Nghịch lý của đồng USD
Tuần báo Le Point (Pháp) đăng bài viết nhận định về nghịch lý của đồng USD.

Đồng USD Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Tổng thống Donald Trump được biết đến với những thông điệp mâu thuẫn. Không ai biết ông thực sự muốn đồng bạc xanh tăng hay giảm giá. Một mặt, ông muốn đồng USD yếu, một hình thức để thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ và giảm thâm hụt thương mại khổng lồ (920 tỷ USD vào năm 2024), điều đã trở thành nỗi quan ngại thực sự của ông. Nhưng mặt khác, ông cũng cần một đồng nội tệ mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài vào Mỹ và duy trì vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, đồng USD mạnh có vẻ sẽ có lợi cho kinh tế của Mỹ hơn là một đồng tiền yếu khiến nhập khẩu tăng giá, cản trở đầu tư và gây tổn hại cho nền kinh tế số.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng vai trò dẫn đầu của Mỹ trên thị trường tiền tệ đang bị ảnh hưởng, đồng thời liên tục cảnh báo dùng các biện pháp trả đũa thương mại và tài chính mạnh tay đối với bất kỳ ai dám thách thức quyền lực của “vua đô la”.
Cho đến nay, sự thống trị của đồng USD vẫn áp đảo, khi đồng tiền này chiếm gần 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, 70% trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ và 75% những giao dịch thương mại toàn cầu được định giá bằng USD.
Có thể ví đồng USD trên thị trường tiền tệ giống như tiếng Anh trên thị trường ngôn ngữ: một công cụ trao đổi phổ quát, được sử dụng ở khắp nơi trên thế giới (với 80% số tờ 100 USD hiện được giữ bên ngoài nước Mỹ). Tuy nhiên, tiền tệ chủ yếu là vấn đề niềm tin và niềm tin này đang bị lung lay nghiêm trọng.
Sự nghi ngờ về giá trị nội tại của đồng USD xuất hiện khi ông Trump tuyên bố muốn đích thân kiểm tra kho dự trữ vàng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Fort Knox, hoặc khi ông quyết định thành lập một quỹ dự trữ chiến lược bằng đồng bitcoin, khiến người ta có cảm giác ông đặt niềm tin chủ yếu vào vàng và tiền mã hóa để duy trì quyền bá chủ tiền tệ của Mỹ.
Tuy nhiên, quyền bá chủ này vốn có cơ sở lịch sử và gắn liền chặt chẽ với vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ quân sự cho các nước đồng minh. Đổi lại, các quốc gia đồng minh, thông qua việc mua ồ ạt trái phiếu kho bạc Mỹ (US Treasury Bonds), đã gián tiếp và chủ động tài trợ cho ngân sách quốc phòng khổng lồ của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Dù vậy, thỏa thuận “tiền tệ - quốc phòng” ngầm dường như đang đổ vỡ. Châu Âu không chỉ không còn có thể dựa vào Mỹ để bảo vệ an ninh, mà còn phải tự tìm nguồn tài chính để tái vũ trang. Điều này có thể dẫn đến việc họ rút về châu Âu khoảng 3.200 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ đang nắm giữ, một kịch bản thảm họa đối với đồng USD và kinh tế Mỹ.
Nhờ vào sức hút đặc biệt với tiết kiệm toàn cầu, địa vị tối cao của đồng USD đã cho phép Mỹ dễ dàng tài trợ cho các khoản thâm hụt. Kết quả là một nghịch lý tiền tệ: một quốc gia nợ nần nặng nề, với nợ nước ngoài gần 25.000 tỷ USD (tương đương 20% GDP toàn cầu), lại nắm giữ đồng tiền thống trị thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
* Mục tiêu tái công nghiệp hóa nhờ đồng USD
Ông Donald Trump mong muốn làm suy yếu đồng USD để tái công nghiệp hóa nước Mỹ. Ông muốn tạo lại việc làm trong các ngành công nghiệp truyền thống như ô tô, thép, thiết bị gia dụng, bởi vì sự mất mát việc làm trong các lĩnh vực này chủ yếu ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và trung lưu thấp, những người chiếm phần lớn trong cử tri của ông.
