Nghịch lý giá rau
Trong khi giá rau củ ngoài đồng ruộng xuống từng ngày, chỉ ở mức 5- 10.000đ/kg rau, thì ở các chợ và siêu thị người dân phải mua với giá gấp 4- 5 lần.
Người dân Hà Nội mua sắm thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội ảnh: Mạnh Thắng
Những ngày qua, giá cả các mặt hàng rau củ, thịt cá tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội tăng từng ngày. Ghi nhận tại chợ Hôm Đức Viên (quận Hai Bà Trưng), giá khoai sọ là 30.000đ/kg; rau muống 20.000đ/mớ; đỗ xanh 30.000đ/kg; Mồng tơi 20.000 đ/kg...
"Thông thường mức chiết khấu cứng của các siêu thị ở mức 20 - 30%, cộng thêm đứng đầu kệ, phí tạo mã, phí sinh nhật, 3 tháng gối đầu mới thanh toán cho nhà cung cấp… khiến cho các mặt hàng rau củ đội giá. Thử thách cao như vậy thì không HTX, nông dân nào có thể gửi hàng hóa vào siêu thị được". Ông Vũ Vinh Phú (Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam)
Tại chuỗi siêu thị Vinmart, cải thảo có giá 17.300 đ/kg; dưa chuột dài 48.200đ/kg; Cải ngồng 42.800đ/kg; xà lách xanh 60.000đ/kg...
Mặc dù, các siêu thị, chợ dân sinh niêm yết giá cao nhưng giá cả tại các vùng trồng ngày càng rẻ, nhiều rau củ không mang đi tiêu thụ được. Theo bà Trịnh Trang (quận Hai Bà Trưng), qua các kênh thông tin người quen bà được biết hàng chục tấn rau của nông dân thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) suýt phải đổ bỏ vì không có đầu ra. Nhiều người chỉ mong bán được rau đồng giá 5.000 đồng/kg để không phải đổ bỏ.
Để giúp kết nối sản phẩm của người nông dân với người tiêu dùng, bà Trang đã kêu gọi "giải cứu" trên trang facebook cá nhân với giá cải ngọt 5.000đ/kg; rau muống 5.000đ/mớ; dưa chuột 10.000/kg; su su 10.000đ/kg; bầu 10.000đ/kg... Đợt đầu tiên đã thu về hơn 30 triệu hỗ trợ bà con nông dân.
Đại diện một Hợp tác xã (HTX) tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cho biết, giá rau sạch tại ruộng rất rẻ, tất các chủng loại rau như cải ngồng, cải ngọt, mướp đắng, đỗ... chỉ từ 5.000 - 10.000đ/kg đã có lãi. Thế nhưng khi đến tay người tiêu dùng qua các kênh trung gian thì bị "kênh giá" đến 4- 5 lần. "Tôi thấy thật sự vô lý khi các kênh trung gian, đầu nậu làm giá như vậy trong mùa dịch. Trong khi nông dân vẫn đói vì vừa giảm năng suất, vừa phải bán nông sản giá rẻ", vị này nhận xét.
Theo đại diện HTX, thời gian qua một số siêu thị, chuỗi cửa hàng ngỏ ý liên kết với HTX để tiêu thụ nhưng rất khó để nông dân có thể tiếp cận. Bởi ngoài chiết khấu cao, các siêu thị thường yêu cầu nợ "gối đầu" đến 90 ngày mới trả tiền. "HTX còn phải trả tiền hàng ngày để nông dân sinh hoạt, tái sản xuất, lấy đâu ra cả tỷ bạc để siêu thị giữ tiền hàng như vậy. Do đó HTX vẫn chưa liên kết được với siêu thị nào để tiêu thụ sản phẩm", đại diện HTX nói.
Cần đầu mối uy tín kết nối nông sản
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (NN&PTNT) cho biết, dù nhiều huyện Hà Nội đã là "vùng xanh" nhưng vẫn có những khó khăn nhất định trong khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản của bà con nông dân.
Thành phố đã xây dựng được tổng số 141 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Không chỉ giúp gia tăng giá trị kinh tế từ 15 - 20%, các chuỗi liên kết còn góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam) nhận định, thời gian qua, rau củ tăng giá mạnh, tăng 4- 5 thậm chí có mặt hàng tăng gần gấp 10.
Hiện hàng nông sản thực phẩm 85% tiêu thụ tại các chợ dân sinh, 15% tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Trong khi ở các chợ dân sinh bị tăng giá do các thương lái, khâu trung gian làm giá thì tại các siêu thị cũng chèn ép một cách quá đáng nhà cung cấp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghich-ly-gia-rau-post1376546.tpo