Nghĩa tình trong mùa dịch

TP Hồ Chí Minh đang trải qua những ngày khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Nhưng trong gian khó, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và nghĩa tình của người dân thành phố lại được phát huy và lan tỏa. Từ hệ thống chính trị đến người dân đều có những việc làm, nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ những người yếu thế, qua đó mang đến nguồn năng lượng tích cực để thành phố mang tên Bác có thêm sức mạnh vượt qua 'trận chiến' này.

Chương trình siêu thị 0 đồng tại phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh).

Chương trình siêu thị 0 đồng tại phường 9, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh).

uổi sáng ngày cuối tuần của tháng 7, một sự kiện "chưa từng có" diễn ra tại UBND phường 9, quận Phú Nhuận: ra mắt "Siêu thị 0 đồng" dành cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đây là chương trình tiêu biểu của phường 9 nhằm chia sẻ khó khăn với bà con đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và "vì phường 9 bình yên vượt qua đại dịch". Bí thư Đảng ủy phường 9 Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết, cán bộ, nhân viên của phường thực hiện Siêu thị 0 đồng nhằm giúp các hộ khó khăn có thêm nhu yếu phẩm để bảo đảm cuộc sống trong những ngày thành phố giãn cách xã hội. Gần 170 phiếu được phát cho các gia đình nghèo tại ba khu phố 1, 2, 3 của phường. Mỗi khu sẽ đến nhận quà theo khung giờ riêng nhằm bảo đảm giãn cách. Nhận quà từ Siêu thị 0 đồng, cô Vũ Thị Ký, khu phố 2 xúc động cho biết, siêu thị có đủ mặt hàng cần thiết từ rau, củ, quả đến sữa, trứng, gạo,… và có cả "phong bì" 200 nghìn đồng nữa. "Trong những ngày không có việc làm như hiện nay, nhận được các món quà như thế này là rất quý, tôi không còn nhiều lo lắng như mấy hôm trước" - cô Ký chia sẻ. Siêu thị 0 đồng của phường 9 cung cấp hơn 20 mặt hàng gồm nhu yếu phẩm, một số loại gia vị, thực phẩm. "Tuy cửa hàng nhỏ thôi nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm của các nhà hảo tâm và cán bộ, công chức của phường dành cho bà con. Đối với những trường hợp đặc biệt không thể đến nhận thì đoàn viên, thanh niên của phường sẽ giúp mang đến tận nhà. Ngoài ra, phường còn dự phòng những phiếu dành cho các trường hợp khó khăn ngoài diện đã xem xét", Bí thư Đảng ủy phường 9 Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết thêm.

Mô hình Siêu thị 0 đồng, Chợ 0 đồng hay ATM gạo… đã trở nên phổ biến trên khắp các địa bàn phường, xã, thị trấn của thành phố. Từ các mô hình này, nhiều người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thêm niềm vui khi những bữa cơm trong thời gian giãn cách xã hội đã đầy đủ và ấm áp hơn. Không chỉ thế, nhiều đơn vị còn sáng tạo ra những mô hình hiệu quả để hỗ trợ người dân trong những ngày dịch bệnh hoành hành như mô hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" của Quận đoàn quận 1. Bí thư Quận đoàn quận 1 Trần Đỗ Nam Long chia sẻ, mô hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" ra đời khi thành phố lần đầu thực hiện Chỉ thị 16 vào năm 2020. Thời điểm đó, thành phố khuyến cáo người già neo đơn, 65 tuổi trở lên không nên ra khỏi nhà. Vì thế, để có bữa cơm mỗi ngày là điều không dễ dàng gì. "Tôi trăn trở rất nhiều, những cụ ông, cụ bà neo đơn không có ai chăm sóc, việc đi lại cũng khó khăn hơn bao giờ hết thì làm sao họ mua được nhu yếu phẩm để mà sống" - anh Long trải lòng. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, Quận đoàn đã lập ra mô hình "Thanh niên tình nguyện đi chợ" để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn trên địa bàn.

