Nghiên cứu đưa 'hàng rào ảo AI' bảo vệ sau sự cố ngai vua triều Nguyễn bị bẻ gãy
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu sự dụng hệ thống 'hàng rào ảo' ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bảo vệ di sản sau sự cố ngai vua triều Nguyễn bị bẻ gãy.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau sự cố ngai vàng vua triều Nguyễn bị gã đản ông lẻn vào phá hoại, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế đến kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo.
Các đơn vị, cá nhân liên quan được yêu cầu báo cáo, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm trên tinh thần rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn công tác bảo vệ, trưng bày và tổ chức tham quan trong thời gian tới.
Với hiện vật bị hư hại, trung tâm thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá thực trạng, từ đó xây dựng phương án trình cơ quan có thẩm quyền xem xét để sửa chữa, bảo quản theo đúng quy định.
Về yếu tố con người, trung tâm sẽ tăng cường tập huấn kỹ năng, sử dụng các công cụ hỗ trợ, huấn luyện xử lý tình huống, giải pháp nhận diện các hành vi bất thường, phân luồng tham quan và phối hợp báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ nghiên cứu đưa hệ thống "hàng rào ảo" ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bảo vệ di sản sau sự cố bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn bị gã đàn ông lẻn vào bẻ gãy. (Ảnh: Lê Hoàng)
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, hiện khu vực điện Thái Hòa có hệ thống camera giám sát. Tuy nhiên, sau sự cố kể trên, Trung tâm sẽ tiếp xúc với đơn vị công nghệ để tìm hiểu những giải pháp.
Một trong những giải pháp mới đang được nghiên cứu là hệ thống "hàng rào ảo" ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hệ thống này sẽ khoanh vùng khu vực không được tiếp cận, nếu có người xâm nhập sẽ phát ra cảnh báo.
"Sau sự việc vừa qua, phương án này có thể được thí điểm ngay để đánh giá tính khả thi trước khi áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc thực hiện sẽ dựa trên tinh thần tận dụng tối đa hệ thống hiện có, tránh làm tràn lan, gây lãng phí và kém hiệu quả", lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định.
Việc bảo vệ hiện vật, bảo vật được thực hiện hàng chục năm nay, được kế thừa qua từng giai đoạn, với hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện. Mỗi loại hiện vật, bảo vật có quy trình bảo vệ riêng. Một số hiện vật, bảo vật quốc gia, định kỳ hàng tuần, cán bộ bảo tàng sẽ đến lau chùi, vệ sinh và theo dõi tình trạng để có phương án bảo quản phù hợp.

Phần tựa tay bên trái bị Tâm bẻ khỏi ngai và đập gãy thành 3 đoạn. (Ảnh: MXH)
Lực lượng bảo vệ tại đây không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ hiện vật, mà còn hướng dẫn du khách, tham gia vệ sinh và hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hoạt động. Khối lượng công việc lớn, khó tránh khỏi sai sót. Trước đây, bảo vệ được trang bị roi điện để thực hiện nhiệm vụ, nhưng sau nhiều năm, cơ quan chức năng đã thu hồi.
Roi điện thuộc nhóm công cụ hỗ trợ có quy định sử dụng chung, cần được tập huấn để bảo đảm an toàn, trung tâm đang xây dựng phương án, trình phê duyệt để trang bị.
Hiện tổng số bảo vệ di tích thường dao động khoảng 140 người. Đối với các khu vực không trọng yếu (không có hiện vật, cổ vật), đơn vị đấu thầu dịch vụ bảo vệ. Còn những khu vực trọng điểm, có bảo vật quốc gia, sẽ do lực lượng bảo vệ biên chế trực tiếp của trung tâm phụ trách.

Hồ Văn Phương Tâm - kẻ đột nhập vào khu vực cấm, phá hoại bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn.
Trưa 24/5, ngai vua triều Nguyễn bị Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, nơi ở hiện tại quận Bình Tân, TP.HCM) lèn vào phá hoại. Ngai bị Tâm bẻ phần tựa tay bên trái và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ.
Đến 12h10 cùng ngày, lực lượng bảo vệ Đại Nội mới khống chế được Tâm và báo cho Công an phường Đông Ba lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Sau đó, cơ quan Công an thực hiện test nhanh ma túy với Hồ Văn Phước Tâm, kết quả xác định âm tính.
Theo Công an TP Huế, Hồ Văn Phương Tâm sinh ra tại phường Hương Long (quận Phú Xuân, TP Huế). Năm 1990, Tâm theo gia đình sinh sống tại TP.HCM nhưng sau đó ra ngoài thuê trọ, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Giữa tháng 5/2025, Hồ Văn Phương Tâm về Huế đến sống tại nhà người thân (cô ruột) ở Kiệt 28 (đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long) nhưng không được đồng ý nên đi sống lang thang.
Ngày 18/7/2023, Hồ Văn Phương Tâm bị TAND quận Tân Bình (TP.HCM) ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ngai vàng là biểu tượng quyền lực của triều đại, được truyền qua 13 đời vua triều Nguyễn. Ngai được làm bằng gỗ, cao 101cm, rộng 72cm, dài 87cm. Phía trên ngai vàng có bửu tán bằng gỗ thếp vàng và trang trí pháp lam lộng lẫy. Bên dưới là bệ ngai vàng với ba tầng bệ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tất cả đều được làm bằng gỗ với nhiều hình con rồng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu thọ, cầu may mắn.
Ngai vàng của vua triều Nguyễn được công nhận là bảo vật quốc gia Việt Nam vào năm 2015 và thường được đặt tại điện Thái Hòa nhằm phục vụ du khách du lịch đến chiêm ngưỡng, tham quan.