Nghịch lý thiếu vaccine
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều địa phương trong cả nước đều gặp phải tình trạng thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng. Ngay cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng 'báo động' vì tại thời điểm này, hầu hết vaccine tiêm chủng uốn ván, viêm não Nhật Bản, sởi, viêm gan B... đều đã cạn kiệt.
Trước tình trạng trên, nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bệnh tật xảy ra khi người dân không được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Một khi tỷ lệ bao phủ vaccine xuống thấp, nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh, trước mắt là dịch sởi, bạch hầu, ho gà... là khó tránh khỏi.
Chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí được triển khai trên toàn quốc từ năm 1985 nhằm cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi. Số loại vaccine tăng dần theo thời gian, từ 6 vaccine thiết yếu năm 1985 tới nay đã có hơn 10 loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm được cung cấp miễn phí cho trẻ em và phụ nữ có thai triển khai trong tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.
Đây là chương trình mang tính ưu việt gắn bó với trẻ em và có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Trung bình mỗi năm, cả nước có 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi cần tiêm chủng các mũi trong chương trình. Tiêm phòng vaccine đủ mũi, đúng lịch là chìa khóa hữu hiệu khống chế, loại bỏ các dịch bệnh nguy hiểm như bạch hầu, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản B, bại liệt...
Lý giải nguồn cơn thiếu vaccine trong thời gian qua, đại diện Bộ Y tế cho hay, mọi năm vaccine tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đảm nhiệm việc mua sắm, phân bổ. Tuy nhiên, từ năm 2023, Chương trình mục tiêu y tế - dân số kết thúc, theo quy định, việc chi mua sắm này thuộc về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương. Năm 2022, Bộ Y tế đã làm dự toán kinh phí gửi các ngành để bổ sung kinh phí để triển khai mua sắm, nhưng do vướng mắc trong quá trình chi thường xuyên của các địa phương nên chưa được thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế, từ tháng 7/2023, Chính phủ đã cho phép tiếp tục sử dụng ngân sách trung ương để mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Thế nhưng, hơn 4 tháng qua, việc mua vaccine cho trẻ vẫn đang trong “quy trình”, dẫn đến nhiều trẻ em bỏ lỡ mũi tiêm vì chưa có vaccine.
Dư luận không khỏi băn khoăn trước nghịch lý: vaccine tiêm phòng miễn phí báo hết thì các trung tâm tiêm chủng tư nhân lại có gần như đầy đủ các loại vaccine dịch vụ phòng bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ tiêm phòng trả phí như khuyến nghị.
Rõ ràng, thủ tục hành chính còn rườm rà là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đứt gãy trong chuỗi cung ứng vaccine. Mặc dù Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp bộ, ban, ngành liên quan, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm nguồn cung vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhưng đến nay, các cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu đủ sức tháo gỡ rốt ráo các vướng mắc trong quy trình phân bổ để vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được đưa về các địa phương sớm nhất.
Các chuyên gia kiến nghị, Bộ Y tế sớm rà soát, thống kê nhu cầu của các địa phương, cân đối với nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế để đặt hàng 10 loại vaccine có khả năng sản xuất trong nước và thực hiện phân bổ ngay cho các địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương tiêm bổ sung, tiêm vét cho các đối tượng nguy cơ cao, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan.
Thiết nghĩ, để bảo đảm nguồn vaccine tiêm chủng ổn định, lâu dài, Chính phủ cần sớm sửa đổi quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để bảo đảm báo kinh phí mua vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghich-ly-thieu-vaccine-post470637.html