Nghiêm cấm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc

Quốc hội vừa thông qua Luật Kiến trúc, quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc, trong đó có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chiều nay (13/6), Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc, với 88,64% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Luật gồm năm Chương và 41 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trong đó quy định ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.

Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc vào chiều 13/6/2019

Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc vào chiều 13/6/2019

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiến trúc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng nêu rõ: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, thể hiện cụ thể hơn; bổ sung chủ thể thực hiện quản lý nhà nước về kiến trúc.

UBTVQH nhận thấy ý kiến nêu trên là xác đáng và đã tiếp thu, chỉnh sửa Điều 1 dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể các đối tượng điều chỉnh. Theo đó, Luật này quy định về hoạt động quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc, ông Dũng cho hay.

Có ý kiến ĐBQH đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm quản lý phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc dân tộc Việt Nam.

UBTVQH nhận thấy, phạm vi điều chỉnh thể hiện trong Điều 1 của dự thảo Luật đã bao quát được 02 nhóm chính sách là Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 đã đặt ra khi xây dựng Luật này. Đối với quy định mang nội hàm phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc dân tộc là những nội dung quan trọng, UBTVQH đã tiếp thu và thể hiện trong một số điều, khoản của dự thảo Luật (Điều 4, 5, 6…).

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc với tỷ lệ 429/442 đại biểu có mặt tán thành, đạt 88,64% trên tổng số ĐBQH.

Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Kiến trúc với tỷ lệ 429/442 đại biểu có mặt tán thành, đạt 88,64% trên tổng số ĐBQH.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Về đối tượng áp dụng, Luật Kiến trúc được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Đáng chú ý, Luật Kiến trúc giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để quy định về bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong hoạt động trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Quy chế, UBND cấp tỉnh căn cứ nội dung về bản sắc văn hóa dân tộc trong định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, nếu thấy cần thiết sẽ xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.

Luật Kiến trúc cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia; lợi ích quốc gia; lợi ích dân tộc; trật tự xã hội; môi trường sống; quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đưa, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật Nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giấy phép xây dựng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc…/.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nghiem-cam-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-trong-hoat-dong-kien-truc-920659.vov