Nghiện cờ bạc là một dạng rối loạn tâm thần
Theo các bác sĩ, nghiện cờ bạc, trò may rủi là một rối loạn tâm thần, có thể so sánh với nghiện rượu và ma túy.
Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó Trưởng phòng M7, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, nghiện cờ bạc hay trò chơi may rủi, là một rối loạn tâm thần có thể so sánh với nghiện rượu và ma túy.
Bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân tại Viện sức khỏe tâm thần.
Trong y học, rối loạn cờ bạc (đánh bạc bệnh lý/nghiện cờ bạc) là hành vi cờ bạc lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến các vấn đề cho cá nhân, gia đình và xã hội… Người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỷ lệ rối loạn nhân cách rất cao.
Theo bác sĩ Ngọc, người lớn và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn cờ bạc thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát cờ bạc của họ và tiếp tục ngay cả khi nó gây ra những vấn đề đáng kể.
“Cũng như các chứng nghiện khác, hệ thống tưởng thưởng của não bị rối loạn. Nghiện đánh bạc là sự thôi thúc để tiếp tục đánh bạc, không thể kiểm soát được, bất chấp số tiền phải trả cho trò chơi và những ảnh hưởng đến cuộc sống. Đặc biệt, rối loạn cờ bạc thường xảy ra đồng thời với các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn cảm xúc, lo âu và nhân cách. Điều này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - bác sĩ Ngọc nhấn mạnh.
Nữ bác sĩ phân tích, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có tỷ lệ rối loạn nhân cách rất cao, trên 60%; rối loạn cảm xúc khoảng 50%; rối loạn lo âu trên 40%. Bệnh nhân có thể được trị liệu tâm lý, điều biến não, liệu pháp hóa dược. Sau khi ra viện, họ cần được tái khám và hỗ trợ nhiều về mặt tâm lý từ gia đình và nhà trị liệu.
Đặc trưng của rối loạn cờ bạc là hệ thống cấu trúc và chức năng não bộ bị rối loạn, rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, cùng với sự tương tác giữa các yếu tố cá nhân, môi trường, gia đình và xã hội.
Bệnh nhân có 4 hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau: Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn; bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc; đã nhiều lần nỗ lực nhưng không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc; thường bận tâm đến cờ bạc; nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc...
"Những người mắc chứng rối loạn cờ bạc có thể kèm rối loạn ăn uống, giấc ngủ, tập luyện và các hành vi liên quan đến sức khỏe khác, từ đó dẫn đến kết quả tiêu cực về thể chất và tâm thần", bác sĩ Ngọc nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, cách phòng ngừa để không mắc rối loạn cờ bạc thì chỉ có một liệu pháp duy nhất là không chơi, không sa đà vào thú vui “đỏ - đen”. Và để phòng ngừa tái mắc cờ bạc bệnh lý, bệnh nhân cần phải cách ly khỏi các trò chơi cá cược. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp quan tâm của gia đình, nỗ lực của bản thân.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghien-co-bac-la-mot-dang-roi-loan-tam-than-166856.html