Nghĩa tình quân dân trên đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc
Đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) nơi đầu sóng ngọn gió, quân và dân vẫn kiên cường bám đảo, tình quân dân bền chặt nơi đảo xa.
Đảo Trần, hòn đảo nằm xa đất liền nhất của tỉnh Quảng Ninh. Muốn đến đảo Trần, du khách chỉ có cách đi theo các đoàn công tác, hoặc theo các thuyền, mảng của ngư dân. Trên phương tiện nhỏ nhoi giữa biển cả mênh mông, dù đã phải mặc áo mưa cho khỏi ướt, thế nhưng trải qua hành trình 2 tiếng vật lộn với sóng gió, quần áo đoàn hành khách chúng tôi đều ướt sũng.
Đảo Trần rộng 4,5 km2 nhưng trên đảo chỉ có 12 hộ dân với 55 nhân khẩu, phần lớn làm nghề đi biển, đánh bắt hải sản, tự nguyện rời đất liền ra gắn bó với đảo.
"Vào ban ngày, trên đảo không có điện, vì thế việc sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn, có không ít người đặt chân ra đảo nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã rời đi. Tuy nhiên, nhiên với sự giúp đỡ của các đơn vị đóng quân trên đảo, đời sống người dân tại đây đang ngày một khá hơn"- cô giáo Ngần Thị Minh (quê ở tỉnh Sơn La) tình nguyện dạy học ở trên đảo đã được 2 năm, chia sẻ.
Dân và quân ở trên đảo gần như là một. Tất cả các hoạt động, đặc biệt như ở nơi chúng tôi công tác là một điểm trường lẻ, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các đơn vị đóng quân trên địa bàn. Các đơn vị không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn về tinh thần. Mối quan hệ quân dân rất khăng khít, có thể nói vui rằng nếu như một nhà có cỗ thì cả làng có cỗ, bởi vì nếu một đơn vị nào có sự kiện thì dù là quân hay dân, tất cả các đơn vị đều có mặt đầy đủ, rất là vui.
Cách biệt bởi biển cả mênh mông sóng gió, dư thừa nước mặn nhưng lại thiếu nước ngọt, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều khi dông bão thất thường, các hộ dân trên đảo phải thất bữa, do tàu không chở được gạo, thức ăn ra ngoài đảo.
Anh Phạm Văn Dinh, người trên đảo làm nghề lái xuồng đã được hơn 10 năm, chia sẻ: "Khi đảo đón 15 hộ dân đầu tiên vào năm 2014, việc làm ăn của anh cũng suôn sẻ, thuận lợi hơn. Đầu năm nay, gia đình anh vừa sắm một chiếc xuồng cao tốc mới. Những ngày cận Tết, xuồng của anh luôn chật kín hàng hóa, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng… và cả những cành đào, chậu quất… từ đất liền gửi ra. Tết đến bản thân anh cũng rất bận rộn, nhưng là “cầu nối” của những món quà Tết đến với người dân trên đảo, anh càng có thêm động lực để phục vụ bà con và cán bộ, chiến sĩ ở đây".
Đóng quân trên đảo tiền tiêu, Đồn Biên phòng Đảo Trần (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển. Họ thực sự là người bạn đồng hành của ngư dân. Những ngày Tết cận kề, Đồn Biên phòng Đảo Trần cùng các đơn vị khác đóng quân trên đảo lại tổ chức nhiều hoạt động cùng bà con đón Tết như tổ chức Ngày hội thể dục thể thao, thi gói bánh chưng... Ở nơi biển đảo xa xôi, những hoạt động đó không chỉ làm khăng khít thêm tình anh em, tình đồng chí, mà đó còn là tình cảm gia đình, thắm tình quân dân.
Anh Đặng Văn Tuấn, thầy giáo đang sinh sống trên đảo, chia sẻ: "Năm nào cũng như năm nào. Cứ đến tết là các lực lượng lại tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, thăm tặng quà cho bà con nhân dân, rồi gói bánh chưng nữa. Không khí rất vui tươi, phấn khởi. Bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng khi sắp đến Tết rồi các hoạt động giúp cho người dân trên đảo cảm thấy phấn khởi hơn, học sinh cũng thấy vui vẻ, cũng có quà của lực lượng chức năng tặng cho các cháu có một cái Tết no ấm hơn. Tất cả làm thắm thêm tình cảm quân dân, giúp tôi có động lực công tác hơn".
Lá cờ đỏ sao vàng vẫn đang tung bay phấp phới nơi đảo tiền tiêu còn nhiều khó khăn này. Ở đây không chỉ có biển xanh mênh mông mà đó còn là những con người đang ngày ngày chung tay xây dựng đảo, là tình quân dân khăng khít, keo sơn, bền chặt…/.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghia-tinh-quan-dan-tren-dao-tien-tieu-dong-bac-to-quoc-1002248.vov