Nghịch lý trong dịch bệnh

Từ đầu đại dịch, tôi vẫn hồ nghi rằng, virus Sars-CoV-2 vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng mà không bị phát hiện.

Có vô số đặc tính của con virus, như thời gian ủ bệnh 14 ngày, 80% người nhiễm không có triệu chứng, hệ số lây lan R0 cao, cộng với năng lực xét nghiệm yếu kém và giá xét nghiệm đắt đỏ... làm cho nó trở nên không ngăn cản được.

Thi thoảng, chúng ta phát hiện ra ca dương tính là do bệnh nhân tìm đến bệnh viện chứ không phải do xét nghiệm trong cộng đồng mà ra.

Cho đến tháng 5 vừa rồi, Bộ Y tế công bố một dữ liệu giải đáp cho luận điểm này. Sau khi xét nghiệm các mẫu virus do các địa phương gửi về thời điểm đó, Bộ Y tế công bố Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2, bao gồm các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.

Cần mua ngay test kháng nguyên rộng rãi trong các cơ sở y tế tư nhân và y tế công, kể cả các hiệu thuốc, dù độ nhạy không cao nhưng dù sao cũng tầm soát được khoảng 70%

Cần mua ngay test kháng nguyên rộng rãi trong các cơ sở y tế tư nhân và y tế công, kể cả các hiệu thuốc, dù độ nhạy không cao nhưng dù sao cũng tầm soát được khoảng 70%

Tức là nhiều chủng virus đã âm thầm lây lan trong cộng đồng cho đến trước khi có làn sóng dịch thứ 4?

Nếu Bộ Y tế lập được cơ sở dữ liệu để trả lời câu hỏi này thì tốt biết bao nhiêu.

Cho đến nay, dù không mong muốn, có thể khẳng định đợt bùng phát này là nặng nề hơn các lần trước rất nhiều, trong đó do năng lực xét nghiệm đã được nâng cấp vượt trội.

Virus chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan rất nhanh, hơn 60% so với chủng Anh, liệu cách chữa bệnh truyền thống truy vết, cách ly có còn hiệu quả? Và quan trọng hơn, sau hơn một năm rưỡi mòn mỏi, sức khỏe kinh tế của người dân và doanh nghiệp có còn đủ để chịu đựng cách chữa bệnh truyền thống đó?

Làm sao hệ thống y tế có thể lo hết cho F0, F1 được khi số lượng nhiều lên hàng ngày?

Chắc chắn, trong cộng đồng có nhiều F0 “câm” không được phát hiện vì không có triệu chứng. Tốt nhất hãy để các F0 “câm” tự phát hiện và bảo vệ cho người thân của họ bằng cách để họ tự xét nghiệm, bên cạnh việc nhà nước xét nghiệm.

Cần mua ngay test kháng nguyên rộng rãi trong các cơ sở y tế tư nhân và y tế công, kể cả các hiệu thuốc, dù độ nhạy không cao nhưng dù sao cũng tầm soát được khoảng 70%.

Bán tự do và rộng rãi các test nhanh này, như Singapore, Anh đã làm. Khi đó người dân tự kiểm tra sức khỏe. Khi biết dương tính họ sẽ đến cơ sở y tế để check lại bằng xét nghiệm RT-PCR, hoặc ít ra họ cũng sớm tránh tiếp xúc với người thân, hạn chế lây lan.

Trong trường hợp nếu họ không vào cơ sở y tế vì không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì cũng không sao vì họ sẽ tự cách ly với người thân theo khuyến cáo. Chúng ta có muốn lo hết cho F0 nhẹ, F1 cũng không làm nổi rồi. Vậy hãy huấn luyện người dân một cách quy mô và rõ ràng.

Việc tự xét nghiệm đơn giản như vậy, nên để người dân tự xét nghiệm.

Riêng các cơ sở y tế hiện nay không thể tránh việc F0 vào khám và nằm viện. Nếu cứ phong tỏa hết các bệnh viện, các khoa thì chính người bệnh và thân nhân lại lao đao, khổ sở nhất. Vậy tất cả những bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám đều bắt buộc làm test nhanh, để phân luồng sớm ngay từ đầu trước khi vào gặp nhân viên y tế, trừ khi bệnh nhân vào cấp cứu thì làm ngay tại khoa Cấp cứu.

Nếu được thì đăng ký mua máy test hơi thở của Singapore để phát hiện F0 nhanh, với độ nhạy và đặc hiệu cao lên đến trên 90%, trang bị cho tất cả các bệnh viện công, cơ sở y tế tư cũng có thể mua được.

Cơ sở y tế tư nhân dư sức mua và dân TP.HCM sẵn sàng trả tiền cho các test nhanh và test hơi thở kiểu này.

Một bác sỹ ở TP.HCM nhắn, mỗi ngày bình thường, 1 bệnh viện lớn ở TP.HCM có vài nghìn bệnh nhân đến khám. Từ khi dịch Covid-19 tung hoành, số bệnh nhân giảm còn 30-50%, và hàng trăm phòng khám tư nhân hoạt động cầm chừng.

Vậy là mỗi ngày có hàng chục ngàn người đã không được khám chữa; có nhiều di chứng từ việc đó mà không ai thống kê.

Trong khi suốt 1 năm rưỡi qua chỉ có 94 người chết liên quan Covid (tính đến 18h ngày 6/7), trong đó tới hơn 90% là có bệnh nền. Vậy, vị bác sỹ nhắn hỏi, công bằng ở đâu cho các bệnh nhân khác?

Mỗi giai đoạn chống dịch cần có một ưu tiên và chiến lược khác nhau. Trước đây chiến lược của chúng ta là đúng và thích hợp khi số ca nhiễm ít, nên đạt được những thành tựu đáng kể; nhưng gần đây tình hình mới đòi hỏi cách làm mới.

Ở một số nước EU, họ phong tỏa khi số giường bệnh gần hết để bảo vệ hệ thống y tế không bị quá tải, sụp đổ.

Còn ở ta, triết lý của phong tỏa là gì? Vì sao lại đưa tất cả F0, mà 80% trong số đó không có triệu chứng, vào viện? Vì sao có 1 F0 vô tình đến viện là bắt các bác sỹ, y tá là F1 đi cách ly tập trung, bắt bệnh viện đó đóng cửa?

Cách làm này chẳng mấy chốc làm hỏng hệ thống y tế, tước đoạt cơ hội chữa bệnh của các bệnh nhân khác, mà nhiều người không được điều trị kịp thời thì không sống được.

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nghich-ly-trong-dich-benh-covid-19-753487.html