Nghĩa địa 'chêm' san sát trong khu dân cư

Hàng nghìn ngôi mộ xen kẽ trong các khu dân cư khiến người ngoài có cảm giác sởn gai ốc khi đi lạc vào, quay đường nào cũng thấy mồ mả. Người dân một số tổ dân phố của P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng mỏi mòn chờ các dự án hết treo, những khu nghĩa địa này được di dời, họ được phép xây dựng nhà cửa ở cho đàng hoàng. Nhưng rồi các dự án quy hoạch cứ "nhấp nhứ", chính quyền địa phương khó đủ bề, còn người dân phải chấp nhận cảnh bước chân ra khỏi nhà là đụng nghĩa địa.

Hàng chục ngôi mộ nằm giữa các ngôi nhà dân.

Hàng chục ngôi mộ nằm giữa các ngôi nhà dân.

Mộ trong sân nhà, nghĩa địa trước ngõ

Nằm dưới con dốc đường Phạm Như Xương phía sau trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nhiều người dân sống trong khu vực tổ 33 thì đã quen, nhưng người lạ mới đến lần đầu không khỏi lạnh gáy khi lạc vào những nghĩa địa "chêm" giữa khu dân cư. Nơi đây trước là những bãi tha ma rộng lớn nhưng cách đây khoảng 20 năm, nhiều ngôi nhà dần dần mọc lên. Lúc đầu là những căn nhà nằm xa, nhưng quỹ đất ngày càng ít đi, nhà nào xây sau thì tiến dần sát nghĩa địa. Và đến bây giờ, nhiều gia đình có mộ nằm trong sân, bước ra khỏi cổng là những hàng dài mồ mả chạy theo đường kiệt sát móng nhà.

Chị Lan có ngôi nhà do cha mẹ để lại, nằm ngay đoạn cua của con đường kiệt dẫn sâu vào tổ 33 của P. Hòa Khánh Nam. Căn nhà khoảng 50m2 có cốt nền thấp hơn nghĩa địa rộng lớn ngay trước mặt, dù có người qua lại nhưng cứ đến tối là phải đóng kín cửa, ít khi dám ra ngoài. Chị kể, khi về đây ở thì nghĩa địa đã có rồi, vừa ở vừa mong một ngày nào đó chính quyền quy hoạch di dời đi, nhưng đã 20 năm người sống vẫn phải "ở chung với người chết". "Ngày lễ tết thì người thân ở đâu họ đến quét dọn, thắp hương khói tro nghi ngút. Còn ngày thường ai không quen đi qua cũng lạnh sống lưng. Mùa mưa nhìn lạnh lẽo, u ám lắm. Nói sống quen là vì không còn cách nào khác, chứ ai cũng muốn chính quyền sớm di dời cho cuộc sống bà con văn minh, sạch sẽ hơn", chị Lan tâm sự.

Càng đi sâu vào phía trong, nhiều khu nghĩa địa nhỏ nằm xem lẫn những ngôi nhà xây tạm và cả những công trình xây dựng trái phép bị đập bỏ. Đây cũng là nơi có rất nhiều nhà trọ sinh viên, công nhân được xây sát rạt nghĩa địa, mở cửa ra là thấy hàng trăm ngôi mộ vây xung quanh. Em Nguyễn Thị Oanh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết, ban ngày thì người qua lại nhiều, sống lâu cũng thấy bình thường chứ chập tối hay ban đêm có việc ra ngoài đi về là phải chạy thật nhanh vào nhà, con gái thường rủ nhau đi chung cho đỡ sợ. "Có những hôm ngày rằm hoặc đầu tháng người ta cúng bái nhiều, bạn bè về quê thì phải đến nhà người khác ở chứ không dám ở một mình. Tụi em đi học còn chủ động được thời gian buổi tối chứ nhiều chị công nhân đi làm ca đêm về sợ lắm", Oanh kể và cho biết thêm, có những lần mưa lớn, nước ngập ngoài nghĩa địa, tràn cả vào phòng, nhiều khu nhà trọ thấp hơn mặt đường thì nước đọng rất lâu.

Không riêng gì tổ 33, hàng trăm hộ dân tại các tổ dân phố số 14, 21, 37, khu Cẩm Túc... thuộc P. Hòa Khánh Nam cũng chung cảnh ngộ bước chân ra khỏi nhà là gặp mồ mả hoặc các nghĩa địa lọt giữa những con đường kiệt.

Nan giải việc di dời

Ông Bùi Trung Khánh - Phó Chủ tịch P. Hòa Khánh Nam cho biết, với diện tích khoảng 10 km2, toàn phường có 33 khu dân cư và 70 tổ dân phố với 8.000 hộ dân. Cách đây hơn 15 năm, dự án Ga đường sắt Đà Nẵng, Khu đô thị Bắc nhà ga được công bố quy hoạch, chính quyền và người dân hy vọng vào một sự thay đổi tích cực. Nhưng rồi các dự án "treo" từ đó đến nay khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, kèm theo đó là các hệ lụy trong quản lý trật tự đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản cũng như các vấn đề an sinh xã hội. Người dân không chỉ khó khăn trong việc xây dựng nhà ở, mà hàng nghìn ngôi mộ "chêm" trong khu dân cư chưa được di dời cũng ảnh hưởng nhiều đến đời sống.

Theo ông Khánh, trên địa bàn phường, ngoài các khu nghĩa trang, khu văn hóa tâm linh làng Khánh Sơn, hiện có gần 2.000 ngôi mộ xây và mộ đất nằm trong khu dân cư, sát nhà dân chưa được di dời. Riêng tổ 33 có tới gần 400 ngôi mộ, khu Cẩm Túc có 427 ngôi, tổ 21 có 593 ngôi, một số thì nằm trong sân nhà, còn hầu hết là ven đường kiệt. Vì người dân đã kiến nghị nhiều năm trời, vừa qua, Sở Xây dựng yêu cầu phường thống kê số lượng mồ mả chôn cất trên địa bàn. Nhưng cụ thể thời gian nào triển khai di dời thì chưa biết vì công việc này rất khó khăn, đặc biệt là kinh phí. "Người dân kiến nghị, chính quyền cơ sở cũng mong muốn rất lâu rồi, nhưng đây không phải là chuyện đơn giản, và cấp phường thì gần như không thể thực hiện được. Chúng tôi mong muốn thành phố sớm có chủ trương để cuộc sống người dân tốt lên, không chỉ riêng chuyện các khu nghĩa địa, mà là quy hoạch chung trên địa bàn phường", ông Khánh cho hay.

Đông A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_216032_nghia-dia-chem-san-sat-trong-khu-dan-cu.aspx