Nghịch lý trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay có một nghịch lý đang tồn tại, đó là nông dân, HTX đang nỗ lực tuân thủ chặt chẽ các quy trình canh tác GlobalGAP, hữu cơ để nông sản đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất trong nước và quốc tế, thì vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp lại đang trong tình trạng 'hiếm có và khó quản lý'.

Tại tọa đàm trực tuyến: Sản xuất rau hữu cơ - khó hay dễ? tổ chức ngày 18/7, ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Bái Thượng (Sóc Sơn, Hà Nội), cho biết đầu vào sản xuất rau hữu cơ, trong đó có phân hữu cơ đang là vấn đề đau đầu với HTX.

Áp lực tìm nguồn phân bón

Hiện, HTX chủ yếu phải tự ủ phân từ nguồn phân chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp. Nhưng yêu cầu trong ủ phân của tiêu chuẩn hữu cơ PGS Việt Nam hiện nay là không được lấy nguồn từ mô hình chăn nuôi công nghiệp. Trong khi phân trong chăn nuôi hữu cơ thì rất hiếm.

Ngay việc mua phân bón đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ cũng rất hiếm vì hiện HTX đang sử dụng 1 loại thuốc của doanh nghiệp ở Sơn La nhưng doanh nghiệp này đã tạm dừng bán loại này. HTX cũng không được tự ý mua phân hữu cơ từ bên ngoài, phải xin ý kiến từ ban điều phối tư vấn.

“Ngay việc điều chế thuốc thảo mộc cũng rất vất vả. Nhiều lúc HTX phải mua ốc về điều chế phân, thuốc bón cho rau”, ông Hoàng Văn Hưng cho biết.

Thành viên HTX Bái Thượng thu hoạch nông sản.

Thành viên HTX Bái Thượng thu hoạch nông sản.

Có thể thấy, các HTX hiện nay rất khó tiếp cận các loại phân, thuốc hữu cơ bán trên thị trường. Phần lớn các HTX sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ phải tự sản xuất phân bón hoặc tự điều chế thuốc trừ sâu theo phương pháp thủ công để xua đuổi bướm, tiêu diệt ổ sâu non.

Ths. Bùi Khánh Tùng, chuyên gia cao cấp chuỗi giá trị dự án Biotrade, cho biết hiện nay, tùy thuộc vào nguồn lực tài chính của mỗi đơn vị nhưng nguồn phân các farm từ tư nhân đến các HTX này sử dụng từ nguồn tự ủ chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 70-80%. Điều này một phần vì quá trình sản xuất rau màu, chăn nuôi sẽ có nhiều phụ phẩm thải ra nên HTX, doanh nghiệp có thể dùng để ủ, tái sử dụng làm phân. Lượng phân ủ này chủ yếu sử dụng để bón lót, cải tạo đất.

Còn lại khoảng 20-30% thuốc là được các đơn vị mua trên thị trường. Những loại phân này chủ yếu là được nhập khẩu và sử dụng vào khâu bón thúc (đẻ nhánh, ra hoa).

Bao giờ chủ động được vật tư?

Có thể thấy, phần lớn nguồn phân bón phục vụ sản xuất từ HTX hiện nay vẫn là dùng phân tự ủ. Theo giám đốc HTX Bái Thượng, điều này là rất đáng lo ngại. Vì với HTX hiện nay, việc thu mua, tìm kiếm nguồn phân từ các trang trại về tự ủ có thể đủ để đáp ứng cho việc sản xuất 3,1 ha rau hữu cơ. Nhưng nếu sau này, HTX mở rộng diện tích thì chưa chắc nguồn phân tự ủ có thể đủ để phục vụ sản xuất. Trong khi ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất được phân, thuốc hữu cơ đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất ít. Nguồn phân, thuốc nhập khẩu cũng có hạn và giá cao hơn.

Xét về mặt yêu cầu, các tiêu chuẩn hữu cơ trong nước và trên thế giới hiện nay quy định rất nghiêm ngặt về mặt vật tư đầu vào. Nếu các HTX không thể đáp ứng được các điều kiện về mặt phân, thuốc sẽ rất khó duy trì và mở rộng sản xuất.

Cụ thể như trong việc tự ủ phân bón, quy định hữu cơ Mỹ yêu cầu, đơn vị sản xuất không được sử dụng bùn thải là thành phần ủ phân vì chứa nhiều hóa chất lắng đọng lâu ngày. Hay trong nguồn giống, tiêu chuẩn hữu cơ Nhật Bản yêu cầu không được sử dụng giống cấy mô, trừ giống nuôi cấy mô trong môi trường tự nhiên.

Quy định nghiêm ngặt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất hữu cơ hiếm, trong khi thực tế tình trạng giả mạo, tư vấn không đúng nguyên tắc sản xuất của nhiều đơn vị kinh doanh, phân phối phân bón, thuốc trừ sâu khiến nông dân, HTX càng gặp khó khăn trong đảm bảo đúng các nguyên tắc của các chứng nhận.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết không ít cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp hiện nay hoạt động dưới hình thức hộ gia đình, không có bảng biển, địa điểm bán cố định. Do đó, tình trạng bát nháo trong sản xuất, kinh doanh vật tư diễn ra.

Còn trong quy định của Luật Trồng trọt 2018 và Nghị định 84/2019/NĐ-CP, các đơn vị kinh doanh vật tư đầu vào phải đáp ứng nhiều quy định nghiêm ngặt từ tư cách pháp nhân, địa điểm sản xuất, công nghệ, thiết bị, thử nghiệm, kiểm tra chất lượng, năng lực…

Bên cạnh đó, có những đơn vị kinh doanh phân bón tư vấn cho HTX những loại phân có gốc Nano là đủ điều kiện phục vụ sản xuất hữu cơ. Nhưng về mặt nguyên tắc, Nano không được dùng trong sản xuất hữu cơ vì việc hình thành được ra các chất có gốc Nano thường phải trải qua quá trình hóa học. “Còn vật chất Nano thông thường, được hình thành trong điều kiện tự nhiên thì rất hiếm, khó có thể đảm bảo phục vụ sản xuất trên quy mô lớn”, Ths. Bùi Khánh Tùng lý giải.

Để giải quyết vấn đề khó khăn về phân thuốc, các chuyên gia cho rằng hiện Nhà nước đã có Quy định 5190/QĐ-BNN-BVTV phê duyệt về đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Nên về tương lai, có thể vấn đề sản xuất kinh doanh và sử dụng phân hữu cơ sẽ rộng rãi, phổ hiến và thuận lợi hơn.

Điều quan trọng hiện nay là cần nâng cao năng lực quản lý vấn đề kinh doanh vật tư nông nghiệp và chú trọng hướng dẫn HTX tự ủ phân theo đúng quy trình. Hiện nhiều HTX sản xuất hữu cơ đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kết nối với một số trường, trong đó có Trường cấp 3 Nông nghiệp theo mô hình Nhật Bản (Nam Định) để giải quyết bài toán đảm bảo chất lượng nguồn phân tự ủ cũng như nâng cao kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nghich-ly-trong-san-xuat-nong-nghiep-huu-co-1101149.html