Nghĩa tình Sài Gòn Giải Phóng - Bài 1: Sâu nặng với Trường Sơn

LTS: Ngày 5-5-2025, Báo SGGP kỷ niệm 50 năm xuất bản số đầu tiên. 50 năm hình thành và phát triển, với tinh thần TPHCM 'cùng cả nước, vì cả nước', ngoài làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền và kinh tế báo chí, đội ngũ những người làm Báo SGGP đã đi, đã đến khắp mọi miền đất nước, chung tay cùng cộng đồng xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn.

Tháng 5-2009, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đoàn 559 (Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn), Báo SGGP chủ trương mở đợt tuyên truyền sâu rộng về tuyến đường vận tải quân sự chiến lược này. Sau đó, Báo SGGP đã phát động và tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (NTTS). Dấu ấn chương trình để lại trên dãy Trường Sơn hùng vĩ khá đậm nét. Đó không chỉ là hàng trăm căn nhà thơm mùi sơn mới, hàng ngàn suất học bổng cho học sinh nghèo, những Trạm xá quân dân y kết hợp giữa những bản làng heo hút… mà còn có cả những ngôi đền, làng văn hóa được xây dựng tại những trọng điểm máu lửa trước đây, để muôn đời tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn và tri ân đồng bào các dân tộc đã hy sinh vì đất nước.

 Khám bệnh cho người dân xã A Đớt tại Trạm quân dân y A Đớt (huyện A Lưới, TP Huế), công trình do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xây tặng. Ảnh: VIỆT NGA

Khám bệnh cho người dân xã A Đớt tại Trạm quân dân y A Đớt (huyện A Lưới, TP Huế), công trình do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xây tặng. Ảnh: VIỆT NGA

Giúp người dân an cư lạc nghiệp

Gần 12 năm về trước, Làng Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đón nhận những căn nhà mới khang trang từ Chương trình NTTS do Báo SGGP tài trợ. Đi qua từng ấy thời gian, đối mặt với nhiều trận bão lũ, bà con vẫn vững vàng với căn nhà tình nghĩa.

Cụ Hồ Mia ở Làng Ho cười vui: “Năm 2013 là cái năm Làng Ho nhớ mãi cả đời. Xưa nay, không có bản làng nào ở Trường Sơn cùng một lúc xây dựng 37 căn nhà mới tươm tất như Báo SGGP tài trợ cho bà con Làng Ho, cộng với sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng”. Bà Hồ Thị Mó ở trong căn nhà tình nghĩa do Báo SGGP tài trợ giữa bản Làng Ho, vừa khơi lại bếp lửa vừa tâm sự: “Từ ngày ở nhà mới, tôi hết lo mưa bão. Người dân trong bản không còn cảnh chạy khỏi nhà mỗi lần thiên tai, mùa đông gió lùa thì ấm hơn ở trong nhà vách nứa xiêu vẹo”.

Ông Hồ Bạch, Bí thư chi bộ Làng Ho, nhớ lại, dự án bản kiểu mẫu Làng Ho do Báo SGGP tài trợ gồm: xây dựng 37 căn nhà sàn truyền thống theo ý kiến của các già làng Vân Kiều, trị giá hơn 1,5 tỷ đồng; xây dựng Trạm xá dân quân y kết hợp, làm đường nội bộ và xây dựng 37 căn nhà vệ sinh với trị giá hơn 3 tỷ đồng. “Bà con Vân Kiều có nhà được tặng, nên hơn 11 năm qua, thay vì làm nhà, dân bản đầu tư vào nương rẫy để xóa đói giảm nghèo”, ông Hồ Bạch chia sẻ.

Chiều muộn, chúng tôi đến thăm ngôi nhà khang trang, ấm cúng của bà Đặng Thị Thanh (94 tuổi, ngụ thôn Bình Yên, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Bà Thanh bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Báo SGGP và các đơn vị tài trợ đã giúp gia đình bà có được ngôi nhà mơ ước, từ 11 năm về trước. Bà Thanh cho biết, bà là vợ của ông Trần Hữu Long (sinh năm 1927, đã qua đời vào tháng 8-2013). Ông Trần Hữu Long là cựu chiến binh từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều năm là chiến sĩ công binh trên tuyến đường Trường Sơn. Vợ chồng ông bà có 4 người con, trước đây gia đình thuộc hộ cận nghèo ở địa phương, sống trong căn nhà cấp 4 tạm bợ, lụp xụp, dột nát nên cứ đến mùa bão lũ là lại phải lo lắng, ăn không ngon ngủ không yên. “Năm 2012, ngoài số tiền 45 triệu đồng từ Chương trình NTTS của Báo SGGP, địa phương, đồng đội và gia đình đóng góp thêm 76 triệu đồng, nâng tổng kinh phí lên 121 triệu đồng xây dựng căn nhà khang trang. Sau này, tôi sẽ giao lại ngôi nhà cho con cháu của mình tiếp tục giữ gìn, quản lý để xứng đáng với tấm lòng ơn nghĩa của nhà tài trợ”, bà Thanh nói.

