Nghiên cứu khoa học về đa dạng côn trùng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Các nhà khoa học đến từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Erfurt, Cộng hòa liên bang Đức và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vừa phối hợp cùng Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập triển khai kế hoạch nghiên cứu đa dạng các loài côn trùng thuộc Bộ cánh đều (Homoptera) và Bộ cánh cứng (Coleoptera) trong lớp Côn trùng (Insecta) tại lâm phần VQG Bù Gia Mập.

Ban Giám đốcVQG Bù Gia Mập làm việc với đoàn nghiên cứu

Sau khi tập kết tại VQG Bù Gia Mập, đoàn công tác đã làm việc với Ban Giám đốc VQG Bù Gia Mập về mục tiêu xác định vùng phân bố của các loài côn trùng Bộ cánh đều (Homoptera) và Bộ cánh cứng (Coleoptera) phân bố tại VQG Bù Gia Mập, xây bộ mẫu tiêu bản phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và tăng cường hiệu quả hợp tác nghiên cứu, trao đổi thông tin khoa học quốc tế giữa Việt Nam với Cộng hòa Liên bang Đức cũng như các tổ chức quốc tế khác.

Đoàn nghiên cứu còn thực hiện điều tra trên các tuyến đường, ven suối lớn vào ban ngày và kết hợp với phương pháp đặt bẫy đèn vào ban đêm để thu thập thông tin các loài công trùng trong khu vực. Kết quả nghiên cứu, đã phát hiện nhiều loài côn trùng có cấu trúc đặc biệt mà trước đây chưa được ghi nhận ở bất kỳ nơi đâu. Do đặc điểm cấu trúc phân loại của lớp côn trùng rất phức tạp, việc phân loại tên loài trên hiện trường không đảm bảo tính chính xác, vì vậy hiện nay các nhà khoa học tiếp tục phân tích trong phòng thí nghiệm và kết quả chi tiết sẽ được báo cáo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế trong thời gian tới.

Đoàn nghiên cứu làm việc tại phòng lưu trữ mẫu sinh vật của VQG Bù Gia Mập

Thời gian nghiên cứu tại VQG Bù Gia Mập tuy rất ngắn, lại gặp thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài, môi trường không thuận lợi cho hoạt động sống của côn trùng, nhưng kết quả điều tra đạt được là vô cùng hữu ích, cho thấy VQG Bù Gia Mập có tiềm năng rất lớn trong nghiên cứu đa dạng thành phần các loài côn trùng thuộc Bộ cánh đều (Homoptera) và Bộ cánh cứng (Coleoptera), đặc biệt là sự đa dạng chung của Lớp côn trùng trong khu vực là rất phong phú và đa dạng thành phần loài.

Hoạt động của đoàn nghiên cứu ngoài thực địa tại VQG Bù Gia Mập

Theo các chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Erfurt, VQG Bù Gia Mập nằm ở vị trí vô cùng đặc biệt, là nơi chuyển tiếp từ độ cao hơn 1.000m của cao nguyên M’nông xuống vùng Đồng bằng Đông Nam Bộ (độ cao dưới 400m so với mực nước biển), có vị trí nằm liền kề nhiều khu rừng rộng lớn, nơi có sự giao thoa đa dạng sinh học rất cao. Vườn còn có nhiều hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng chuyển tiếp, hệ thực vật rừng phong phú, nguyên sinh và hoang sơ cộng với kết quả nghiên cứu trong thời gian không phù hợp với hoạt động sống của côn trùng, cho thấy khu vực có tiềm năng rất lớn trong nghiên cứu côn trùng học nói riêng và nghiên về đa dạng sinh học nói chung.

Lê Duy Thắng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/156909/nghien-cuu-khoa-hoc-ve-da-dang-con-trung-tai-vuon-quoc-gia-bu-gia-map