Nghịch lý trái cây dư thừa, doanh nghiệp 'đói' nguyên liệu

Trái cây tươi theo mùa vụ nên không tiêu thụ được thì ế ẩm, rớt giá, tuy nhiên việc tìm nguyên liệu đáp ứng 100% công suất của các nhà máy sơ chế, chế biến lại đang là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây. Nếu không có giải pháp để tháo gỡ tình hình này thì cả người nông dân và doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn, kìm hãm sự phát triển của ngành trái cây Việt Nam.

Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu, cho biết doanh nghiệp này chuẩn bị đưa vào vận hành nhà máy sơ chế sầu riêng lớn ở tỉnh Đắk Lắk, song lo ngại nhất là khi vận hành thì bị thiếu nguyên liệu.

Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu

Công ty Chánh Thu mong muốn sắp tới riêng tỉnh Đắk Lắk cố gắng cung cấp khoảng 3.000 tấn sầu riêng, dù nhu cầu của doanh nghiệp lên tới 10.000 tấn.

Nhu cầu của thế giới với trái chanh leo rất lớn, song doanh nghiệp xuất khẩu cho biết không có đủ nguyên liệu để sơ chế, chế biến.

Nhu cầu của thế giới với trái chanh leo rất lớn, song doanh nghiệp xuất khẩu cho biết không có đủ nguyên liệu để sơ chế, chế biến.

Bà Vy chia sẻ, trước khi doanh nghiệp xây dựng nhà máy đã đến các tỉnh tham khảo mức giá thị trường, chi phí đầu tư của người dân để đưa ra mức giá cố định hợp tác thu mua sầu riêng trong vòng 4-10 năm. Tuy nhiên, để tìm đủ số lượng nguyên liệu là không đơn giản.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, bà Vy kiến nghị tỉnh Đắk Lắk cũng như các địa phương giúp doanh nghiệp trong quá trình tập dần cho nông dân liên kết bền vững với doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho doanh nghiệp, bởi nhà máy của Chánh Thu có thể chế biến, làm đông lạnh hay sấy cho sầu riêng, chanh dây, bơ...

Trong khi nhà máy lo thiếu nguyên liệu thì thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trái sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk cũng khá "thăng trầm" trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra, như loại sầu riêng hàng hột giá xuống thấp 7.000 - 10.000 đồng/kg.

Rõ ràng, qua câu chuyện này thấy đang có một "khoảng trống" trong việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, cũng như vai trò của Nhà nước trong phát triển vùng nguyên liệu trái cây, chủng loại và số lượng đạt chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh Long Tầm Vu (Châu Thành, Long An), cho biết lợi ích từ liên kết với doanh nghiệp đã giúp việc tiêu thụ thanh long của HTX không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Hiện, HTX có diện tích 70ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

"Đợt dịch vừa qua, thông qua hợp đồng, doanh nghiệp thu mua thanh long với giá trung bình 20.000 đồng/kg để chế biến và xuất khẩu", ông An nói.

Lợi ích từ việc xây dựng chuỗi nông sản rất lớn, song vì sao ngành trái cây chưa phát triển được điều này? Từ góc nhìn của người trồng trọt, ông An cho rằng có một phần lý do từ phía doanh nghiệp. "Có những doanh nghiệp rất tập trung vào việc xây dựng vùng trồng, song cũng có nhiều doanh nghiệp chấp nhận phương án "ăn xổi" - nghĩa là đến vụ sẽ đến hỏi mua của nông dân với giá rất rẻ chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, không thể bảo đảm lãi cho thành viên.

“Hiện, rất nhiều mô hình trồng thanh long và trái cây theo quy mô lớn nên doanh nghiệp thực sự có nhu cầu thì kết ký hợp đồng với HTX. HTX có thể liên kết với các HTX khác để đáp ứng từ tiêu chuẩn VietGAP đến GlobalGAP với số lượng từ vài trăm tấn đến hàng nghìn tấn”, ông An khẳng định.

Sự phối hợp giữa các bên

Trong khi đó, chia sẻ với VnBusiness, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho hay việc xây dựng vùng nguyên liệu trước khi xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến trái cây là hướng đi bền vững, lâu dài của doanh nghiệp. Thị trường thế giới ngày càng khắt khe, dù làm hàng chế biến hay hàng tươi thì trái cây cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Dẫn chứng từ kinh nghiệm của công ty, ông Tùng cho biết Vina T&T quyết định đặt nhà máy sơ chế thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), giáp ranh tỉnh Long An - cũng là vùng trồng thanh long rất lớn. Công ty đặt nhà máy nhãn ngay tại Cai Lậy (Tiền Giang) - giáp vùng trồng nhãn lớn ở Vĩnh Long, Đồng Tháp...