Với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng do các nhà tài trợ và bạn đọc đóng góp, Chương trình NTTS đã xây dựng và bàn giao hơn 1.400 căn nhà tình nghĩa, 19 Trạm xá quân dân y kết hợp, trao tặng hàng ngàn suất học bổng, nhiều công trình dân sinh. Ban tổ chức Chương trình NTTS đã triển khai nhiều hạng mục công trình đạt được cả hai mục đích: tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình thuộc diện chính sách, những cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong từng chiến đấu, công tác trên tuyến đường Trường Sơn.

Tri ân các anh hùng liệt sĩ

Chương trình NTTS đã xây dựng 5 đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ để muôn đời tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Trong đó, đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn tại Bến Tắt (Quảng Trị) và đền thờ liệt sĩ Trường Sơn tại bến phà Long Đại lịch sử ở Quảng Bình đã trở thành dấu ấn sâu nặng trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đó, thế đất, thế núi hội tụ linh thiêng, nay trở thành “địa chỉ đỏ” cho người dân và giới trẻ hành hương.

 Khám chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào tại Trạm xá quân dân y A Đớt (xã A Đớt, huyện A Lưới, TP Huế) - một trong số 17 Trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ xây dựng ở Trường Sơn. Ảnh: VĂN THẮNG

Khám chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào tại Trạm xá quân dân y A Đớt (xã A Đớt, huyện A Lưới, TP Huế) - một trong số 17 Trạm xá quân dân y do Báo SGGP tài trợ xây dựng ở Trường Sơn. Ảnh: VĂN THẮNG

Người dân thôn Long Đại (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) kể, từ ngày ngôi đền ước mong hoàn thành, bà con ai nấy đều một lòng khói hương vào ngày đầu tháng và ngày rằm; những ngày lễ lớn như 30-4, 2-9, Tết Nguyên đán, bà con đều lên dâng hương trong ngôi đền thiêng. Ông Trương Bá Mẫu (75 tuổi) nói: “Trong chiến tranh, bom đạn trút xuống Long Đại nhiều vô kể, khi hòa bình, bà con ai cũng mong có ngôi đền thờ các liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Báo SGGP đã kêu gọi tài trợ, xây dựng được ngôi đền ở vị trí tốt, để các liệt sĩ có nơi chốn thờ vọng hương linh”. Trưởng thôn Long Đại, ông Phan Văn Thông, cho hay: “Từ ngày ngôi đền đưa vào sử dụng, tiếng chuông mỗi sáng thỉnh lên, bà con ra đồng làm việc, nhìn lên khói hương nghi ngút mà thấy ấm lòng vì các liệt sĩ có nơi thờ phượng ngàn đời”. Ông Phạm Trung Đông, Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh, bày tỏ: “Mỗi lần lãnh đạo Trung ương hoặc tỉnh về công tác ở huyện Quảng Ninh đều ghé đền thờ anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại bến phà Long Đại để dâng hương, dâng hoa tri ân các anh hùng liệt sĩ. Có ngôi đền là có thêm một địa chỉ cho các thế hệ hướng về, tri ân mãi mãi những người đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Xã Linh Tường (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) hôm nay đang chuyển mình phát triển. Ông Hồ Văn Đông, Trưởng thôn Bến Tắt, cho biết: “Từ ngày có đền thờ Bến Tắt, bà con đoàn kết hơn, làm ăn phát triển hơn, những ngày lễ trọng trong năm, không ai bảo ai đều đến khói hương trong đền Bến Tắt bởi đó là nơi hương linh liệt sĩ được vọng thờ khi chưa quy tập được mộ chí”.

Trạm xá lưỡng quốc ở Trường Sơn

Ở vùng phên giậu hai nước Việt - Lào, địa hình đồi núi hiểm trở, cơ sở vật chất thiếu thốn nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp muôn vàn khó khăn. 17 Trạm xá quân dân y kết hợp do Chương trình NTTS Báo SGGP tài trợ xây dựng và bàn giao hơn 10 năm về trước đã góp phần hiện thực hóa ước mơ bao đời đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐND huyện A Lưới, TP Huế, cho biết, các Trạm xá quân dân y ở biên giới Việt - Lào, mà người dân địa phương vẫn quen gọi là những trạm xá “lưỡng quốc”, do Chương trình NTTS thực hiện đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho đồng bào. Đó cũng là những địa điểm giao lưu, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách của Đảng đến với đồng bào các dân tộc tại khu vực biên giới.

Giờ đây, bất cứ ai ngược xuôi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, phía Đông Trường Sơn cũng đều ngước qua đền thờ Bến Tắt ngưỡng vọng, bởi ngôi đền đẹp bên thế đất cây cỏ vui tươi, hòa cùng sông nước và lòng người, tạo cho không gian có khí chất lồng lộng của cảnh trí núi rừng Trường Sơn.

VĂN THẮNG - MINH PHONG - DƯƠNG QUANG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghia-tinh-sai-gon-giai-phong-bai-1-sau-nang-voi-truong-son-post793684.html