Nghĩa tình nơi biên giới

Tôi có mấy người bạn thân từ Hà Nội và Quảng Ngãi lên thăm Gia Lai, nguyện vọng của họ là muốn lên biên giới, thăm những người lính Biên phòng. Vậy là mình lại có thêm cái cớ để ngược hướng biên cương.

Mùa này, Tây Nguyên giao thời giữa mưa và nắng, thời tiết có chút thất thường nhưng bù lại đường đi vô cùng thuận lợi. Cho nên, chẳng mất nhiều thời gian, chúng tôi đã đặt chân đến mảnh đất biên viễn đầy nắng gió.

Thắm tình quân dân

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông). Mấy sĩ quan trẻ ra tận cổng đón chúng tôi. Bất chợt, một bạn nhận ra tôi: “Dạ chào các cô chú, chào chú nhà báo Hai Phụng ạ”.

Dõi mắt nhìn ra, tôi thấy mấy căn nhà cấp 4 mới được vôi ve sáng sủa. Dù không có bàn tay phụ nữ nhưng nhà cửa rất sạch sẽ, từ nơi ngủ nghỉ đến phòng ăn, nhà bếp đều ngăn nắp, gọn gàng.

 Tác giả (thứ 2 từ trái sang) và nhóm bạn chụp ảnh lưu niệm cùng Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông). Ảnh: B.H

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) và nhóm bạn chụp ảnh lưu niệm cùng Tổ công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Púch (huyện Chư Prông). Ảnh: B.H

Vì là ngày nghỉ cuối tuần nên mọi người không được gặp các cháu học sinh là con nuôi của Bộ đội Biên phòng như tôi kể trên đường đi. Hiện có 5 cháu được đơn vị nhận nuôi, hỗ trợ kinh phí 500 ngàn đồng/tháng/cháu từ nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đợt đi thực tế sáng tác năm ngoái với anh chị văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, chứng kiến các cháu được các cha nuôi quân hàm xanh chăm sóc từ bữa ăn đến việc học hành mà lòng tôi thật vui.

Con nuôi của người lính Biên phòng là những cháu mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Các cháu được ăn ở trong doanh trại, sau mỗi ngày đi học về, được các cha nuôi chăm sóc, dạy bảo chu đáo, chân tình. Việc nhận con nuôi là chủ trương của Bộ Tư lệnh Biên phòng, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh đã sớm triển khai chủ trương này và thực hiện rất hiệu quả, coi đây là một trong những nội dung công tác dân vận của đơn vị.

Xã Ia Púch có 4 làng và 16 khu vực dân cư sinh sống, chủ yếu là công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trồng cao su. Toàn xã có 1.078 hộ với 4.397 khẩu, chủ yếu là người Jrai và người Kinh. Những năm gần đây, Đồn Biên phòng Ia Púch đã triển khai thực hiện tốt công tác dân vận, thực sự đã trở thành cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân; giúp người dân trong xã không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua đó, bà con góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Để thực hiện hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn đóng quân, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Púch phân công 4 đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ tại 4 thôn, làng, giao nhiệm vụ cho 21 cán bộ phụ trách 111 hộ gia đình, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là trong lao động sản xuất, góp phần giúp bà con thoát nghèo bền vững.

Nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề chủ quyền an ninh biên giới, quyền và nghĩa vụ của công dân tại khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Púch đã tiến hành đồng bộ nhiều hình thức, phương pháp khác nhau để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân những nội dung dễ hiểu, dễ nhớ và chấp hành.

Đối diện với khu vực biên giới do Đồn quản lý là huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia. Bà con hai bên biên giới vốn có mối quan hệ thân tộc lâu đời nên công tác quản lý việc đi lại thăm thân của người dân cũng là việc rất cần quan tâm. Đó cũng chính là công tác đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân, góp phần không nhỏ cho công tác an ninh biên giới.

