Nghĩa trang Brompton: Lăng mộ hay cỗ máy thời gian?

Mở cửa vào năm 1840, nghĩa trang Brompton ở London là một trong những nơi chôn cất người chết lâu đời nhất nước Anh, trải rộng trên diện tích 16 ha với hàng chục nghìn ngôi mộ.

Nổi bật trong số này là một lăng mộ có cấu trúc kỳ lạ, toát lên vẻ bí ẩn, được cho là cỗ máy thời gian.

Bí ẩn quanh lăng mộ

Ngôi mộ cao 6 mét, lớn nhất trong nghĩa trang Brompton thuộc về Hannah Courtoy, một phụ nữ giàu có, địa vị xã hội cao nhưng lập dị, sống vào thế kỷ thứ 19. Bà được thừa hưởng tài sản từ một thương gia lớn tuổi tên là John Courtoy, sau thời gian làm quản gia và có thể là tình nhân của ông ta.

Không hề kết hôn nhưng bà có ba cô con gái và luôn khẳng định chúng là con của Courtoy. Mặc dù, nhiều người nghi ngờ tuyên bố này và cho rằng Hannah là một kẻ đào mỏ, nhưng quan hệ cha con không thể được chứng minh vào thời điểm đó.

Trong suốt cuộc đời của mình, bà Courtoy đã kết bạn với nhiều người khá kỳ quặc. Một trong số này là nhà Ai Cập học, kiêm kiến trúc sư, Joseph Bonomi, người đã truyền cho bà niềm say mê văn hóa Ai Cập sâu sắc.

Lăng mộ của Hannah Courtoy.

Lăng mộ của Hannah Courtoy.

Đây cũng là một trong những lý do khiến ngôi mộ của bà được xây dựng theo phong cách Ai Cập, có hình kim tự tháp trên đỉnh. Chính Bonomi và một người đàn ông khác tên là Samuel Alfred Warner đã thiết kế nơi an nghỉ này. Truyền thuyết về lăng mộ cũng bắt nguồn từ hai người này.

Warner là một nhà khoa học được xem là “điên rồ” vào thời đó. Ông ta tuyên bố đã thiết kế các loại vũ khí tiên tiến, chẳng hạn như “trái phá vô hình”, một thiết bị không lớn hơn quả trứng, có thể thả từ khí cầu và được kích nổ từ xa để phá hủy tàu của kẻ thù.

Ngoài ra, ông còn khoe đã chế được một quả bom có thể “dịch chuyển tức thời” trong một khoảng cách ngắn – dạng ngư lôi tâm linh.

Warner được cho là đã thực hiện một cuộc trình diễn các sáng chế của mình ở Eo biển Manche vào năm 1844 và tiếp tục tạo ra loại ngư lôi đi trước thời đại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, ông chỉ là một kẻ lừa đảo.

Theo lời đồn, trong quá trình nghiên cứu chữ tượng hình và Ai Cập cổ đại, Bonomi đã tìm ra bí mật để du hành thời gian. Ông liên kết với Warner vì nhìn thấy người này có chuyên môn khoa học có thể giúp ông biến điều đó thành hiện thực.

Hai người đã xây dựng ngôi mộ cho Hannah và nghĩa trang là nơi lý tưởng, bảo đảm không ai làm phiền khi họ thực hiện dự án bí mật.

Năm 1849, Hannah Courtoy qua đời. Thi thể của bà được chuyển đến lăng mộ khi nó hoàn thành 5 năm sau đó. Một năm trước khi xong công trình, Warner cũng chết một cách bí ẩn, có tin đồn ông bị giết bởi Bonomi để bảo toàn bí mật kiến trúc này. Ông được chôn cất cách lăng mộ của Courtoy một tảng đá.

Còn Bonomi chết vào năm 1878 và cũng được an nghỉ gần đó. Bia mộ của ông khá lạ kỳ, có khắc hình Anubis, vị thần mình người, đầu chó rừng, liên quan đến cái chết, thuật ướp xác, lăng mộ, nghĩa trang và thế giới bên kia trong văn hóa Ai Cập cổ đại.

Bia được hướng về phía mộ của Courtoy. Sau khi ngôi mộ hoàn thành và cái chết của chủ nhân cùng những người xây dựng nó, các truyền thuyết bắt đầu lan ra.

Ngoài việc hai người đàn ông này đã làm việc ra sao trong dự án lăng mộ bí mật, người ta còn thắc mắc là công trình này mất nhiều thời gian hơn bình thường để hoàn thành và có một số điều kỳ lạ.

Trước tiên, mộ được xây dựng trên mặt đất giữa một ngã tư, nơi được xem là giao thoa giữa hai thực tại, chẳng hạn như thế giới của người sống và người chết. Ngoài thiết kế khác thường, ngôi mộ còn được trang trí các họa tiết bánh xe ở phía dưới cửa, cùng các lỗ tròn lớn trên các bức tường cao, trông giống như một chiếc đồng hồ mặt trời.

Cỗ máy thời gian hay phòng dịch chuyển?

Điều kỳ lạ tiếp theo là không ai tìm thấy sơ đồ và chìa khóa cửa của lăng mộ. Do đó, không có cách nào vào được bên trong. Người ta chỉ biết nơi đây an nghỉ Hannah và hai con gái của bà. Những bí ẩn này đã khởi đầu cho những lời đồn đoán rằng lăng mộ thực ra là một cỗ máy thời gian.

Một trong những người ủng hộ giả thuyết cỗ máy thời gian là nhạc sĩ người Scotland, Drew Mulholland. Vào năm 2003, khi nêu ý tưởng này trên blog của mình, ông đã thu hút sự chú ý của nhạc sĩ người London, Stephen Coates, người mà vào năm 2011 đã đưa ra một giả thuyết kỳ lạ, rằng ngôi mộ thực ra là một căn phòng dịch chuyển tức thời.

Theo Coates, lăng mộ kết nối với 6 nghĩa trang có ý nghĩa lịch sử khác ở London để tạo thành một vòng tròn hoàn hảo được gọi là “Bảy công trình hùng vĩ”.

Ông cho rằng, chúng có thể được sử dụng để “biến hiện” từ nơi này đến nơi khác trên khắp London và lưu ý còn có một lăng mộ thứ tám tương tự tại nghĩa trang Montmartre, ở Paris, Pháp.

Coates nói về suy nghĩ của mình: “Đó là một hệ thống giao thông xung quanh London, nhằm giảm thời gian di chuyển qua những cung đường rộng lớn của đô thị luôn bị tắc nghẽn.

Thực tế lăng mộ là căn phòng dịch chuyển tức thời do Joseph Bonomi thiết kế và người xây dựng là Samuel Alfred Warner”.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có thực sự tin vào điều này hay không, Coates tỏ ra không chắc chắn lắm. Nhưng vào năm 2015, ông và một hậu duệ của Hannah Courtoy, Roy Godson, nói với tờ Independent rằng, họ hy vọng sẽ tìm ra cách để mở cửa lăng mộ.

Lúc đó, những bí mật về quá trình lao động của Warner sẽ được phơi bày. Nhưng từ đó đến nay, lăng mộ vẫn im lìm, chưa được khám phá.

Tất nhiên, không phải ai cũng tin những câu chuyện về cỗ máy thời gian và phòng dịch chuyển tức thời, nhưng hầu hết đều cho rằng đây là một câu chuyện thú vị.

Theo Thiên Lý/GD&TĐ

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nghia-trang-brompton-lang-mo-hay-co-may-thoi-gian/20211130110643408