Sau hơn một năm, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và phức tạp hơn. Thế là Quận đoàn quận 1 quyết định kích hoạt trở lại mô hình này. Anh Trần Đỗ Nam Long chia sẻ thêm, để thực hiện mô hình Quận đoàn đã triển khai 3 kênh để người dân có thể đăng ký hỗ trợ. Ngoài việc đăng ký qua ứng dụng Gobus-go away Covid, fanpage Tuổi trẻ quận 1, người dân có thể gọi qua đường dây nóng để đăng ký nhờ mua hàng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, ngoài lực lượng đi chợ trực tiếp, Quận đoàn quận 1 còn liên kết với Đoàn Thanh niên của Satra, Co.opmart. Khi tiếp nhận yêu cầu của người dân, Quận đoàn sẽ phân luồng đơn hàng về các siêu thị liên kết, sau đó tình nguyện viên giao cho người dân. Vào lúc cao điểm, siêu thị báo không tiếp nhận được đơn thì tình nguyện viên sẽ trực tiếp đi chợ. Anh Trần Ngọc Trí là một trong 30 tình nguyện viên tham gia đi chợ giúp người dân và cũng là một trong những người tham gia mô hình này ngay từ đầu. Anh tâm sự, mỗi lần tình nguyện đi chợ là một ngày đáng nhớ với anh. Khi nhận đơn hàng, anh Trí cũng như các tình nguyện viên khác đều nhanh chóng đến mua hàng để giao cho bà con được sớm nhất. "Tuy nhiên, có lúc cũng xếp hàng lâu lắm, hoặc thực phẩm bà con đặt hết rồi, phải gọi hỏi bà con thay thế bằng món gì. Có ngày, lúc nhận đơn thì trời rất đẹp, nhưng khi mua hàng xong thì trời bất ngờ đổ mưa, ai cũng ướt hết. Vậy nhưng nhìn thấy ánh mắt tươi cười và lời cảm ơn của bà con là tụi này quên hết vất vả, chỉ thấy vui trong lòng vì đã làm được điều có ích trong những ngày khó khăn thế này", anh Trí kể.

 Anh Nguyễn Tuấn Khởi (bên trái) trao thực phẩm cho người dân tại số 100 đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Anh Nguyễn Tuấn Khởi (bên trái) trao thực phẩm cho người dân tại số 100 đường Ung Văn Khiêm, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Những việc làm, nghĩa cử tốt đẹp cứ thế lan tỏa không chỉ ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị mà còn ở mỗi người con đang sinh sống và làm việc tại thành phố mang tên Bác. Mọi người vẫn nói "Thành phố đang bệnh" nên chính việc làm tốt đẹp, vì cộng đồng của người dân thành phố đã giúp cơn đau như được xoa dịu đi. Những ngày gần đây, mô hình "Tủ lạnh cộng đồng" của anh Nguyễn Tuấn Khởi, Giám đốc Food Bank Việt Nam đã mang đến niềm hạnh phúc cho rất nhiều người kém may mắn. Đây là mô hình đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Tận dụng những chiếc tủ lạnh đã cũ, Tủ lạnh cộng đồng được đặt trên vỉa hè các quán cà-phê, nhà hàng hay một khu vực nào đó bảo đảm đủ nguồn điện, an ninh tốt để giữ cho thực phẩm tươi sạch. Người cần thực phẩm có thể đến lấy, người muốn trao thực phẩm cũng có thể gửi tại đây. Mô hình được xem như một ngân hàng thực phẩm mini do cộng đồng tự quản. Thấy được lợi ích của mô hình, anh Khởi đã mang Tủ lạnh cộng đồng về đặt tại TP Hồ Chí Minh để giúp cho người nghèo có thực phẩm cần thiết trong những ngày giãn cách xã hội. Hàng tấn rau, củ từ những chiếc "tủ lạnh Thạch Sanh" này cứ ngày ngày đến tay người dân ở khắp nơi. Anh Khởi chia sẻ, anh cung cấp những loại rau củ để được lâu nhằm giúp bà con hạn chế ra đường mua thực phẩm. "Với những loại thực phẩm như bí, bầu,… bà con sẽ nấu ăn trong vài ngày, không cần phải đi chợ. Công tác phòng, chống dịch vì thế cũng tốt hơn", anh Khởi giải thích. Không chỉ có Tủ lạnh cộng đồng, anh Khởi còn tổ chức nhiều bếp yêu thương, bếp ăn tiền phương… với hàng nghìn suất ăn mỗi ngày đã giúp bà con bớt đi gánh nặng trong mùa dịch.

Tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày khó khăn này, hàng nghìn y bác sĩ trẻ thuộc lực lượng tình nguyện hối hả lên đường chi viện cho các bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn, với quyết tâm chung tay cùng thành phố sớm chặn đứng dịch bệnh. Cũng có những "chiến sĩ áo trắng" tuy không còn trẻ nhưng vẫn xung phong tình nguyện làm hậu phương vững chắc cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng là một trong những người như thế. Về hưu đã hơn một năm, nhưng khoảng hai tuần nay, đồng nghiệp bất ngờ thấy cô Kim Tùng "tái xuất" tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy. Chia sẻ về quyết định trở lại đại gia đình Bệnh viện Chợ Rẫy mà cô từng gắn bó gần 30 năm, bác sĩ Kim Tùng cho rằng, cô chỉ đi theo tiếng gọi của trái tim và lương tâm của người thầy thuốc. Theo dõi tình hình dịch bệnh mỗi ngày, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng biết Bệnh viện Chợ Rẫy đang chi viện rất nhiều cho thành phố trong công tác phòng, chống dịch. Trước thực tế đó, bác sĩ Kim Tùng mong muốn góp một phần hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc bệnh nhân trong giai đoạn đầy khó khăn. "Tôi đã bày tỏ tâm nguyện của mình với lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy và được đồng ý ngay. Thế là tôi nhanh chóng đi làm trở lại", bác sĩ Kim Tùng vui vẻ cho biết.

Trở lại "mái nhà xưa", không chỉ đồng nghiệp vui mừng mà ngay cả bệnh nhân tại Khoa Thận nhân tạo cũng vô cùng phấn khởi khi gặp được "người quen". Nhiều bệnh nhân chạy thận đã được bác sĩ Kim Tùng chăm sóc gần 20 năm, nên khi gặp bác sĩ tại khoa chẳng khác nào gặp lại người nhà, gặp lại ân nhân mà họ yêu mến. Bác sĩ Kim Tùng cho biết, những bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo có sức đề kháng kém, thường lớn tuổi và có nhiều bệnh lý nền. Đây là những đối tượng rất dễ gặp biến chứng nặng nếu chẳng may nhiễm phải vi-rút SARS-CoV-2. Vì thế, ngoài việc thăm khám, theo dõi sức khỏe, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng còn dành nhiều thời gian để cùng đồng nghiệp động viên, hướng dẫn và nhắc nhở các bệnh nhân chạy thận bảo vệ mình trước những nguy cơ. "Với bệnh nhân Khoa Thận nhân tạo, tinh thần rất quan trọng. Họ phải luôn giữ được sự lạc quan, yêu đời, luôn thấy niềm vui trong cuộc sống thì mới vượt qua được. Trở lại làm việc, tôi mong muốn sẽ mang đến nguồn động viên cho các bệnh nhân, giúp họ có thêm sức mạnh chống chọi với bệnh tật", bác sĩ Kim Tùng tâm sự.

Và cứ thế, mỗi ngày, tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ trẻ lại được thấy một vị tiền bối, một bác sĩ nhân từ, đầy nhiệt huyết, luôn hết lòng vì người bệnh. Năng lượng tích cực của cô đã lan tỏa đến mỗi đồng nghiệp, mỗi bệnh nhân, để mọi người lạc quan, yêu đời hơn, có thêm niềm tin vào tương lai tươi sáng.

VÕ MẠNH HẢO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nghia-tinh-trong-mua-dich-655549/