"Nói chung, doanh nghiệp đặt nhà máy ở đâu thì phải đảm bảo xây dựng vùng nguyên liệu ở đó, liên kết với người nông dân từ khâu giống, tiêu chuẩn kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm đầu ra", ông Tùng nhấn mạnh.

Phân tích trường hợp của trái chanh leo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafood Group, nhìn nhận trái chanh leo Việt Nam với xuất phát điểm từ con số 0 ở thị trường nước ngoài, giờ đã được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến, kim ngạch xuất khẩu thu về khoảng 200 triệu USD mỗi năm, cho thấy tiềm năng của trái chanh leo của Việt Nam còn rất lớn. Theo đó, ngoài xây dựng vùng nguyên liệu, Nafood Group cũng đã tập trung vào công tác nghiên cứu giống chanh leo, giúp phát triển bền vững cây chanh leo.

Tuy nhiên, ông Hùng mong muốn làm sao các tỉnh cần có quỹ đất quy hoạch để phát triển vùng nguyên liệu như chanh leo, dứa... Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây cũng không nên cạnh tranh trực tiếp với nhau ở thị trường trong nước, mà nên tập trung vào việc đẩy mạnh xuất khẩu, đi kèm với nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Trước phản ánh của các doanh nghiệp, đại diện các địa phương như Đắk Lắk, Lâm Đồng khẳng định trong thời gian tới sẽ có chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp chế biến trái cây, cũng như doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để khai thác hết tiềm năng của địa phương về nông sản.

Cụ thể, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, tỉnh này có lợi thế về bơ, sầu riêng, nếu doanh nghiệp cam kết đầu tư, địa phương sẽ có chính sách mở rộng vùng trồng, cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.

Còn theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, do thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương chưa gặp nhau nên mới xảy ra tình trạng trái cây dư thừa, còn doanh nghiệp thì thiếu nguyên liệu. Vì vậy cần phải có chiến lược lâu dài trong phát triển vùng nguyên liệu từ giống, chế biến xuất khẩu gắn với phát triển vùng nguyên liệu; đồng thời thông tin rõ hơn về quy hoạch sản xuất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết Bộ NN&PTNT đang xây dựng các dự án quy hoạch vùng nguyên liệu đi kèm với hỗ trợ giống, quy trình trồng trọt, chương trình khuyến nông để giúp các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang triển khai 5 vùng nguyên liệu lớn gắn với công tác khuyến nông cơ sở hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Tùng

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)

Bộ NN&PTNT đang xây dựng bản đồ trái cây Việt Nam. Ví dụ với thanh long, bản đồ này sẽ có các thông tin như thu hoạch trái thanh long ở chỗ nào, diện tích, sản lượng, chất lượng ra sao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường nào. Bản đồ trái cây Việt Nam được hình thành trong tương lai, quản lý, quản trị vùng trồng, cung cấp cho doanh nghiệp trước mùa thu hoạch 3 - 6 tháng. Để xây dựng được bản đồ này, các Sở NN&PTNT cần hợp tác với Bộ để có cơ sở dữ liệu. Bản đồ thường xuyên được cập nhật, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng

Chủ tịch HĐQT CTCP Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam

Bên cạnh việc xuất khẩu, lộ trình của doanh nghiệp sẽ mở 1.000 điểm bán hàng phân phối nông sản tại Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp sẵn sàng mở nhà máy chế biến, quan trọng là địa phương có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi nhà máy xây dựng cũng như đi vào hoạt động. Chúng tôi cũng cần các thông tin về sản lượng, mùa vụ để có kế hoạch thu mua bao tiêu cụ thể, tránh việc doanh nghiệp cứ phải đi tìm nhỏ lẻ từng đầu mối.

Ông Đặng Phúc Nguyên

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Bất cập của vùng nguyên liệu trái cây Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún. Điều này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển. Đơn cử như Tây Nguyên, do địa hình đồi dốc nên việc trồng các loại quả có vỏ mỏng sẽ không phù hợp, vì vận chuyển có thể xảy ra hỏng, dập nát, thiệt hại cho doanh nghiệp. Nói như vậy để thấy việc xây dựng vùng nguyên liệu là rất quan trọng để phát triển loại trái cây phù hợp lợi thế địa phương, nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này tránh được thua lỗ không đáng có cho doanh nghiệp cũng như người nông dân.

Lê Thúy - Như Yến

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nghich-ly-trai-cay-du-thua-doanh-nghiep-doi-nguyen-lieu-1081740.html