Nghĩ về dặm đường tuần hoàn cho cây lúa miền Tây

Danh xưng 'Vựa lúa quốc gia' hay 'Bát cơm châu Á' dành cho miền Tây Nam Bộ vốn có từ lâu đời. Thế nhưng, có gì tự hào khi nông dân trồng lúa vẫn nghèo? Thay vào đó, tại sao không nghĩ đến con đường tuần hoàn cho cây lúa ở vùng sông nước này để phát triển bền vững thay vì hư vinh, để cho dân nông thôn có cơ hội được làm giàu?

Là một doanh nhân dành nhiều tâm huyết cho cây lúa ở miền Tây Nam Bộ, anh Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), kể rằng thời gian đầu anh cũng không hiểu gì nhiều về nguyên lý của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Đam mê làm giàu từ... cây lúa

Nhưng, trong quá trình tập trung nhiều vào cây lúa thì lại nảy sinh một vài ý tưởng có tính “tuần hoàn” để phục vụ cho sản xuất kinh doanh cho ngành hàng lúa gạo. Từ đó, một số dự định, kế hoạch được gọi nôm na là kinh tế tuần hoàn đã được triển khai dành cho các phụ phẩm của cây lúa, ngay từ cọng rơm cho đến sản phẩm sau gạo.

Cần chuyển đổi hướng đi tuần hoàn cho cây lúa ở miền Tây Nam Bộ, từ “bát cơm đầy” sang “những bát cơm có giá trị cao”.

Cần chuyển đổi hướng đi tuần hoàn cho cây lúa ở miền Tây Nam Bộ, từ “bát cơm đầy” sang “những bát cơm có giá trị cao”.

Như chia sẻ của anh Thiện, trong phụ phẩm cây lúa khi người nông dân thu hoạch, có dư ra nhiều rơm rạ, lâu nay vẫn được dùng để làm nấm rơm hoặc thực phẩm cho bò. Còn với vỏ trấu lúa sẽ được ép thành viên để xuất khẩu.

Với sản phẩm sau gạo, chẳng hạn cám gạo, do có chứa hàm lượng dầu trong đó nên công ty đã có dự án làm dầu cám. Với dầu cám thì công ty xuất khẩu, còn bã cám sẽ được sử dụng cho thức ăn chăn nuôi. Chưa hết, đến phần phụ phẩm của gạo (tức là gạo gãy và tấm) được dùng để làm bột gạo.

Ở Tp.Sa Đéc (Đồng Tháp) có một làng nghề chuyên làm bột gạo truyền thống rất phát triển nhờ tận dụng phụ phẩm này. Tuy vậy, cho đến sau này mới phát hiện ra là phụ phẩm từ gạo còn có ý nghĩa lớn hơn việc làm bột gạo. Trong quá trình sản xuất bột gạo sẽ có bã bột.

Trước giờ bà con nông dân hay dùng bã bột gạo cho heo ăn. Nghề làm bột nuôi heo là nghề truyền thống ở Sa Đéc. Thế nhưng, có những giai đoạn ngành chăn nuôi lợn đối mặt dịch tả lợn Châu Phi đã làm sụt giảm đàn heo, cho nên bà con trong làng nghề ngại tái đàn và cũng không dám làm bột vì bã bột không có tiêu thụ được.

“Thời điểm đó, cũng may là tôi gặp chú Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Bí thư tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp), rồi chú ấy có gợi ý là Thiện phải làm cách nào để xài bã bột cho bà con nông dân, chẳng hạn như làm thức ăn chăn nuôi”, anh Thiện nhớ lại.

Sau khi về nghiên cứu một thời gian, vị Tổng giám đốc của Cỏ May phát hiện ra bã bột có thể xài được và rất có giá trị. Thực ra, bã bột gạo có giá trị sử dụng về mặt dinh dưỡng dù chỉ bằng 1/2 so với bã đậu nành nhưng có độ hấp thu tốt hơn. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ tương đương với tiền nhập khẩu bã đậu nành về để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.

Điều đó rất uổng phí! Vì thế, anh Thiện quyết định "vừa xài vừa la lên". Sau đó, thị trường bã bột gạo bắt đầu có nhiều người mua. Ban đầu giá bã bột chỉ khoảng 900 đồng/kg, nhưng cho đến thời điểm hiện tại giá đã là 9.000 đồng/kg.

Do quá trình cung không đủ cầu, làm cho ngành bột gạo ở Sa Đéc trở nên hiệu quả hơn. Bà con nông dân cũng tăng sản lượng. Có một điều thú vị phía sau câu chuyện bã bột, đó là tấm để làm bột đòi hỏi phải thuộc gạo khô, cứng cơm, còn nếu dùng gạo thơm để làm bột thì lại không đạt vì quá dẻo, nhão nhoét.

Do vậy, giống lúa IR 50404 lại phù hợp để làm loại bột này. Trong khi đó, thời gian sinh trưởng của giống lúa này rất ngắn (khoảng 80 ngày), có khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ ngã cũng rất tốt.

“Thành ra, tôi đã nghĩ đến một kế hoạch đầu tư một khu đất ở vùng Tân Hồng (Đồng Tháp) để trồng giống lúa này và không cần xài phân thuốc. Điều đó vừa giảm được chi phí, giảm giá thành của lúa, lại vừa giúp rửa độc cho đất”, anh Thiện nói.