 Du khách tham quan rừng cao su bạt ngàn nơi biên giới. Ảnh: Đ.M.P

Du khách tham quan rừng cao su bạt ngàn nơi biên giới. Ảnh: Đ.M.P

Được giới thiệu sơ lược về biên giới, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, những người bạn của chúng tôi vô cùng xúc động. Chị Trần Thị Nam ở Quảng Ngãi, một cán bộ làm công tác văn hóa đã nghỉ hưu, rưng rưng nước mắt khi chia tay các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ).

Chị Nam “rưng rưng” là bởi khi nghe tôi kể về những ngày tháng dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, anh em bộ đội Biên phòng ở một số điểm chốt gặp vô vàn khó khăn, không điện, không nước sinh hoạt, không sóng điện thoại, lễ, Tết không được nghỉ... Còn nữ nhà báo Đào Thanh Nhị thì đôi mắt đỏ hoe khi nghe người lính trẻ ca bài vọng cổ “Tết nhớ mẹ”.

Là người “có duyên” với Biên phòng, tôi thường đưa các đoàn khách, bạn bè đồng nghiệp lên thăm các anh khi có dịp. Và khi nào cũng thế, sau khi giới thiệu về truyền thống của Bộ đội Biên phòng là những câu chuyện kể về cuộc sống của những người lính trên các đồn biên giới, sự rèn luyện, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên cương, hướng dẫn người dân nơi địa bàn đơn vị đóng quân lao động sản xuất, giúp khám bệnh, phát thuốc miễn phí, đúng như tinh thần: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

Phát triển kinh tế gắn với quốc phòng

Đi trong bát ngát rừng cao su sau mùa thay lá của Công ty Quang Đức, tôi chợt nhớ về những năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Ngày ấy, nơi đây là vùng đất khô cằn. Dấu tích của chiến tranh gần như còn nguyên vẹn, hố bom, hố đạn pháo của địch cày xới năm xưa vẫn hiện hữu. Những cánh rừng khộp trơ trọi bởi chất khai hoang của giặc Mỹ từ thời Chiến dịch Plei Me. Nhưng giờ đây là một vùng biên giới xanh ngút ngàn cao su, cà phê, điều.

Anh Thái Hồng Nhân-Giám đốc Công ty Quang Đức-cho biết: Công ty hiện có 7.000 ha cao su kinh doanh, chủ yếu là trên vùng đất biên giới Chư Prông này. Mấy mùa cao su rớt giá, rất vất vả, Công ty mới tồn tại đến giờ. Những năm gần đây, giá mủ cao su có nhích lên, đời sống người lao động cũng ổn định hơn.

 Rừng cao su sau mùa thay lá. Ảnh: Đ.M.P

Rừng cao su sau mùa thay lá. Ảnh: Đ.M.P

Anh Thái Hồng Nhân là người quê xứ Nghệ hay lam hay làm. Rời chiến trường, ra quân năm 2001, anh bén duyên với vùng đất biên cương này từ ngày ấy. Thăm Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Quang Đức, chúng tôi rất vui mừng khi thấy nơi đây được xây dựng khang trang cùng những trang-thiết bị hiện đại. Bao quanh Nhà máy là những cánh rừng cao su xanh thẳm, kéo dài khắp tuyến biên giới của huyện Chư Prông. Đường ô tô liên huyện, đường tuần tra biên giới và những con đường phân lô phân thửa được nhựa hóa nối nhau tít tắp.

Những năm qua, vùng biên giới của Gia Lai được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, định canh định cư cho bà con các dân tộc thiểu số và đón nhận người dân theo diện kinh tế mới từ các tỉnh vào lập nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước, quân đội và doanh nhân như Binh đoàn 15, Quang Đức, các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng hình thành và phát triển ổn định.

Vì vậy, bộ mặt vùng biên giới thay đổi không ngừng, an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững, biên giới hòa bình, hữu nghị. Điều đó khẳng định chủ trương gắn phát triển kinh tế với quốc phòng-an ninh trên miền biên giới để bảo vệ biên cương của Đảng và Quân đội ta là đúng đắn.

ĐOÀN MINH PHỤNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghia-tinh-noi-bien-gioi-post320950.html