Nghịch lý chuyện giao đất đầm, bãi ở Thái Bình

Ngay sau khi nhận giao 250 ha đầm, bãi bồi, rừng ngập mặn ven biển trái quy định, 35 cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, đơn vị hành chính sự nghiệp ở Thái Bình lập tức sang tay, thu tiền

UBND huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vừa chỉ đạo các ngành chức năng, cơ quan liên quan phối hợp với UBND xã Nam Phú và những hộ dân đang sử dụng 250 ha đầm, bãi ven sông, ven biển ở địa phương để tổng hợp thông tin, báo cáo huyện. Động thái này diễn ra sau khi vụ việc giao đất đầm, bãi sai đối tượng từ hơn 20 năm trước bị phanh phui.

Người dân cần nhưng giao cho cơ quan, đơn vị

Tháng 12-2000, UBND tỉnh Thái Bình có Quyết định 1605 về việc ban hành quy định cho thuê đất vùng triều, đầm nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển. Theo quyết định này, đối tượng được thuê đất đầm là các hộ ngư dân, nông dân địa phương đang sinh sống ở vùng ven sông, ven biển.

Trong Quyết định 1650 tuyệt nhiên không đề cập tới đối tượng được cho thuê là các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, vì các đơn vị hành chính sự nghiệp không có nhân sự để nuôi trồng thủy sản. Tuy vậy, từ đầu những năm 2000, UBND huyện Tiền Hải đã ra hàng loạt quyết định giao đất, công nhận 35 cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là chủ đầm cho tổng số đất bãi bồi giao là hơn 250 ha.

Hàng trăm ha đất bãi bồi, rừng ngập mặn biến thành đầm nuôi trồng thủy sản sau khi UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) giao cho 35 cơ quan, đơn vị

Hàng trăm ha đất bãi bồi, rừng ngập mặn biến thành đầm nuôi trồng thủy sản sau khi UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) giao cho 35 cơ quan, đơn vị

Trong đó, đầm giao cho các cơ quan thuộc huyện Tiền Hải như: TAND được 6 ha; Văn phòng Huyện ủy 6 ha; Đội Cảnh sát Kinh tế 4 ha; Phòng Tài nguyên và Môi trường 3,5 ha; Phòng Tư pháp 2,5 ha; Liên đoàn Lao động 10 ha; Ban Tuyên giáo Huyện ủy 5 ha; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội 4 ha; Hội Luật gia 3 ha; Hội Nông dân 4 ha; Hội Cựu chiến binh 3 ha…

Đầm giao cho các cơ quan thuộc cấp tỉnh như: Phòng Cảnh sát hình sự 4,5 ha; Hội Cựu chiến binh tỉnh 5 ha; Sở Thủy sản (nay là Chi cục Thủy sản) 5 ha; Sở Tài nguyên và Môi trường 4 ha...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, khi các quyết định giao đầm của UBND huyện Tiền Hải cho các cơ quan, đơn vị chưa ráo mực thì 35 cơ quan này đã lập tức "sang tay" cho người dân có nhu cầu để thu về số tiền rất lớn.

Đến nay, 250 ha được giao cho 35 cơ quan đều đã được sang nhượng từ lâu. Khoảng 100 ha được người dân thuê lại, san gạt để nuôi tôm, ngao giống; khoảng 150 ha còn lại được các chủ đầm nuôi trồng thủy sản theo mô hình quảng canh sinh thái. Cũng vì vậy, một diện tích lớn rừng ngập mặn đã biến mất, nhường chỗ cho đầm tôm, nhà xưởng, đường nội bộ dẫn tới các đầm...

"Người dân chúng tôi vốn là đối tượng được cho thuê, muốn được thuê thì phải lên sàn đấu giá từ 5 - 7 triệu đồng/ha/năm. Trong khi đó các cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng lại được giao hàng trăm hecta mà không phải thông qua đấu giá, chỉ nộp tiền thuê đất hằng năm rồi bán lại cho người dân địa phương có ô đầm lên đến mấy trăm triệu thậm chí hàng tỉ đồng" - ông Trần Ngọc V. (59 tuổi, ngụ xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) bức xúc.

Quyết định chưa ráo mực đã sang tay

Được biết, đầm nuôi trồng thủy sản diện tích 6 ha của Văn phòng Huyện ủy Tiền Hải nằm ở khu vực sông Cau Cồn Vành, được UBND huyện Tiền Hải ra quyết định cho thuê, công nhận chủ đầm cho ông Ngô Xuân Chiến, Chánh Văn phòng Huyện ủy. Thời hạn cho thuê là 20 năm (từ ngày 14-12-2001 đến 31-12-2021), mục đích sử dụng là nuôi trồng thủy sản theo mô hình ao tôm sinh thái.

Sau khi nhận quyết định, ngày 2-6-2002, Văn phòng Huyện ủy Tiền Hải có văn bản ủy quyền lại cho ông P.H.N (trú xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) sử dụng vùng đầm trên để nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, vị trí ô đầm đã được người dân xây nhà bảo vệ, làm đường giao thông, lắp điện chiếu sáng và đang tổ chức sản xuất. Chủ đầm là một hộ dân khác có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Nam Định chứ không phải ông N. "Tôi thuê lại đầm này thời hạn 13 năm, giá 40 triệu đồng/năm. Để sản xuất tôm thẻ công nghiệp và ngao giống, tôi phải đầu tư hàng tỉ đồng để cải tạo mặt bằng" - chủ đầm cho biết.

Ông P.V.Th (trú xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) cho hay vào năm 2002, ông cùng 4 hộ dân khác trong xã thuê lại đầm của Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiền Hải với giá 2 triệu đồng/ha/năm, trong thời hạn 20 năm. Ông phải nộp tiền mặt cho 2 cơ quan này một lần.

Còn ông P.V.V, đang canh tác trên đầm mua từ Phòng Kinh tế biển huyện Tiền Hải, cho biết theo quyết định giao đầm thì cơ quan này có 4 ha, nhưng thực tế hiện trạng lên tới 9,3 ha và ông phải nộp tới 6,6 triệu đồng/ha/năm. "Tôi thuê 13 năm. Tổng cộng tôi nộp tiền trực tiếp cho người đại diện của cơ quan này là hơn 790 triệu đồng" - ông V. nói.

Thông tin mù mờ

Theo ông Đặng Văn Khương - Chủ tịch UBND xã Nam Phú, huyện Tiền Hải - 35 ô đầm mà huyện Tiền Hải đã cấp, hiện các cơ quan, đơn vị này đã ủy quyền hoặc nhượng lại cho người dân nuôi trồng thủy - hải sản, còn số tiền họ thu từ người dân và dùng vào việc gì xã không nắm được.

Trong khi đó, khi được hỏi, lãnh đạo của các cơ quan như Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải, Hội Cựu chiến binh huyện Tiền Hải, Huyện Đoàn Tiền Hải... đều lắc đầu, ngơ ngác vì từ khi họ nhận nhiệm vụ đều không được bàn giao cũng như nghe thông tin cơ quan mình được giao đầm (!).

Bài và ảnh: TRỌNG ĐỨC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nghich-ly-chuyen-giao-dat-dam-bai-o-thai-binh-20230917221832769.htm