'Nghịch lý' của doanh thu báo chí
Tại Diễn đàn Kinh tế báo chí năm 2023, đại diện Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, báo chí đã có nhiều đóng góp vào thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện Cục Báo chí, thời điểm trên, doanh thu báo chí có sự sụt giảm mạnh mặc dù tỷ lệ người xem, người đọc tăng lên.
Qua khảo sát số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in.
Đại dịch COVID-19 làm lộ rõ và trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực về kinh tế báo chí. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn.
Các cơ quan báo chí cơ bản đã chủ động thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng khó khăn về nguồn kinh phí cho công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc cơ quan báo chí phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ. Sự quan tâm, chỉ đạo, định hướng của cơ quan chủ quản báo chí về nguồn lực cho cơ quan báo chí hoạt động chưa đồng đều, có nhiều hạn chế.
Theo Cục Báo chí, trong bối cảnh hiện nay, khi chuyển đổi lên không gian số, báo chí muốn giữ vững sứ mệnh báo chí cách mạng, phát triển đúng hướng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đang phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có. Trong đó, phải cạnh tranh với nguồn thông tin khổng lồ trên không gian mạng; việc thu hút độc giả trước những thay đổi hành vi của độc giả do công nghệ làm báo mới và định hướng dư luận xã hội, phát huy vai trò “dòng chảy chính” trong bối cảnh thiếu nguồn lực.
Kinh tế báo chí thể hiện nguồn lực phát triển cho hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của người làm báo. Việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thực tế, Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí. Khi nhiều cơ quan báo chí bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2020, Bộ TT&TT đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống COVID-19 với kinh phí 4 tỷ đồng, bên cạnh việc đặt hàng tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống ma túy, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng, chống mua bán người,… với kinh phí 8 tỷ đồng.
Năm 2021, bộ đặt hàng 80 cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 và tuyên truyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động kinh doanh (theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ) với kinh phí 45 tỷ đồng. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã huy động nguồn lực xã hội hóa, mua báo và phát tặng hơn 4,7 triệu tờ cho người dân TPHCM trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghich-ly-cua-doanh-thu-bao-chi-post1512684.tpo