Chưa hết, khi lên kế hoạch liên kết với nông dân trồng lúa để hình thành vùng trồng như vậy, lại nghĩ nếu trồng giống lúa này thì giống như hữu cơ hóa đồng ruộng. Điều đó đã mang ngược lại giá trị cho chuỗi giá trị cây lúa.

Tức là cây lúa khi trồng mà không phân thuốc sẽ bán được giá cao hơn với những phụ phẩm từ lúa, đặc biệt là với dầu cám. Cây lúa để làm chuỗi giá trị này cũng không phải là trồng để ăn, gạo thì ăn rất dở, nhưng khi khai thác theo kinh tế tuần hoàn với chuỗi giá trị thì giá trị lại rất cao. Và đó cũng chính là niềm đam mê của anh Thiện trong nhiều năm nay để có giúp bà con nông dân làm giàu với cây lúa.

Mở hướng đi tuần hoàn cho cây lúa

Từ chia sẻ của anh Thiện, sẽ thấy giá trị của việc tuần hoàn đối với cây lúa ở miền Tây Nam Bộ quan trọng đến dường nào. Nhất là khi danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho vùng sông nước này đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc cần nhận thức lại khi mà những người nông dân làm ra thật nhiều lúa gạo cung ứng cho toàn cầu vẫn còn nghèo khó.

Chuỗi giá trị ngành lúa gạo thế giới đang có những bước phát triển đáng kể từ việc áp dụng kinh tế tuần hoàn với cây lúa, ngay từ những phụ phẩm như rơm, rạ.

Chuỗi giá trị ngành lúa gạo thế giới đang có những bước phát triển đáng kể từ việc áp dụng kinh tế tuần hoàn với cây lúa, ngay từ những phụ phẩm như rơm, rạ.

Cho nên, đã đến lúc cần phải thấy, cần phải chuyển đổi hướng đi tuần hoàn cho cây lúa, từ “bát cơm đầy” sang “những bát cơm có giá trị cao”. Nhất là vừa tuần hoàn hóa vừa thương mại hóa ngành lúa gạo nhằm cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu.

Theo giới chuyên gia, nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn cho ngành hàng lúa gạo ở “vựa lúa” Đồng bằng sông Cửu Long là tất cả phụ phẩm của quá trình trồng trọt, thu hoạch cây lúa cho đến chế biến gạo phải được coi là nguồn tài nguyên, là nguyên liệu của quy trình sản xuất sản phẩm tiếp theo.

Thực ra, chuỗi giá trị ngành lúa gạo thế giới đã có những bước phát triển rất đáng kể từ việc áp dụng kinh tế tuần hoàn với cây lúa, những phụ phẩm từ cây lúa như rơm, rạ ngoài làm nấm và thức ăn cho trâu bò có thể làm ván lót, sơ sợi…

Vỏ trấu có thể làm các vật liệu lọc nước, sản phẩm mỹ nghệ, gas sinh học, vật liệu xây dựng, vật liệu cách nhiệt, vật liệu đánh bóng kim loại, sơn nano, chống đạn, chống cháy. Gạo tấm sử dụng làm bún gạo, bánh gạo, sữa gạo, thức uống dinh dưỡng. Cám gạo có thể làm lớp bọc bánh kẹo, chocolate hay chất đánh bóng sàn, …

Ở châu Âu, các doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu thành công công nghệ tiên tiến sử dụng nguồn rơm, rạ và vỏ trấu sản xuất ra các sản phẩm cần thiết yếu trong đời sống, như: Chén, dĩa, dao, nĩa, ốp lưng điện thoại, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, bao bì, nắp chai lọ, dụng cụ làm vườn…

Trở lại với cây lúa ở miền Tây Nam Bộ, vào tháng 12/2022, CTCP Chỉ số nông nghiệp (Agri Index) đã khởi động dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm của ngành hàng theo mô hình kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Đồng Tháp.

Dự án này có mục tiêu kết nối các thành phần tham gia trong vòng tuần hoàn lúa gạo tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung với các đầu mối thương mại trên cả nước.

Từ đó, tạo ra một nền tảng công nghệ hữu ích và mang lại giá trị thặng dư cao hơn từ cây lúa. Dự án quy tụ sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đang có hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và sản phẩm chế biến sâu từ phụ phẩm ngành gạo.

Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn cho ngành lúa gạo miền Tây Nam Bộ và mang lại những lợi ích thiết thực cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn, bao gồm các lợi ích như cung cấp thông tin mua bán minh bạch, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, tối ưu chi phí kho bãi và vận chuyển, cung cấp các giải pháp tài chính đảm bảo giao dịch an toàn và đúng pháp luật.

Vĩ thanh

Có thể nói việc nâng cao hiệu quả trồng lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn trong cây lúa ở miền Tây Nam Bộ là rất cần thiết và đang cần vai trò tiên phong của doanh nghiệp, hợp tác xã và các nông dân. Nhất là với sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước đến nay đã đạt 7 triệu tấn/năm (trong đó nguồn gạo chủ yếu là từ Đồng bằng sông Cửu Long) thì việc tận dụng các phụ phẩm sau gạo là cực kỳ lớn. Cho nên, con đường kinh tế tuần hoàn là giải pháp để cho ngành lúa gạo Việt bền vững hơn trong tương lai, cũng như góp phần phát triển kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam ngày càng vững chắc hơn.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nghi-ve-dam-duong-tuan-hoan-cho-cay-lua-mien-tay-1090156.html