Nghĩa tình đồng đội thanh niên xung phong

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù 60 người con ưu tú Đại đội 915 đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá, Bắc Thái, song lý tưởng đẹp đẽ của các chị, các anh vẫn còn sống mãi. Họ chọn 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh', tấm gương cao đẹp ấy khiến cho các đồng đội may mắn còn sống mãi ghi nhớ. Mỗi dịp tháng 7 về, những cựu thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, lại gặp nhau cùng ôn lại ký ức thời hoa lửa.

Bà Ma Thị Vân, cựu thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91, kể với các học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến về kỷ niệm một thời không quên.

Bà Ma Thị Vân, cựu thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91, kể với các học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến về kỷ niệm một thời không quên.

Mùa Hè năm 1972, 102 cán bộ, đội viên Đại đội 915 (hầu hết mới 17 – 18 tuổi, một số vừa tròn 16 tuổi), phần lớn là người dân tộc: Tày, Nùng, Sán Dìu... ở các huyện, thành thị tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) đã hăm hở lên đường thực hiện hiệm vụ sửa chữa đường và bốc xếp hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Năm tháng ấy, mồ hôi các chị, các anh mặn thấm vào từng mét đường. Màu áo lẫn trong đất bụi, khói bom. Người nằm lại trong các cuộc chiến thì đã ngủ yên dưới lòng đất nhưng những người còn sống vẫn hướng về nhau viết tiếp câu chuyện non sông, bằng tình đồng đội và sức mạnh của lòng yêu nước lan tỏa qua các hoạt động.

Các TNXP năm ấy thoát khỏi trận bom ác liệt đêm 24-12, giờ mái tóc đã pha sương, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người sống ở một khu vực nhưng vẫn luôn đau đáu hướng về nhau. Bà Đặng Thị Tỵ, Trưởng Ban liên lạc TNXP Đại đội 915, Đội 91 năm nay đã 73 tuổi vẫn luôn hăng say các hoạt động để cùng các thành viên trong ban liên lạc chia sẻ, giúp đỡ, quan tâm đồng đội.

Gặp lại nhau trong một ngày trời mưa tháng 7, các hội viên bịn rịn, vui mừng, chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Tuy còn nhiều khó khăn và sinh sống rải rác ở nhiều địa phương nhưng các cựu TNXP luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt công tác nghĩa tình đồng đội và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại nơi cư trú.

Bà Đặng Thị Tỵ, cho biết: Để duy trì hoạt động của ban liên lạc trong nhiều năm nay cũng rất khó khăn, năm 2023 chúng tôi có 33 thành viên, đến hết năm 2024 chỉ còn 30 thành viên do tuổi cao và bệnh tật. Mỗi năm, ban liên lạc tổ chức từ 6-7 hoạt động với sự giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành và tổ chức, cá nhân.

Một số cựu TNXP nay dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn tham gia lao động và lấy đó là niềm vui mỗi ngày. Bà Ma Thị Vân năm nay 72 tuổi, hiện đang làm lao công tại Trường THCS Trưng Vương, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng giúp bà trang trải cuộc sống, gia đình bớt khó khăn.

Bà Ma Thị Vân chia sẻ, do chồng bà hiện làm bảo vệ tại trường nên bà làm lao công ở đó để phụ giúp thêm chồng vài việc vặt. Hai ông bà đã có tuổi mà không có lương hưu, nên chăm chỉ đi làm để có đồng ra đồng vào.

Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng khi các cựu TNXP cùng nhau xuất hiện trong một chương trình giao lưu được tổ chức trong những ngày tháng 7, họ đã cùng nhau kể cho các em học sinh Trường THPT Lương Ngọc Quyến những ký ức không thể nào quên, những trận mưa bom từng dội trên bầu trời Thái Nguyên vào đêm Noel năm 1972.

Bà Ma Thị Vân đã rất vui vẻ khi được làm nhân vật - nhân chứng lịch sử, trong câu chuyện của các em học sinh. Ký ức trở về thời 18-20 tuổi, bà Vân như được nhìn thấy mình qua hình ảnh các cháu học sinh cười giòn tan và ánh mắt trong trẻo ngây thơ.

Không chỉ có bà Vân mà các thành viên khác như các ông bà: Đặng Thị Tỵ, Vũ Đình Ý, Mai Thị Vui, Trần Thị Hoài… cũng rất hào hứng chia sẻ cho thế hệ trẻ những câu chuyện về thời thanh xuân trong mưa bom bão đạn của mình.

Những cựu TNXP thông qua nhiều hoạt động đang cùng thế hệ trẻ của Thái Nguyên viết tiếp câu chuyện non sông bằng kỷ niệm, lời kể, nghị lực sống mỗi ngày để góp phần xây dựng quê hương, đất nước...

Ngọc Linh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/nghia-tinh-dong-doi-thanh-nien-xung-phong-e872334/