Nghĩa cử của những cựu binh
Những năm qua, phong trào cựu chiến binh chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Rất nhiều cựu chiến binh đã góp sức người, sức của để xây dựng quê hương đẹp giàu.
Những năm qua, phong trào cựu chiến binh (CCB) chung tay xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực. Rất nhiều CCB đã góp sức người, sức của để xây dựng quê hương đẹp giàu. Trong đó, 2 cựu binh ở xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa hiến đất xây cầu, mở rộng nghĩa trang là những điển hình tiêu biểu.
Niềm vui bên cây cầu mới
Đợt mưa lũ vừa qua, nước từ khu vực thượng nguồn xuôi theo con suối 3000 qua địa bàn xã Ninh Tân rất lớn. Có thời điểm, nước suối dâng cao ngập cả cầu tràn trên con đường từ trung tâm xã đi vào thôn Suối Sâu. Song, người dân vẫn lưu thông rất thuận lợi qua khu vực xung yếu này bằng cây cầu vượt lũ mới được xây dựng cuối năm 2018, cách vị trí cầu tràn chỉ một đoạn. Anh Cao Sơn (thôn Suối Sâu) chia sẻ: “Trước đây, vào mùa mưa lũ, năm nào nước suối cũng dâng cao ngập cầu tràn nên việc đi lại qua khu vực này rất khó khăn và nguy hiểm, nhất là đối với học sinh. Thậm chí còn xảy ra tình trạng thôn Suối Sâu bị chia cắt hoàn toàn do cầu tràn trên con đường độc đạo này bị ngập sâu, không thể đi qua được. Nhưng từ mùa mưa này về sau, chúng tôi đã không còn nỗi lo này nữa vì đã có cây cầu rất kiên cố và an toàn!”.
Vì lòng suối tại vị trí cầu tràn rất lớn nên nếu xây dựng cầu vượt lũ tại vị trí này sẽ tốn nhiều chi phí và khó khăn hơn. Do vậy, chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) đã thống nhất với địa phương xây dựng cầu vượt lũ qua suối 3000 tại vị trí cách cầu tràn một đoạn. Việc xây dựng cầu mới ảnh hưởng đến đất sản xuất của hai hộ dân ở hai bên bờ suối, trong đó có hộ ông Hồ Châu Giang, Phó thôn Bắc, xã Ninh Tân - là một CCB rất gương mẫu tại địa phương. Khi được xã mời lên thông báo về chủ trương xây dựng cầu vượt lũ và đề nghị phương án giải phóng mặt bằng để xây cầu bằng cách hoán đổi đất sản xuất đối với diện tích bị ảnh hưởng; ông Giang đã từ chối ngay việc hoán đổi mà tình nguyện hiến luôn phần đất xây dựng cầu và đường dẫn đi qua, với diện tích hơn 400m2.
Dẫn chúng tôi đi tham quan cây cầu mới, ông Giang chia sẻ: “Gia đình tôi có 2ha đất sản xuất và cuộc sống chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có mấy sào đất này là canh tác thuận lợi và hiệu quả nhất nhờ một mặt giáp suối, một mặt giáp đường liên thôn. Vì thế, dù đã có nhiều người hỏi mua giá cao, tôi vẫn quyết không bán. Nhưng khi được biết chủ trương xây cầu vượt lũ, nghĩ đến cảnh người dân, nhất là các cháu học sinh bất chấp nguy hiểm đi qua cầu tràn ngập nước vào mùa mưa, tôi đã tình nguyện hiến đất để xây dựng công trình”.
Hiến đất làm nghĩa trang
Thời gian qua, trên địa bàn xã Ninh Tân ngày càng có nhiều người ở địa phương khác đến mua đất đồi lập vườn, kéo theo giá đất cũng tăng lên. Khu vực đất sản xuất dọc con đường bê tông từ Tỉnh lộ 5 vào nghĩa trang của xã cũng không ngoại lệ. Ấy vậy mà, CCB Phan Thanh Hải (thôn Bắc) vẫn quyết định hiến hơn 1ha đất ven con đường này để xây dựng mở rộng nghĩa trang. Ông Hải cho biết, phần đất này được ông trồng keo và bạch đàn, mỗi đợt thu hoạch có giá trị hơn 30 triệu đồng. Tại thời điểm ông hiến đất vào năm 2016, có người trả giá 600 triệu đồng/ha nhưng ông không bán; còn hiện tại, giá đất ở khu vực này đã lên hơn 1 tỷ đồng/ha.
