Nghĩa sư Đoàn Ngọc Sĩ là ai?

Trên đường dong ruổi săn ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tôn Thất Hùng đã phát hiện tại ấp 5, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, có một ngôi mộ cổ rất to và 2 cây me cổ thụ đứng ở 2 góc phía sau mộ. Anh Hùng về thông báo cho Hội Sinh vật cảnh tỉnh để có thể thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 cây me cổ thụ được tôn vinh là Cây Di sản Việt Nam. Chúng tôi đã đi thực địa cùng anh Hùng.

Toàn cảnh phía hông khu mộ bên phải. Ảnh: Tôn Thất Hùng

Toàn cảnh phía hông khu mộ bên phải. Ảnh: Tôn Thất Hùng

Đây là một khu nghĩa trang nhỏ ở giữa khu vực trồng thanh long rộng lớn. Bia mộ khắc bằng chữ Quốc ngữ cho thấy đây là tấm bia ký mới lập. Trong đó, phần trên khắc dòng chữ “Lăng mộ Nghĩa sư Đoàn Ngọc Sĩ, Quản lãnh nghĩa binh kiêm Thương biện nhung vụ (chống Pháp thời vua Tự Đức), chết 13/9/1878 Mậu Dần - Tự Đức năm thứ 31”; phần giữa là “Nhụ nhân Trần Thị Điểm, Nghĩa sư Quản sự Chánh thất, từ trần 11/5/1894 Ất Mùi - Thành Thái năm thứ 6)”; phần dưới cùng là “Lăng mộ lập lần II - 1901 Tân Sửu - Thành Thái năm thứ 13, Tử tôn tu sửa lần III - 21/2/1991 Tân Mùi”.

Rất tiếc là trên bia mộ không ghi chú lăng mộ lập lần đầu vào thời gian nào, chỉ ghi lập lần thứ II (cách nay 122 năm) và tu sửa lần thứ III (chỉ cách nay 32 năm). Qua 2 lần lập mộ và tu sửa này, khó tránh khỏi việc giữ nguyên trạng ban đầu.

Toàn phần bia mộ

Toàn phần bia mộ

Về mặt nghệ thuật kiến trúc, khu lăng mộ của vị Nghĩa sư Quản lãnh nghĩa binh chống Pháp thời vua Tự Đức này rất khác với lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức lập dưới thời vua Gia Long, cũng khác xa khu lăng mộ Hoàng gia Gò Công (tỉnh Tiền Giang) lập dưới thời vua Tự Đức. Vật liệu xây lăng mộ chủ yếu bằng đá xanh chẻ thành viên hình chữ nhật và dùng chất kết dính là xi măng chứ không phải bằng vôi ô dước và đá ong như thường thấy ở những ngôi mộ cổ cách ngày nay hàng thế kỷ.

Phần sau cùng của khu lăng mộ (2 bên là 2 cây me cổ thụ, dưới cùng là hồ bán nguyệt). Ảnh: Tôn Thất Hùng

Phần sau cùng của khu lăng mộ (2 bên là 2 cây me cổ thụ, dưới cùng là hồ bán nguyệt). Ảnh: Tôn Thất Hùng

Về 2 cây me cổ thụ, chúng tôi đã đo theo tiêu chí Cây Di sản Việt Nam, nhưng cả phần gốc, thân và tán cây đều chưa đạt yêu cầu; chu vi gốc nhỉnh hơn 5m, chỉ hơn một vòng tay ôm. Về tuổi cây, ông Tám Triều (89 tuổi, cháu đời thứ tư của Nghĩa sư Quản lãnh nghĩa binh) cho biết rằng có nghe các bậc tiền bối kể lại, khi con cháu lập mộ cụ tổ lần II (1901) đã trồng 2 cây me ấy. Như vậy, tuổi 2 cây me cổ thụ này, tính đến nay vừa đúng 122 năm, còn thấp so với quy định tuổi Cây Di sản Việt Nam phải từ 200 năm trở lên (như 4 địa chỉ Cây Di sản Việt Nam đã được vinh danh, gồm: 11 cây me cổ thụ chùa Rạch Núi, huyện Cần Giuộc; cây trôm mõ ở chùa Diêu Quang, phường Khánh Hậu, TP.Tân An; cụm cây sao và 1 cây trôm cổ thụ ở chùa Nổi (Cổ Sơn tự), huyện Vĩnh Hưng và 2 cây da cổ thụ đình Vạn Phước, huyện Cần Đước, đều có tuổi trên dưới 300 năm).

Điều đáng quan tâm hơn hết là nhân vật lịch sử “Nghĩa sư Quản lĩnh nghĩa binh kiêm Thương biện nhung vụ” Đoàn Ngọc Sĩ là ai? Hành trạng, công tích chỉ huy chống Pháp thời vua Tự Đức của ông như thế nào? Vì sao sách Địa chí Long An xuất bản năm 1990 không đề cập đến nhân vật lịch sử này? Vì sao di tích này chưa được xếp hạng?

Với một ít thông tin ban đầu trên đây, rất mong các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử tỉnh và cơ quan hữu quan quan tâm về trường hợp này./.

Quang Hảo

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghia-su-doan-ngoc-si-la-ai-a151843.html