Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học 'Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận'
Ngày 30/7, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học 'Nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận'.
Lâm Đồng là vùng sản xuất khoai tây lớn thứ 2 của cả nước (sau Vùng đồng bằng Sông Hồng) với diện tích dao động từ 1.200 ha - 1.500 ha, năng suất trung bình 17 - 18 tấn/ha. Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, tại đây khoai tây có thể được sản xuất quanh năm với các giống chủ yếu hiện nay là Utatlan (07) được nhập nội, giống PO3, Atlantic do Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau, Hoa khảo nghiệm, chọn lọc. Các giống này tỏ ra khá phù hợp với điều kiện sản xuất tại Lâm Đồng với tiềm năng năng suất cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng (giống 07, PO3) và cho chế biến (giống Atlantic). Tuy nhiên, khoai tây vẫn chỉ được tập trung sản xuất trong mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) với nguyên nhân: do bệnh hại khá lớn, nhất là bệnh mốc sương, sản xuất vào mùa mưa phải đầu tư lớn để kiểm soát bệnh, rủi ro cao; do thiếu những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh để tổ chức sản xuất trong mùa mưa. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra, việc nghiên cứu chọn tạo giống khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh mốc sương có thể sản xuất quanh năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận là rất cần thiết, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có thể trồng trong thời gian mùa mưa (tháng 6 - 12), hạn chế khoai tây Trung Quốc tràn vào Đà Lạt.
Sau 3 năm nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) do ThS. Nguyễn Thế Nhuận làm chủ nhiệm đề tài đã tiến hành: Nhân nhanh tổng cộng 21.600 cây giống khoai tây nuôi cấy mô, 37.500 củ giống G1 và 12.700 kg củ giống G2 các dòng giống khoai tây đảm bảo chất lượng phục vụ công tác khảo sát, khảo nghiệm cơ bản, khảo nghiệm sản xuất và xây dựng mô hình. Tiến hành khảo sát, đánh giá từ 182 dòng chọn C1 và C2; chọn lọc ra 10 dòng chọn C3 triển vọng có các đặc tính nông sinh học phù hợp cho thị trường ăn tươi như: dạng củ đẹp, da láng mịn, mắt nông, vỏ củ màu hồng và vàng, thịt củ vàng, trung bình đạt 8 - 10 củ/cây, các dòng chọn có khả năng kháng mốc sương từ khá, năng suất cao, tỷ lệ củ thương phẩm cao, hàm lượng chất khô đạt 18 – 19%. Tiến hành khảo nghiệm cơ bản trong 3 vụ tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương đã xác định được giống khoai tây TK15.80 được lai tạo từ 2 giống bố mẹ là CIP10 và Utatlan (07), có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, trung bình khảo nghiệm cơ bản trong 3 vụ tại Lâm Đồng đạt 27,7 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng (07) 17,1%; trung bình khảo nghiệm sản xuất trong 2 vụ đạt 25,4 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 19,6%. Doanh thu đạt 254,2 triệu đồng, lợi nhuận đạt 146,2 triệu đồng, cao hơn giống đối chứng 39,8%.
Giống khoai tây TK15.80 có khả năng kháng bệnh mốc sương tốt, có thể sản xuất được quanh năm tại các vùng sản xuất khoai tây chính của tỉnh: Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng (trong khi giống đối chứng 07 đang được sản xuất phổ biến tại Lâm Đồng chỉ trồng được trong điều kiện mùa khô). Giống khoai tây TK15.80 có đặc điểm vỏ củ màu hồng, dày, khó trầy xước, thịt củ màu vàng, mắt nông, hình dạng củ dẹp nên có giá bán trung bình cao hơn khoai tây có vỏ màu vàng tại Lâm Đồng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giống TK15.80 đã được Bộ NN&PTNT quyết định cho sản xuất thử; quy trình kỹ thuật canh tác giống khoai tây TK15.80 được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam công nhận cấp cơ sở. Xây dựng 3,28 ha mô hình sản xuất khoai tây TK15.80 tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, năng suất trung bình đạt 27,65 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng 16,3%, hiệu quả kinh tế cao hơn 27,5%. Đã tổ chức tập huấn giới thiệu giống mới, kỹ thuật canh tác cho 67 lượt nông dân, hội nghị đầu bờ cho 82 lượt nông dân tại mô hình sản xuất khoai tây giống mới TK15.80. Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau & Hoa cho biết, qua quá trình trồng khảo nghiệm, hội thảo đầu bờ, nhận thấy những đặc tính ưu việt của giống khoai tây T15.80, đã có 16 hộ nông dân đặt mua 530 ngàn cây giống cho vụ sản xuất tới; Trung tâm đang thực hiện nhân giống để cung ứng cho bà con.
Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao những kết quả đạt được của đề tài, phương pháp nghiên cứu đạt độ chính xác khá cao, có giá trị ứng dụng, khả năng nhân rộng lớn, giống mới tạo ra được người nông dân đón nhận… Đồng thời, thắng thắn chỉ ra những thiếu sót nhỏ cần bổ sung; cần hoàn thiện quy trình nhân giống, quy trình sản xuất khoai tây thương phẩm từ giống mới; tiến hành sản xuất thử giống mới cấp nhà nước, hoàn tất thủ tục công bố giống mới để nhanh chóng nhân rộng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.