Tân Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Nhà Trắng, Stephen Miran, cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do vai trò của đồng USD, như một đồng tiền dự trữ thống trị toàn cầu. Vai trò đó tạo ra nhu cầu lớn về USD (và các tài sản tài chính tính theo USD) từ phía người nước ngoài, khiến đồng USD bị định giá quá cao so với các đồng tiền khác và dẫn đến tình trạng phi công nghiệp hóa.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mong muốn làm suy yếu đồng USD để tái công nghiệp hóa nước Mỹ là không thực tế, vì điều này sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu, cản trở đầu tư và gây tổn hại cho nền kinh tế số. Hiện quan điểm cho rằng một đồng USD yếu sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ là một quan điểm gây nhiều tranh cãi, bởi trên thực tế, chính một đồng USD mạnh mới có lợi cho Mỹ. Trước hết, cần hiểu rằng mức độ thay thế giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước ở Mỹ là rất thấp. Các doanh nghiệp Mỹ đã tổ chức chuỗi giá trị toàn cầu để tối ưu chi phí, và người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng hàng nhập khẩu từ những nước đang phát triển vì chúng rẻ hơn.
Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện gần ở mức toàn dụng lao động (4,1% vào đầu tháng 3/2025), trong khi trình độ kỹ năng của lực lượng lao động Mỹ lại thấp. Theo khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2023, trung bình điểm kỹ năng của người lớn tại Mỹ là 251, so với 267 ở Đức và Canada, và 285 ở Nhật Bản. Vì vậy, việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo sẽ rất khó khăn, và việc giảm giá đồng USD về cơ bản sẽ chỉ khiến giá hàng nhập khẩu và giá tiêu dùng trong nước tăng lên.
Cuối cùng, một đồng USD yếu một cách cơ bản sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư quốc tế, khiến họ không muốn nắm giữ tài sản bằng USD (cổ phiếu, trái phiếu, vốn góp doanh nghiệp), ngay cả khi chưa xét đến khả năng Mỹ gây áp lực buộc họ bán trái phiếu chính phủ. Trong khi đó, Mỹ đang rất cần dòng vốn lớn từ nước ngoài để tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai, vốn đã lên tới 3,9% GDP trong năm 2024.
Trên thực tế, chính các dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đã giúp tài trợ cho những khoản đầu tư rất lớn vào công nghệ mới (chiếm 4,7% GDP tại Mỹ, so với chỉ 2,5% GDP ở châu Âu) và cho phép Mỹ dẫn đầu trong sự bùng nổ nhanh chóng của những ngành này (nước này hiện chiếm gần 40% ngành công nghiệp công nghệ mới toàn cầu).
Việc đồng USD mạnh lên, có thể ông Donald Trump không hài lòng, nhưng thực ra đã cho phép nước Mỹ phát triển ngành công nghệ cao. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu đồng USD yếu và khả năng thu hút vốn kém đi. Đồng USD suy yếu sẽ là nguyên nhân làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại vì khối lượng nhập khẩu gần như không giảm nhưng giá nhập khẩu lại tăng cao, đồng thời đe dọa khả năng tài trợ cho ngành công nghệ cao.
Để giải quyết bài toán mất việc làm trong lĩnh vực công nghiệp tầm trung, các chuyên gia kinh tế gợi ý những giải pháp hiệu quả hơn và gắn kết hơn, đó là xây dựng hệ thống an sinh xã hội phù hợp, cải thiện hiệu quả hệ thống giáo dục, phát huy lợi thế cạnh tranh trong sản xuất dịch vụ công nghệ, thay vì sản xuất công nghiệp tầm trung hoặc giá rẻ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nghich-ly-cua-dong-usd/373552.html