh tráo, gian lận nhãn hiệu và hàng hóa, làm mất lòng tin của khách hàng 3Sạch và xã hội nói chung. Chúng tôi cũng đã và đang liên hệ với tất cả các khách hàng có hóa đơn mua rau của 2 nhà cung cấp này để đền bù về tinh thần và vật chất”, thông cáo của 3Sạch nêu rõ.
Trước đó, WinCommerce (WinMart, WinMart+) và TikiNGON cũng khẳng định đã ngừng hợp tác và rút khỏi quầy kệ sản phẩm của nhà cung cấp Trình Nhi. Được biết, vụ việc trên vẫn đang tiếp tục được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.