Nghĩ về nước Ý thời Covid-19

'Mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm (Roma-thủ đô Italia), câu nói quen thuộc này khi đến nước Ý (Italia) tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó.

Nước Ý có trên 60 triệu dân nhưng theo số liệu mà tôi được biết số người nước ngoài hàng năm đến du lich nước Ý hơn cả dân số nước này. Tôi đã chứng kiến dòng người khắp năm châu bốn biển nườm nượp, đủ các màu da, đủ các ngôn ngữ đổ vào nước Ý và người Ý rất tôn trọng khách du lịch. Xe ô tô thường phải dừng lại cho dòng người qua đường ngay cả ở thủ đô Roma.

Nước Ý có 54 di sản được UNESCO công nhận, nhiều nhất thế giới. Những địa danh nổi tiếng như đấu trường La Mã, thành phố giữa biển Venice được coi là có một không hai trên thế giới khi thu hút khách du lịch năm châu bốn biển đổ về. Tôi đã nhiều lần đến Ý và tận thấy điều này.
Đó chính là thế MẠNH của nước Ý nhiều thập kỷ qua. Nước Ý phát triển nhờ du lịch, thu nhập từ du lịch là chủ yếu, là quan trọng, là điều gần như ai cũng biết.

Bây giờ Ý đang đối mặt với dịch Covid - 19, một cuộc đối mặt đau đớn với 41.035 người bị bệnh và hơn 4.000 người chết (tính đến ngày 21/3/2019) hơn cả Trung Quốc đại lục. Là một nước văn minh, phát triển nhưng với dòng người từ khắp châu lục đổ về Ý, việc kiểm soát, ngăn chặn chắc là rất khó khăn. Và thế MẠNH của nước Ý đang trở thành điểm YẾU!

Chúng ta thường hay nói đến điểm yếu của con người qua câu chuyện “Gót chân Asin" (Achilles). Con người ở đâu cũng vậy, dù có sức mạnh như Asin vẫn có điểm yếu là gót chân. Có một sự thật gần như là quy luật ấy là MẠNH và YẾU, ĐƯỢC và MẤT, TỐT và XẤU... thường đi liền với nhau. Ở mỗi con người cũng như mỗi đất nước đều có sự thật này. Đó là một sự thật gần như hiển nhiên, gần như quy luật nhưng không phải ai cũng biết, cũng nhận ra, hay không muốn nhận ra?!

Ở nước Nhật, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường những thiếu niên đã được dạy về mặt yếu của ấy là nước Nhật không giàu có về tài nguyên, khoáng sản... Không phải là “Biển bạc, rừng vàng” như chúng ta vẫn được học trên ghế nhà trường!

Nhìn thấy điểm yếu là để ngay từ nhỏ người Nhật được giáo dục phải biết tự lục, tự cường, để vươn lên, để sáng tạo, để bằng chính trí tuệ sức lực của mình làm ra những sản phẩm chinh phục cả thế giới hiện đại, làm cho dân giàu nước mạnh...

Tôi tin chắc qua lần đại dịch này người Ý sẽ có cách khắc phục điểm YẾU của mình để phát huy thế MẠNH vốn có!

Tôi vẫn thường nghĩ làm sao để mỗi chúng ta thấy được mặt mạnh, mặt yếu của mình để từ đó tìm cách khắc phục điểm yếu, phát huy mặt mạnh trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Và, mong sao đất nước ta cũng vậy ...

Dương Kỳ Anh

Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/nghi-ve-nuoc-y-thoi-covid19-1628376.tpo