Nghĩ về du lịch nông thôn
Nói đến du lịch, bạn sẽ nghĩ ngay đến những bãi biển xinh đẹp, nắng vàng, cát mịn; thảo nguyên mênh mông, suối, thác, hồ đầy hay nơi có những căn nhà gỗ mộc mạc như trong cổ tích.
Hẳn là giờ đây trong cuốn sổ chi tiêu của nhiều gia đình đã có thêm một khoản chi tiêu là kế hoạch nghỉ dưỡng để tận hưởng không gian sống trong lành với nhưng ưu đãi của gói timeshare (sở hữu kỳ nghỉ du lịch). Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không dễ xóa bỏ nhưng chất lượng cuộc sống của mỗi tổ ấm hình như đang được thu hẹp đáng kể bằng những gói khuyến mại, những ưu đãi đem lại tiện ích cho khách hàng.
Nhiều người cao tuổi thắc mắc với tôi về một hiện tượng: Tại sao thú cưng, quần áo, phim ảnh, những homestay mộc mạc trong rừng núi… thì có gì lạ đâu mà giới trẻ và trung tuổi lại rất ham thích, chấp nhận bỏ vào đó không ít tiền để được ngủ rừng, ngủ núi như thời ông bà đi sơ tán.
Bản thân người viết biết rằng có nhiều bạn sẵn sàng vung tiền mua thêm những bộ váy áo mặc dù mấy chiếc tủ đã chật cứng. Không ít người bỏ giấc ngủ trưa để đi xem một bộ phim mới ra rạp… tất cả đều chỉ nói lên một điều: chúng ta muốn mở rộng biên độ của cuộc sống này, vượt qua cái cũ kĩ, tẻ nhạt bằng những sản phẩm “dinh dưỡng tinh thần”. Nhưng liệu điều mà ta đánh đổi, sản phẩm mà ta nhận được có tương xứng với những gì mong đợi và đâu phải mọi thứ đều có thể oder nếu như không động não suy nghĩ và tự tay tìm kiếm…
Nhưng du lịch đang đứng trước thách thức về chất lượng dịch vụ bởi có những công ty đã làm suy giảm lòng tin của khách hàng. Nhà báo Nguyễn Văn Hải đã chỉ ra vấn đề này trên Báo Dân trí: “Có những người đến điểm nghỉ dưỡng thì… ngã ngửa vì dịch vụ khác xa quảng cáo lúc đầu. Họ bị đối xử như "kẻ hành khất" khi gia đình 7 người chỉ được phát 4 phần kem đánh răng, khăn tắm và một tuần chỉ được dọn phòng một lần. Nhiều người đã mua tuần nghỉ, có hợp đồng rõ ràng song khi đến nghỉ muộn thì bị công ty du lịch tự động bố trí phòng cho khách bên ngoài thuê, khiến gia đình họ phải vật vã "kêu gào" mới đòi lại được phòng nghỉ”.
Lướt sang các báo khác, chúng ta cũng bắt gặp những bài phản ánh tương tự về vấn nạn này, như: “Những bi kịch cuộc đời vì trót ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ du lịch” - Nhóm PV thời sự, Báo Lao Động; “Sở hữu kỳ nghỉ: Giống như trong mơ hay gánh lấy rủi ro?” - Nhóm phóng viên VTV Digital-Vtc.vn; “Nhiều người “ngậm trái đắng” vì mua gói “sở hữu kỳ nghỉ cao cấp” - Phong Anh, Báo CAND; “Tổng cục Du lịch cảnh báo về 'sở hữu kỳ nghỉ' - Ngọc Ánh - Báo Tiền Phong…
Tính ưu việt của hình thức sở hữu kỳ nghỉ du lịch là rất rõ ràng. Đây cũng là xu thế đã xuất hiện ở châu Âu từ thập niên 60 của thế kỉ trước và sẽ đem lại lợi ích cho nhiều bên. Hơn nữa, timeshare và xu hướng du lịch gia đình còn giúp gắn kết tình cảm các thành viên, góp phần tạo ra giá trị sống tốt đẹp trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, như với bất kì một xu thế nào ở giai đoan mới xuất hiện cũng bộc lộ những hạn chế, vướng mắc và kẽ hở để kẻ xấu trục lợi.