Được biết, nghĩa trang của xã Ninh Tân trước đây có tổng diện tích 5,5ha. Khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã quy hoạch mở rộng, chỉnh trang nghĩa trang. Tuy nhiên, do phía sau nghĩa trang hiện hữu giáp núi, phía trước giáp đất sản xuất của người dân nên ban đầu xã Ninh Tân thực hiện phương án hoán đổi đất cho người dân để có đủ quỹ đất theo quy hoạch mở rộng nghĩa trang (6,5ha). Sau khi được mời lên để lấy ý kiến, thống nhất phương án này, ông Hải đã bàn bạc với vợ con rồi nhanh chóng quyết định hiến đất chứ không hoán đổi. Nghĩa cử cao đẹp của CCB Phan Thanh Hải cùng gia đình đã khiến người dân địa phương rất cảm phục, bởi thực sự đó là một sự hy sinh không nhỏ vì cộng đồng. Hành động của ông đã được UBND tỉnh, UBND thị xã và các ban, ngành, đoàn thể tặng bằng khen, giấy khen.
Ông Hải chia sẻ: “Dù làm nông nghiệp, nhưng kinh tế gia đình tôi bây giờ đã khá hơn chứ không còn khó khăn như trước. Các con cũng đã trưởng thành, mình thì tuổi ngày càng lớn, sức khỏe cũng kém đi, không làm nông được mãi, mà có bán đất lấy tiền thì rồi tiêu cũng hết. Nghĩ vậy nên tôi quyết định hiến đất với tâm niệm là góp một phần nhỏ để xây dựng nơi an nghỉ cho người đã khuất được quy củ, khang trang hơn. Đó cũng là cách tạo phúc rất nên làm trong cuộc sống!”.
Nỗ lực vươn lên trong đời sống
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, cũng như bao CCB khác, ông Giang và ông Hải luôn giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp, kiên cường của người lính “Cụ Hồ”. Với tinh thần “xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo”, họ không ngừng nỗ lực phát triển sản xuất trên vùng kinh tế mới Phú Nhơn (thuộc xã Ninh Tân ngày nay), từng bước nâng cao đời sống. Và những phần đất mà ông Giang, ông Hải đã hiến để xây dựng các công trình nói trên cũng là một phần thành quả do chính tay họ khai hoang sau những ngày xuất ngũ.
Với đặc thù ở vùng nông thôn, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, CCB Hồ Châu Giang đã chọn các mô hình trồng mía đường, lúa nước và nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ không ngừng nỗ lực, vợ chồng ông từng bước xây dựng đời sống ngày càng khấm khá, nuôi 3 con trưởng thành và đều học đại học. Nhiều năm qua, ông Giang là điển hình CCB sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương. Còn ông Phan Thanh Hải, với mô hình vườn cây ăn quả mít, xoài, dừa kết hợp nuôi gà Đông Tảo đã từng bước giúp kinh tế gia đình từ chỗ khó khăn trở nên khá giả, nuôi các con trưởng thành, trong đó người con trai đầu trở thành sĩ quan quân đội, hiện công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Bản thân ông cũng là điển hình tiêu biểu CCB sản xuất kinh doanh giỏi của Hội CCB xã Ninh Tân nhiều năm qua.
Ông Lê Nguyên Huấn - Chủ tịch Hội CCB xã Ninh Tân cho biết: “CCB Hồ Châu Giang và Phan Thanh Hải là những hội viên gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của hội. Đặc biệt, ngoài việc luôn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình và có nhiều thành tích trong phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; họ đã có sự đóng góp không nhỏ trong phong trào CCB tham gia xây dựng nông thôn mới, được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp hội đánh giá rất cao”.
THẾ ANH
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/201911/nghia-cu-cua-nhung-cuu-binh-8136127/