Nghịch lý về chăm sóc sức khỏe ban đầu

Cà Mau là một trong những tỉnh có tỷ lệ bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ðiều đó cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng, thời gian qua, việc các trạm y tế, phòng khám khu vực xuống cấp, cùng với các phòng khám tư nhân tăng lên, đã kéo theo lượng bệnh ở các cơ sở này giảm mạnh.

Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Y tế, thừa nhận: “Ðáng lo ngại là lượt khám, chữa bệnh (KCB) những tháng đầu năm tại các trạm y tế giảm sâu, có nơi giảm khoảng 80% so với cùng kỳ. Sở Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế huyện và tiến hành kiểm tra một số nơi, tìm hiểu nguyên nhân, để có những biện pháp, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời”.

Lượng bệnh tới khám giảm sâu

Trạm Y tế xã Khánh Lộc là một trong số cơ sở y tế của huyện Trần Văn Thời hiện đang trong tình trạng xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả thời gian qua. Ðược biết, trạm được xây dựng mới và đưa vào hoạt động năm 2009, có 13 phòng chức năng với 5 giường bệnh, năm 2013 trạm được đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị y tế. Lực lượng y, bác sĩ tại đây có 6 người, gồm 1 bác sĩ đa khoa, 2 y sĩ, 2 hộ sinh cao đẳng và 1 dược sĩ cao đẳng, đáp ứng được yêu cầu công tác KCB cho Nhân dân trên địa bàn.

Trạm Y tế xã Khánh Lộc đã được xây dựng và đi vào hoạt động 15 năm.

Trạm Y tế xã Khánh Lộc đã được xây dựng và đi vào hoạt động 15 năm.

Tuy nhiên, qua 15 năm, đến nay cơ sở vật chất Trạm Y tế xã Khánh Lộc đã xuống cấp trầm trọng, chưa được duy tu, sửa chữa; một số tài sản cố định, trang thiết bị, công cụ, dụng cụ đã lạc hậu, hao mòn, không còn giá trị, không đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân. Kéo theo đó, tổng số lượt khám bệnh năm 2023 của trạm chỉ gần 3.900 lượt, đạt 43,07% kế hoạch. Riêng từ đầu năm đến nay chỉ ghi nhận trên 280 lượt, giảm gần 60% so với cùng kỳ.

Bác sĩ Kim Ðức, Phó trưởng trạm Y tế xã Khánh Lộc, trần tình: “Thực trạng này đã kéo dài từ năm 2018 đến nay. Hiện trạm chỉ còn mấy tủ đựng thuốc, dụng cụ. Còn các loại máy móc như: siêu âm, điện tim, xét nghiệm sinh hóa đã hư và cho vào kho. Bà con đến khám chủ yếu khám ngoại trú; rất ít lượng bệnh, do từ xã lên tuyến huyện chỉ có 3 km, các phòng khám tư nhân lại mở ra nhiều”.

Các máy móc, thiết bị y tế ở Trạm Y tế xã Khánh Lộc hầu như đã cất hết trong kho.

Các máy móc, thiết bị y tế ở Trạm Y tế xã Khánh Lộc hầu như đã cất hết trong kho.

Không chỉ riêng Trạm Y tế xã Khánh Lộc, nhiều trạm y tế khác, các phòng khám đa khoa khu vực của huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng trong tình trạng tương tự. Bác sĩ Tô Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, bộc bạch: “Tình hình hoạt động trạm y tế cũng như các phòng khám đa khoa khu vực tại các xã, thị trấn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Ðặc biệt là Phòng khám Ða khoa khu vực Sông Ðốc xuống cấp trầm trọng cần được xây dựng mới. Các trạm y tế gần trung tâm huyện như: Trạm Y tế thị trấn Trần Văn Thời, Trạm Y tế xã Khánh Lộc, cũng xuống cấp, lượng bệnh giảm nhiều hơn nơi khác. Ngoài ra, huyện có 3 phòng khám tư nhân, chia sẻ lượng bệnh ở các trạm y tế”.

