Nghĩa tình của những nông dân
Miền Tây được biết đến là vùng đất trù phú với những con người chất phác, hào sảng, nghĩa tình. Chúng tôi có dịp gặp những nông dân như thế, họ sản xuất theo hướng hữu cơ, không vì lợi nhuận mà gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, không vì kinh tế mà làm ảnh hưởng đến người khác.
1. Khi chúng tôi gọi cho ông Nguyễn Văn Sang (ấp 1B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) để xin gặp viết về mô hình trồng bưởi Ruby, ông lập tức đồng ý và tận tình hướng dẫn đường đi. Ông muốn vườn bưởi của mình được nhiều người biết để họ có thể học theo, phát triển kinh tế gia đình. “Chuyện quảng cáo thì không cần, tại vì trong xóm người ta mua còn không đủ bán mà” - ông Sang nói.

Chuyển từ trồng chanh sang bưởi, ông Nguyễn Văn Sang (ấp 1B, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) có kinh tế phát triển hơn
Trước đây, ông Sang trồng lúa, trồng chanh, thu nhập đủ ăn. Khi giá chanh xuống thấp, ông bàn với người con trai thứ 2 chuyển đổi cây trồng.
Nhận thấy bưởi và chanh đều là cây có múi, nhiều đặc tính tương đồng nên ông trồng thử 2.000m2 bưởi. Dân trong vùng thấy vậy không khỏi bàn ra tán vào, ai cũng cho rằng ông liều quá.
Ông Sang thẳng thắn: “Ai nói gì kệ, tui quyết là làm!”. Ông lên mạng tìm hiểu, học hỏi nhiều nơi rồi xuống tỉnh Bến Tre mua cây giống bưởi da xanh về trồng. Nhờ nắm vững kỹ thuật, dày công chăm sóc nên cây con sống sót hơn 95%.
Tuy nhiên, ông cũng gặp không ít khó khăn. Khi bưởi cho trái, ông để cây "ôm" trái quá nhiều khiến cây bị suy, phải tốn nhiều công sức, chi phí hồi phục. Nghề dạy nghề, dần dần thiệt hại được khắc phục, vườn bưởi xanh tốt, ông mở rộng diện tích lên đến 2ha.
Nhận thấy giống bưởi Ruby có giá trị kinh tế cao, ông lặn lội ra tỉnh Đồng Nai tìm giống về trồng thử, đến nay đã cho thu hoạch. Mùa tết vừa rồi, với giá bưởi 22.000 đồng/kg, ông thu hàng chục triệu đồng.
Làm nông nghiệp mấy chục năm, ông Sang luôn ý thức sản phẩm làm ra phải sạch, an toàn. “Ngoài chuyện giữ tiếng cho mình, cho địa phương còn sức khỏe người tiêu dùng nữa” - ông Sang nói.
Theo ông Sang, trồng bưởi nhàn và giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa. Trong canh tác, ông hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học mà chủ yếu sản xuất theo hướng hữu cơ. Khi làm hướng này, mục đích chính của ông là bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng nhưng sau thời gian, ông thấy rất hiệu quả. Trái bưởi mọng nước, ngọt, thơm, không sượng, chi phí sản xuất cũng tiết kiệm hơn. Ngoài bưởi, ông còn canh tác 2ha lúa, kinh tế dần đi lên.
2. Rời nhà ông Nguyễn Văn Sang, chúng tôi đến ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, gặp anh Huỳnh Văn Sang. Dẫn chúng tôi ra ruộng dưa gang vừa đơm được 4, 5 lá, anh gật đầu hài lòng vì cây đang phát triển tốt tươi.
Hồi trẻ, anh phụ gia đình quán xuyến công việc tại nhà máy xay xát lúa. Sau khi có vợ, anh thuê đất trồng rau màu, đến nay cũng 24 năm. Vụ đầu tiên, anh trồng dưa hấu có lợi nhuận cao. Thấy vậy, năm sau, anh thuê thêm đất mở rộng diện tích.
Anh Sang nhớ lại: “Ai ngờ xui quá, năm đó vàng khoảng 400.000 đồng/chỉ mà tui mất trắng 80 triệu đồng, nguyên vùng này ai trồng rau màu cũng lỗ nặng vì dịch hại”.

Đối với anh Huỳnh Văn Sang (ấp Phước Kế, xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc), sản xuất nông nghiệp sạch là điều nên làm
Không nản lòng, "ngã ở đâu đứng lên ở đó", sau khi tình hình ổn định, anh gầy vốn tiếp tục trồng dưa. Nhờ chăm chỉ, cần cù, nhạy bén, thời tiết thuận lợi mà anh liên tục có lời, gỡ lại phần thiệt hại trước đó. Từ 5.000m2 ban đầu, anh thuê thêm đất, đến nay diện tích trồng hơn 2,3ha gồm dưa và rau bồ ngót.
Trong quá trình canh tác, anh tự áp dụng phương pháp luân canh đặc biệt. Vụ dưa hấu anh trồng canh dịp tết, tận dụng lượng phân bón còn lại, anh bỏ hột dưa gang. Sau vụ dưa gang, anh san đất trồng lúa.
Anh Sang nói, nhờ có vụ lúa nên dưa hấu mới tốt, diệt được một số mầm bệnh trên dưa. Lúa anh trồng đạt 6-7 tấn/ha, tuy không thể so với một số nơi nhưng đối với vùng này như vậy là trúng mùa.
Vụ dưa hấu vừa rồi, anh thu gần 50 tấn, hàng đạt chuẩn xuất khẩu vì bảo đảm không tồn dư phân bón, thuốc hóa học. Anh Sang kể: “Hồi đó, có thời gian tui trồng cải nhưng loại này xịt thuốc dữ lắm. Không xịt thì không có lời, xịt thì người ta ăn vô ngộ độc, cắn rứt lương tâm lắm! Bởi vậy, tui chọn trồng cây gì mà ít dùng phân, thuốc hóa học nhất có thể, hữu cơ càng tốt”.
Chẳng những có ý thức bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, anh Sang còn rất niềm nở, phóng khoáng với người làm công cho mình. Khi vào vụ dưa, anh thuê người vén bạt, bê bùn lên luống, trả công 500.000 đồng/ngày. Trong quá trình làm, anh cũng không khó dễ, hối thúc mà luôn giữ thái độ thân thiện, hòa nhã.
Anh Sang nói: “Ba má tui dạy vậy, ai đi làm cũng cực khổ, hỗ trợ nhau mà sống”. Nhân công cũng “ăn miếng ngọt, trả miếng bùi”, họ cố gắng làm đúng kỹ thuật, nhanh, gọn và luôn có mặt khi anh cần.
Nhờ siêng làm, bền chí, kinh tế ngày càng phát triển, anh nuôi 2 người con học đại học, có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội địa phương. Anh cũng là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.
Chúng tôi có dịp đi nhiều nơi và nhận thấy rằng, dù làm công việc gì, ở vị trí nào, từng con người Long An luôn cố gắng thực hiện tốt và có ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống trọng nghĩa, trọng tình quý báu. Đó là một trong những nền tảng cốt lõi, hành trang cần thiết cho sự phát triển vững bền./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nghia-tinh-cua-nhung-nong-dan-a190676.html