Nghịch lý của ngành sư phạm

Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), hết năm học 2023-2024, cả nước còn thiếu trên 118.000 giáo viên, cao hơn 11.000 người so với năm học trước. Nguyên nhân là cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, nhưng chậm được khắc phục, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn nhu cầu thực tế, bởi nguồn cung thiếu trầm trọng. Qua khảo sát, trong lúc địa phương nào cũng có nhu cầu về tuyển dụng giáo viên mỗi năm đều tăng lên nhưng thực tế chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2022 đến năm 2024 lại giảm đến 14.000 người.

Giải trình về nghịch lý giữa cung và cầu, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, là do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (gọi tắt là Nghị định 116) có hiệu lực từ 15/11/2020 và áp dụng cho khóa tuyển sinh từ năm học 2021-2022 trở đi.

Hiện nay, cơ sở để Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu là dựa trên việc đặt hàng đào tạo giáo viên của các địa phương, sau đó phân bổ về các trường. Song, đến nay, chỉ có 23 tỉnh, thành phố thực hiện việc giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên; 40 tỉnh, thành phố vẫn không màng đến nhiệm vụ này.

Theo cơ chế trên, sinh viên sư phạm do địa phương đặt hàng đào tạo sẽ được địa phương lo toàn bộ học phí, chi phí sinh hoạt hàng tháng. Sinh viên diện này sau khi tốt nghiệp phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không, phải bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế ràng buộc sinh viên của địa phương nào chi tiền hỗ trợ phải về địa phương đó làm việc, nên xảy ra tình trạng địa phương bỏ tiền ra cho đi học, nhiều sinh viên lại không về phục vụ địa phương mà đến các thành phố lớn làm việc.

Những sinh viên sư phạm được đặt hàng nhưng không gắn với quyền được tuyển dụng, làm việc cho các địa phương. Trong khi, các địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng khó khăn, đã bỏ kinh phí đặt hàng lại không có nguồn tuyển...

Mặt khác, do những vướng mắc trong thực hiện nghị định 116, tình cảnh sinh viên chờ tiền hỗ trợ kéo dài khiến cho năm học 2022 - 2023, số đăng ký và số sinh viên nhập học sư phạm đều giảm, đạt 70% chỉ tiêu; chỉ có hơn 24% sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ so với tổng số sinh viên sư phạm nhập học.

Rõ ràng, phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116. Thực tế, giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước đều thiếu một cách trầm trọng và không có người để tuyển. Trong khi đó, các giáo viên dạy hợp đồng không tham gia tuyển dụng vì mức lương thấp, thu nhập thấp. Thay vì biên chế tại một trường, họ hợp đồng một vài trường, kèm thêm đi làm bên ngoài thì mức thu nhập khá hơn so với đồng lương giáo viên.

Thiếu giáo viên và thực tế đào tạo của ngành sư phạm đang là lực cản rất lớn cho mục tiêu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để giải quyết triệt để tình trạng này, ngoài chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học ngành sư phạm, thì các chính sách mang tính đột phá và mang tính gốc rễ như các chính sách tuyển dụng, chế độ tiền lương, thu nhập, đãi ngộ... cần phải được giải quyết triệt để, để giáo viên sống được bằng tiền lương và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghich-ly-cua-nganh-su-pham-post476125.html