Bởi thế, câu chuyện về gói timeshare sẽ còn được phân tích kĩ càng, các chiêu trò, kẽ hở pháp lí sẽ được nhận diện cả về ưu thế và hạn chế ở thị trường du lịch Việt Nam. Trong khi đó, bạn thử nhìn ngoài ô cửa sổ kia những cánh đồng hoa hướng dương, tam giác mạch, đồi cỏ, hồ, suối… đang mời gọi chúng ta với một ưu đãi đặc biệt đó là sự chân thật, trong lành. Hình như, dù chẳng có bản hợp đồng ràng buộc nào nhưng chúng ta vẫn đang “nợ” du lịch Việt Nam những chuyến đi về với cội nguồn của các giá trị sống. Nếu sở hữu kì nghỉ có được những ưu thế như: Giá cả hợp lý, không lo biến động; dịch vụ đẳng cấp 5 sao; chuyển nhượng linh hoạt; thể hiện đẳng cấp, phong cách sống… thì du lịch nông thôn cũng có những thế mạnh riêng. Tuy nhiên, với ba hình thức cơ bản như: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái, du lịch nông thôn vẫn chưa tạo ra sức hút lớn cho khách hàng.
PGS.TS Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Văn hóa Việt Nam dựa trên văn hóa nông dân, nông nghiệp, lúa nước, xóm làng… 70% dân số vẫn đang sống ở nông thôn. Việc cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ du lịch tại chỗ sẽ tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch. Mặt khác, thông qua khách du lịch, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương được tiêu dùng trực tiếp, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đem lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, du lịch nông thôn còn hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp bản địa thông qua công tác truyền thông điểm đến, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch” (theo: Hải Nam/VOV.VN). Rõ ràng, qua phân tích của PGS.TS Phạm Hồng Long chúng ta nhận ra sức mạnh của sự gắn kết giữa xây dựng nông thôn và tạo ra sản phẩm du lịch bằng việc sản phẩm được tiêu thụ tại chỗ; thông qua trải nghiệm, đem lại cảm xúc và tri thức cho khách hàng (đặc biệt là trẻ em). Nhưng tại sao, hình thức du lịch này chưa thực sự phát triển mạnh?
Nói như ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nêu rõ chúng ta đang thiếu “bức tranh du lịch tổng thể”. Du lịch nông thôn đang là câu chuyện sửa sang, xây cất của từng hộ gia đình chứ chưa thành một xu thế, tạo ra không gian tổng thế. Nhưng nói đến đây, chúng ta lại thấy không chỉ cần có hạ tầng, quy hoạch, cơ chế, chính sách… mà cần có cả một văn hóa du lịch để phát triển hình thức này.
Văn hóa ấy là hàm lượng giá trị để đáp ứng các tiêu chí ấy chứ không chỉ cần vượt qua vòng kiểm tra. Văn hóa ấy là cảm giác mà khách hàng có được khi trở về nông thôn như gặp lại kí ức, sống lại cảm giác của gia đình, làng, bản hay nói một cách khái quát là sự nhận thức sâu sắc hệ giá trị con người. Chừng nào, du lịch nông thôn đạt đến tầm của giá trị bản sắc, bồi dưỡng, thanh lọc tâm hồn con người; một sự sở hữu không dựa trên bản hợp đồng nào sẽ là sự thành công.
Nhưng những người nông dân làm du lịch cũng cần biết chúng ta cần gì trong các căn nhà, ngôi làng, xóm bản của họ. Phải chăng, các điểm du lịch cần có nghệ nhân giàu kinh nghiệm; hướng dẫn viên có kỹ năng tốt; sản phẩm đặc sản, ngành nghề đặc trưng… hay cần trèo đèo, lội suối, băng rừng như các khách du lịch nước ngoài…
Có lẽ, người làm du lịch cần biết nhu cầu, sở thích của từng loại đối tượng, tâm lý và lứa tuổi. Người Việt Nam hẳn sẽ không có ai quá lạ lẫm với thôn dã mà cái họ cần là không khí, cảm giác, cảm xúc và “liều thuốc tinh thần” xua tan mệt nhọc, áp lưực trong cuộc sống.
Chừng nào, du lịch nông thôn khơi dậy được một khát vọng về nguồn, đánh thức được “người nhà quê” trong mỗi bản thể như nhà phê bình Hoài Thanh từng viết (Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê) thì khi đó sẽ có câu trả lời cho hướng đi này. Nếu sở hữu kỳ nghỉ du lịch là xu thế hiện đại li tâm để hướng ra thế giới để biết người, làm dày dặn, phong phú thêm vốn văn hóa thìdu lịch nông thôn chính là sự hướng tâm để hiểu đúng, hiểu sâu hơn những gì mà chúng ta đang có.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/nghi-ve-du-lich-nong-thon-i701894/