Nghĩa tình vị tết Đoan ngọ

Tết Đoan ngọ mùng 5, tháng 5 âm lịch hay còn gọi là tết diệt sâu bọ là một tết lớn của người dân Việt Nam. Vào ngày này, theo truyền thống, người người, nhà nhà chuẩn bị mâm cúng với những món đặc trưng tùy theo vùng miền, nhưng không thể thiếu đó là cơm rượu và bánh tro.

Giữ gìn vị tết

Để giữ gìn vị tết Đoan ngọ truyền thống, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Thiện, thành phố Đồng Xoài đã tổ chức làm bánh tro và cơm rượu vừa để bày mâm cúng trong nhà vừa cung cấp ra thị trường. Số tiền thu được sẽ sung vào quỹ hội nhằm gây dựng nhiều phong trào thiện nguyện tại địa phương.

Cây lá chít là loại lá đồng bào Tày ở Thái Nguyên thường dùng để gói bánh tro

Cây lá chít là loại lá đồng bào Tày ở Thái Nguyên thường dùng để gói bánh tro

Bánh tro, cơm rượu là hai loại thực phẩm được nhiều gia đình dâng cúng lên bàn thờ gia tiên trong ngày mùng 5, tháng 5. Theo quan niệm dân gian bánh tro có chứa chất kiềm khi ăn lúc trời nóng sẽ có tác dụng làm mát cơ thể, còn cơm rượu được làm từ cơm nếp lên men có tác dụng “diệt sâu bọ” khi ăn trong những ngày khí dương thịnh, chuyển mùa, rất tốt cho sức khỏe.

Bánh tro được gói từ lá chít

Bánh tro được gói từ lá chít

Bà Đặng Thị Ngọc, năm nay 63 tuổi, hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Thiện cho biết bà đã gói bánh tro từ năm 15 tuổi. Và khi biết hội phụ nữ phường có mô hình gói bánh để gây quỹ ở địa phương, bà nhiệt tình tham gia. “Ngày xưa người thợ gói bánh thường dùng lá tre để đốt lấy tro, ngày nay do nhu cầu sử dụng tăng cao, nhất là trong dịp tết Đoan ngọ nên nhiều người có thể sử dụng lá của các loại cây ăn trái, phơi khô và đốt lấy tro. Tro này là thành phần chủ yếu để dùng làm nước tro ngâm nếp, kỹ thuật này vừa tạo màu cánh gián đẹp mắt cũng như hương vị đặc trưng cho chiếc bánh” - bà Ngọc chia sẻ.

Chị Vũ Thị Loan, hội viên phụ nữ phường Tân Thiện, cho biết: “Tôi tham gia hội được 2 năm, thấy chị em có mô hình làm bánh, tôi cũng muốn góp chút sức để có thể góp phần làm thiện nguyện, giúp những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương”.

Những chiếc bánh tro được gói từ lá tre và lá dong

Những chiếc bánh tro được gói từ lá tre và lá dong

Không chỉ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm thiện nguyện mà có chị còn sẵn sàng cung cấp địa điểm cũng như hỗ trợ những nguyên vật liệu, vật dụng để chị em có không gian vừa sinh hoạt, gắn kết vừa thoải mái làm việc. Vậy nên những ngày trước Tết Đoan ngọ, ngôi nhà cấp 4 với sân vườn khá rộng của chị Đặng Thị Điệp ở phường Tân Thiện, đã rộn ràng tiếng cười của chị em trong hội. Chị Điệp vui vẻ nói: “Gia đình tôi sống ở đây cũng lâu rồi, được mọi người yêu thương lắm cho nên tôi giúp gì được cho cộng đồng thì gia đình cũng luôn sẵn lòng”.

Lan tỏa điều tốt đẹp

“Đông tay thì vỗ nên kêu”, bằng sự chung sức đồng lòng, hơn 250 hủ cơm rượu, gần 2.000 chiếc bánh tro đã được các chị em trong hội hoàn thành dịp Tết Đoan ngọ. Đây cũng là cơ hội để chị em biết thêm công thức làm một món bánh truyền thống. Nếu có đam mê thì chị em hoàn toàn có thể khởi nghiệp từ chính sự giúp đỡ của hội với nghề làm bánh thủ công này.

Cơm rượu ngày Tết Đoan ngọ do chị em phụ nữ phường Tân Thiện làm

Cơm rượu ngày Tết Đoan ngọ do chị em phụ nữ phường Tân Thiện làm

Chị Đinh Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tân Thiện, cho biết: “Đây là một trong những hoạt động nằm trong mô hình phát triển nghề làm bánh thủ công cho chị em phụ nữ của phường. Đến nay hội cũng đã duy trì mô hình được 3 năm, mục đích là giữ gìn và chia sẻ nghề làm bánh truyền thống thủ công cho chị em. Ngoài việc tạo quỹ cho hội thì cũng đã giúp đỡ trực tiếp cho một số chị em khó khăn biết nghề, từ đó có nguồn thu nhập ổn định”.

Mô hình và những việc làm ý nghĩa này đã và đang được Hội liên hiệp phụ nữ phường Tân Thiện tiếp tục xây dựng. Từ đó nhân lên lòng nhân ái, biết trao đi để những điều tốt đẹp được nhẹ nhàng lan tỏa trong cuộc sống.

Ly Na - Ảnh: Đặng Hùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/145648/nghia-tinh-vi-tet-doan-ngo