Nghĩa địa xe điện ở Trung Quốc
Là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ xe điện, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những vấn đề đầu tiên phát sinh từ chính thành công của mình. Các 'nghĩa địa xe điện' xuất hiện rải rác tại một số thành phố không chỉ là kết quả của thay đổi chính sách và mô hình kinh doanh mà còn là cơ hội để nhìn nhận lại cách phát triển bền vững ngành công nghiệp xanh trong tương lai.
Trang Bloomberg, ngoại ô thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), trong những ngày hè oi ả năm 2023, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc ô tô điện bị bỏ lại trên các bãi đất trống. Dưới cái nắng gay gắt, những chiếc xe dần xuống cấp, vây quanh là cỏ dại mọc um tùm và rác rưởi vương vãi.
Theo thống kê, hiện tượng xe điện bị bỏ hoang không chỉ xuất hiện ở Hàng Châu mà còn được ghi nhận tại ít nhất 6 thành phố khác trên khắp Trung Quốc. Ở nhiều nơi, xe đã nằm phơi mưa nắng suốt thời gian dài đến mức cỏ mọc xuyên lên từ khoang lái. Có những chiếc vẫn còn nguyên gấu bông, vật dụng cá nhân trên ghế như dấu tích của việc bị bỏ lại trong vội vã.

Hàng trăm thậm chí hàng nghìn chiếc xe ô tô điện bị bỏ lại tại ngoại ô thành phố Hàng Châu (Ảnh: bloomberg)
Khung cảnh này gợi nhớ “núi xe đạp” từng chất đầy ở nhiều thành phố sau cơn sốt chia sẻ xe đạp năm 2018, khi hàng triệu chiếc xe từ các thương hiệu như Ofo hay Mobike bị vứt xuống sông, bỏ lại trong bãi đất hoang sau giai đoạn tăng trưởng quá nóng.
Lần này, nguyên nhân phần lớn đến từ sự thất bại của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ ô tô điện, hoặc do chủ xe cá nhân không còn nhu cầu sử dụng khi trên thị trường liên tục xuất hiện các mẫu xe mới với thiết kế hiện đại hơn, quãng đường di chuyển xa hơn và chi phí hợp lý hơn.
Những bãi xe bị bỏ hoang trở thành hình ảnh tiêu biểu cho tình trạng thừa mứa khi dòng vốn đầu tư dồn dập đổ vào một ngành đang phát triển quá nhanh.
Trong suốt thập niên 2010, chính phủ Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp xe điện, thông qua các khoản trợ cấp khổng lồ cho nhà sản xuất và người tiêu dùng, tạo điều kiện cho hàng trăm công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực xe điện (EV) ra đời. Năm 2016-2018, Trung Quốc chứng kiến sự bùng nổ của dịch vụ chia sẻ xe điện, từ xe hai bánh đến xe bốn bánh với mục tiêu phủ kín các thành phố bằng phương tiện sạch.
Tuy nhiên, như Bloomberg và Carscoops chỉ ra, phần lớn những chiếc xe trong các “nghĩa địa xe điện” hiện nay không phải là xe cá nhân, mà là xe thuộc các công ty khởi nghiệp dịch vụ chia sẻ hoặc gọi xe đã phá sản sau khi chính phủ cắt giảm trợ cấp vào năm 2019.
Khi xe điện trở thành “rác thải công nghệ”
Vấn đề không chỉ nằm ở sự thất bại thương mại. Những chiếc xe điện bị bỏ hoang còn tiềm ẩn nguy cơ môi trường. Pin lithium-ion – “trái tim” của mỗi chiếc EV – chứa các kim loại nặng như cobalt, nickel và lithium, có thể gây ô nhiễm đất và nguồn nước nếu không được xử lý đúng cách.
Tờ Vietnambiz dẫn lời chuyên gia môi trường Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh tỷ lệ tái chế pin ở Trung Quốc vẫn thấp và chưa có hệ thống thu hồi pin đồng bộ, việc để hàng loạt xe điện “chết yểu” ngoài trời là “một quả bom hẹn giờ về sinh thái”.
Thực tế, Trung Quốc vẫn dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ xe điện với hơn 10 triệu xe bán ra chỉ trong năm 2024, chiếm hơn 60% thị phần toàn cầu, theo Global Times. Các thương hiệu như BYD, Nio, Xpeng hay Geely tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và mở rộng ra thị trường quốc tế.
Từ những bãi xe bị bỏ rơi, giới chuyên gia rút ra nhiều bài học. Đầu tiên, chính sách cần gắn liền với quy hoạch dài hạn và không nên tạo “bong bóng” trợ cấp khiến thị trường méo mó. Thứ hai, việc phát triển xe điện cần đi kèm chiến lược thu hồi và tái chế pin, nếu không sẽ tạo ra khủng hoảng rác thải công nghệ tương tự như rác điện tử.
Cuối cùng, người tiêu dùng và nhà đầu tư cũng nên hiểu rằng không phải tất cả startup xe điện đều sẽ trở thành Tesla. Sự thanh lọc là cần thiết để ngành phát triển bền vững.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nghia-dia-xe-dien-o-trung-quoc-d207070.html