Nghiêm túc thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng chương trình giảng dạy

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, trong công tác kiểm tra, đánh giá học tập, kết quả rèn luyện của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo phòng chuyên môn, Hội đồng bộ môn tỉnh xây dựng các kế hoạch liên quan đến nội dung chương trình giảng dạy. Cùng với đó, thành lập Đoàn kiểm tra, đánh giá tại các đơn vị trường, tài liệu, giáo án liên quan đến hoạt động giảng dạy.

Giáo viên tham gia công tác coi thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Giáo viên tham gia công tác coi thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục Mầm non, mẫu giáo, Tiểu học, THCS, THPT, Giáo dục thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và nhiệm vụ về đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo định hướng tiếp cận năng lực. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc thực hiện đổi mới công tác kiểm tra đánh giá học sinh. Ban Giám hiệu, giáo viên các cơ sở giáo dục từ ngành học Mầm non, mẫu giáo đến cấp Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên xây dựng chi tiết các kế hoạch giảng dạy cụ thể của từng môn học gắn với kiểm tra, đánh giá việc tiếp thu kiến thức của học sinh.

Thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các cơ sở giáo dục trung học đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng tiếp cận năng lực học sinh, tập trung chuyển từ đánh giá kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Trong đó, bám sát mục tiêu cần đạt của từng môn học về kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh; áp dụng đa dạng các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá như: các hoạt động trên lớp; qua hồ sơ học tập, vở học tập; việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện Dự án học tập, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình, bài viết, bài trình chiếu, video clip...

Hiện nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường thực hiện đúng quy chế đánh giá, xếp loại học sinh; đảm bảo số lần kiểm tra thường xuyên, định kỳ, cuối kỳ; bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để ra đề kiểm tra. Đồng thời xác định nội dung kiểm tra dựa trên mục tiêu của từng bài học, từng chương và toàn bộ chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn học.

Đối với các kỳ thi kiểm tra chất lượng học kỳ, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Ban Giám hiệu các trường chỉ đạo, tổ chức chặt chẽ, đúng quy chế tất cả các khâu ra đề, coi, chấm bài kiểm tra, nhận xét đánh giá học sinh trong các kỳ kiểm tra; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Song song đó, các đơn vị trường thực hiện tốt việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học, đáp ứng chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bám sát nội dung sách giáo khoa kết hợp hợp lý các hình thức (tự luận và trắc nghiệm khách quan). Tăng cường xây dựng bộ câu hỏi, bài tập kiểm tra theo định hướng phát triển năng lực để bổ sung vào ngân hàng đề thi.

Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT đã ban hành các công văn phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm học. Theo đó, Đoàn công tác Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra, thanh tra công tác triển khai các hướng dẫn của Sở GD&ĐT về nội dung chương trình giảng dạy. Bên cạnh đó, các phòng chuyên môn trực thuộc Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tạo điều kiện cho giáo viên Tổ bộ môn, thành viên Hội đồng bộ môn dự tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy, ra đề kiểm tra đối với từng cấp học.

H.An

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/nghiem-tuc-thuc-hien-kiem-tra-danh-gia-chat-luong-chuong-trinh-giang-day-127270.aspx