Thiết bị hiện đại nhưng khó vận hành

Nói về thiết bị, máy móc phục vụ công tác KCB, Bác sĩ Lành chia sẻ: “Hiện nay hầu như máy móc khám cận lâm sàng không còn hoạt động được nữa. Ngoài khám chữa bệnh thông thường, trạm y tế chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chương trình mục tiêu y tế về dân số, công tác phòng chống dịch trên địa bàn, thực hiện các chương trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Do vậy, mặc dù hầu như các trạm đều phủ kín bác sĩ, ít nhất mỗi trạm có 1 bác sĩ, một số đơn vị từ 2-3 bác sĩ, nhưng vẫn không thu hút được bệnh nhân”.

Lượng bệnh ít, kéo theo kinh phí hoạt động cũng eo hẹp hơn. Bác sĩ Lành bộc bạch: “Các đơn vị thuộc nhóm 3, tự chủ 13%, chủ yếu ngân sách cấp lương và các phụ cấp kèm theo. Ngoài ra, chi cho mỗi đơn vị 3 triệu đồng/tháng tiền hoạt động. Còn lại các chi phí khác lấy từ hoạt động bảo hiểm y tế của các đơn vị tự chủ. Riêng 2 đơn vị, Trạm Y tế thị trấn Trần Văn Thời và Trạm Y tế Khánh Lộc, thì chuyển nguồn chung để hỗ trợ tiếp cho 2 đơn vị này".

Dược sĩ Lê Văn Viễn, nhân viên Trạm Y tế xã sắp xếp lại lượng thuốc ít ỏi tại Trạm Y tế xã Khánh Lộc.

Dược sĩ Lê Văn Viễn, nhân viên Trạm Y tế xã sắp xếp lại lượng thuốc ít ỏi tại Trạm Y tế xã Khánh Lộc.

Ðặc biệt, 2 phòng khám đa khoa khu vực Sông Ðốc và Khánh Bình Tây, thực hiện theo Nghị quyết 07 của HÐND tỉnh, phân bổ kinh phí theo giường bệnh. Chẳng hạn, 2 phòng khám có 80 giường bệnh, mỗi giường bệnh phân bổ 40 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 3,2 tỷ đồng, không đủ để chi trả lương và phụ cấp cho 2 phòng khám này.

Ðây cũng là vấn đề khó khăn chung, từ đó ảnh hưởng đến công tác KCB trên địa bàn, người dân cũng không mặn mà đến KCB ban đầu tại tuyến cơ sở. Ông Dư Minh Hùng phân tích: “Trước đây có Dự án AP đầu tư các trang thiết bị rất cơ bản cho các trạm y tế, nhưng các trang thiết bị này rất khó vận hành. Ví dụ như, đối với máy xét nghiệm sinh hóa, ở các xã rất ít bệnh nhân, nếu mua hóa chất, dung dịch để sử dụng thì phải dùng hết, mà chi phí trả cho ca xét nghiệm rất thấp, nên các trạm y tế không dám làm, dẫn đến không sử dụng, lâu ngày các trang thiết bị này gần như bỏ không. Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trung tâm Y tế huyện rà soát nhu cầu các trạm y tế, từng khu vực cần thiết sử dụng thiết bị nào thì mua sắm đúng thiết bị đó, không tràn lan”.

Một vấn đề khác cũng được ông Dư Minh Hùng chia sẻ, trong năm 2023, cuối năm mới đấu thầu thuốc xong, dẫn đến câu chuyện có một thời gian gián đoạn về thuốc, không cung cấp kịp thời cho các trạm y tế. Công tác dự phòng, dự trữ của trạm cũng hạn chế nên dẫn đến việc thiếu thuốc cục bộ.

“Chủ trương là tăng cường tuyến y tế cơ sở, do đó, không thể để trạm y tế càng ngày đi xuống, cần có sự chỉ đạo điều chỉnh kịp thời”, ông Hùng mong muốn./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/nghich-ly-ve-cham-soc-suc-khoe-ban-dau-a32985.html