Nghiên cứu giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí

Ngày 25/6/2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức sự kiện kết nối hợp tác, trao đổi những kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí; từ đó nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi số, hỗ trợ cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp.

Chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn

TP. Hồ Chí Minh hiện có 19 cơ quan báo chí, gồm 7 báo in, 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình và 10 tạp chí. Trừ 3 tạp chí khoa học, còn lại 16 cơ quan báo chí đã từng bước thực hiện việc chuyển đổi số nhằm tạo ra những giá trị mới.

Cũng như nhiều cơ quan báo chí khác trong cả nước, các cơ quan báo chí của thành phố đã thực hiện chuyển đổi số từ các khâu như: chuyển đổi số trong sản xuất nội dung, đó là cá nhân hóa và ngữ cảnh hóa nội dung; dùng thuật toán để phân tích hành vi, thói quen, nhu cầu, sự quan tâm của người dùng, để từ đó tạo ra và phân phối nội dung phù hợp tới các “phân khúc” người đọc, xem, nghe; đa dạng hóa các hình thức sáng tạo nội dung.

Chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh báo chí: Sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi sang thu phí nội dung, hướng vào nhu cầu của độc giả, nâng cao chất lượng trải nghiệm của người dùng để thu hút độc giả cũng như nguồn lực tài chính từ độc giả. Chuyển đổi số trong mô hình tòa soạn (hội tụ về không gian làm việc, về phương thức tác nghiệp, về nội dung, về nền tảng vận hành tòa soạn...).

Chuyển đổi số còn thể hiện trong phương thức cung cấp sản phẩm tới người dùng, gồm: sử dụng đa nền tảng để tiếp cận người dùng theo phương thức “người dùng ở đâu, thông tin ở đó”; hình thành các liên kết báo chí để phân phối nội dung (báo chí liên kết với viễn thông, công ty công nghệ, mạng xã hội, với các nền tảng số).

Ông Lê Thanh Minh – Phó Giám đốc Sở KH&CN chia sẻ, chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu của hoạt động báo chí trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, báo chí TP. Hồ Chí Minh nói riêng và báo chí cả nước nói chung đã từng bước chuyển đổi số, đã tạo nên nét sáng tạo và dần thích nghi với bối cảnh mới. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế do thiếu một sự định hướng, dẫn dắt và hỗ trợ mang tính quốc gia, để có thể thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.

Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Lạc

Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở KH&CN, phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Nguyễn Lạc

Ths. Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, cũng cho rằng hiện nay dù đã có nhiều nỗ lực nhưng các cơ quan báo chí thành phố vẫn gặp không ít khó khăn trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số, như về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, vốn, nguồn nhân lực, vấn đề khai thác, phân tích dữ liệu... Các cơ quan báo chí đều thống nhất việc cần thiết phải có sự hỗ trợ về chuyển đổi số mạnh mẽ từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý của trung ương và thành phố nhằm giúp các báo đổi mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng, phòng tránh bị tấn công mạng.

Bên cạnh đó, báo chí của thành phố thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Điều này làm yếu tố bảo mật và năng lực thương mại của các cơ quan báo chí đối với các sản phẩm của mình bị ảnh hưởng không nhỏ. Xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin ngày càng cao khiến cho việc tiếp cận thông tin báo chí của cá nhân trở nên ít đi. Dòng thông tin báo chí và các sản phẩm của văn bản có thể bị chèn lấp bởi các thông tin khác.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Lạc

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Lạc

Còn theo Ths. Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí thành phố, thực tế hiện nay, công cuộc chuyển đổi số, sản xuất nội dung đa nền tảng của các cơ quan báo chí ở nước ta hiện đang gặp nhiều khó khăn và thách thức.

“Thách thức đầu tiên, chính là sự thiếu tự chủ về công nghệ, buộc phải lệ thuộc vào công nghệ của đối tác. Thêm nữa, số cơ quan báo chí tự phát triển CMS ít. Rất ít đơn vị hoàn toàn tự chủ được server, CMS, bảo mật hoặc Cloud vì rất tốn kém về tiền bạc và cần đội ngũ nhân sự quản lý, vận hành. Ngoài ra, các cơ quan báo chí khi hoạt động đa nền tảng cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin trên mạng xã hội, có nguy cơ bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, tin thiếu kiểm chứng... Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí bị ăn cắp bản quyền nội dung thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua, cho đến nay vẫn chưa có giải pháp ngăn chặn” - ông Khanh chia sẻ.

Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số

Từ những khó khăn và thách thức trên, Ths. Nguyễn Minh Hải đã đưa ra một số giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, trong điều kiện thực tiễn xã hội hiện nay của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của cả nước nói chung như:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức và sự am hiểu về công nghệ số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật. Thành phố cũng đề xuất Chính phủ và Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí nói chung và vấn đề chuyển đổi số báo chí nói riêng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.

Thứ ba, các cơ quan báo chí phải tiếp tục chủ động phát triển các sản phẩm số theo xu hướng hiện đại, bám sát nhu cầu thực tiễn của công chúng, quan tâm thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau; tiếp tục phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của công chúng; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng công chúng.

Thứ tư, cần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cơ bản cho chuyển đổi số nói chung và đối với báo chí.

Thứ năm, tăng cường học hỏi kinh nghiệm, hợp tác trong nước và quốc tế có nền báo chí số phát triển mạnh.

Thứ sáu, trong điều kiện cụ thể của TP. Hồ Chí Minh, cần thiết phải có chủ trương và kế hoạch cụ thể của cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí – truyền thông thành phố cùng sự hỗ trợ về mặt tài chính.

Thứ bảy, cần có giải pháp xây dựng các “hệ thống dùng chung” hoặc “giải pháp dùng chung” cho các cơ quan báo chí, như cơ sở hạ tầng kỹ thật, cơ sở dữ liệu, nguồn lực con người, nguồn vốn..., thay vì để từng cơ quan thực hiện rời rạc, manh mún vừa khó thực hiện do không đủ nguồn lực vừa lãng phí.

Ths. Nguyễn Văn Khanh cũng đưa ra giải pháp, bên cạnh việc phối hợp với lộ trình chuyển đổi số báo chí quốc gia của Trung ương cần thiết phải nhanh chóng cụ thể hóa việc hỗ trợ về chính sách, tài chính với cơ quan báo chí thành phố.

“Cần tạo điều kiện để các cơ quan báo chí thành phố được đưa cơ sở dữ liệu về đặt tại máy chủ chung. Các cơ quan chức năng của trung ương cần tăng cường đàm phán với các doanh nghiệp, tổ chức nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu Google, Facebook, Youtube... phải có cơ chế chia sẻ lợi nhuận với các cơ quan báo chí mà những nền tảng này thường xuyên khai thác nội dung để phục vụ người dùng của mình. Kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần phải “luật hóa” các quan hệ này bằng quy định pháp lý cụ thể” - ông Khanh nói.

Sự kiện được các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Ảnh: Nguyễn Lạc

Sự kiện được các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số của các cơ quan báo chí. Ảnh: Nguyễn Lạc

Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên trách trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các sở thông tin và truyền thông tỉnh, thành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những dấu hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí; xử phạt nghiêm minh những tổ chức, cá nhân ăn cắp bản quyền, cụ thể là khai thác trái phép nội dung từ các báo để kiếm lợi ích riêng trên công sức của các cơ quan báo chí.

Lạc Nguyên - Thanh Tú

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nghien-cuu-giai-phap-day-manh-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-bao-chi-153644.html