Nghiên cứu: Khủng long kém thông minh hơn theo thời gian, con người cũng có thể như vậy

Một nghiên cứu gần đây do Trung Quốc dẫn đầu về quá trình tiến hóa của khủng long đã đưa ra một cảnh báo quan trọng đối với thế giới hiện đại, nơi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào công nghệ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ, trí thông minh, thính giác và khứu giác của các loài khủng long có sừng đã giảm dần khi chúng phát triển trong suốt 100 triệu năm tiến hóa. Các nhà khoa học cho rằng quá trình này có thể là một cảnh báo cho con người nếu chúng ta tiếp tục quá phụ thuộc vào công nghệ.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Paleobiology vào tháng 10, các nhà nghiên cứu viết: "Khứu giác của các loài khủng long ceratopsian phân kỳ sớm nhạy hơn so với các loài ceratopsid phân kỳ muộn và Protoceratops (một loài khủng long cuối kỷ Phấn trắng ở châu Á). Những loài khủng long có sừng đầu tiên có khối lượng não tương đối lớn, thậm chí lớn hơn nhiều so với hầu hết các loài bò sát còn tồn tại).

Các nhà khoa học giải thích rằng các chức năng như thính giác và khứu giác giúp khủng long nhỏ tránh được kẻ săn mồi, nhưng khi chúng phát triển và lớn hơn, những khả năng này không còn được sử dụng nhiều và dần trở nên kém quan trọng.

 Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ceratopsians có trí thông minh, thính giác và khứu giác giảm sút khi chúng tiến hóa thành những sinh vật lớn hơn. Ảnh: Shutterstock

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ceratopsians có trí thông minh, thính giác và khứu giác giảm sút khi chúng tiến hóa thành những sinh vật lớn hơn. Ảnh: Shutterstock

Ceratopsian, những loài khủng long ăn cỏ có sừng và diềm, sống trong kỷ Jura và kỷ Phấn trắng. Những loài ceratopsia đầu tiên, như Psittacosaurus và Yinlong, đi bằng hai chân và dài khoảng 1-2 mét. Tuy nhiên sau gần 100 triệu năm tiến hóa, đến cuối kỷ Phấn trắng, các loài ceratopsian như Triceratops đã phát triển khả năng đi 4 chân và đạt chiều dài lên tới 9 mét, có khả năng chiến đấu với các loài khủng long săn mồi như Tyrannosaurus rex.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học từ Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, Viện Cổ sinh vật học và Nhân chủng học Động vật có xương sống ở Bắc Kinh, Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, cùng Đại học George Washington đã sử dụng công nghệ quét CAT để tạo hình ảnh và phân tích khoang não của các hóa thạch khủng long, từ đó tái tạo kích thước não của chúng.

Phó giáo sư Han Fenglu tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc ở Vũ Hán cho biết: "Khi khủng long sừng lớn lên và phát triển những đặc điểm như lớp phủ bảo vệ, khả năng tự vệ trước kẻ săn mồi được cải thiện, giảm nguy cơ trở thành con mồi. Môi trường trở nên an toàn hơn đối với chúng, trong khi các loài nhỏ hơn vẫn phải dựa vào sự cảnh giác và nhanh nhẹn để sinh tồn".

Han cho rằng, ví dụ từ động vật hiện đại, các loài động vật ăn thịt sống theo bầy đàn như sư tử thể hiện mức độ thông minh cao để phối hợp trong việc săn mồi. Trong khi đó, động vật ăn cỏ như bò rừng và ngựa vằn ít cần trí thông minh hơn, vì sự sống còn của chúng phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm thức ăn và tránh kẻ săn mồi.

Đối với con người, Han cảnh báo rằng việc quá phụ thuộc vào công nghệ có thể làm suy yếu các khả năng tự nhiên của chúng ta. "Chúng ta khó có thể quay lại cuộc sống hoang dã nếu xã hội hiện đại và công nghệ đột ngột biến mất. Chúng ta cần phải duy trì sự nhạy bén của các giác quan và các khả năng khác khi tiến hóa", ông nói.

Han nhấn mạnh rằng con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là cơ giới hóa và trí tuệ nhân tạo. Điều này có thể khiến chúng ta gặp khó khăn nếu không còn những công cụ này trong tương lai.

"Các phát hiện về khủng long nhắc nhở chúng ta không nên quá phụ thuộc vào công nghệ. Trong khi khủng long không thể kiểm soát quá trình tiến hóa, con người với bộ não tiên tiến có thể quản lý hành vi và lựa chọn của mình", ông nói.

Giới khoa học nói chung và cả những bộ phim viễn tưởng về tương lai (như bộ phim Idiocracy) cũng đều từng đưa ra những cảnh báo tương tự, khi cho rằng việc không phải suy nghĩ nhiều do phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ sẽ khiến trí thông minh con người giảm sút theo thời gian, thậm chí có thế đến mức khờ khạo hoặc ngu ngốc (do mọi thứ đều đã do máy móc làm).

Và đó cũng là căn cứ để các nhà khoa học lo rằng đến một ngày nào đó, robot mới sẽ thống trị thế giới chứ không phải con người trên hành tinh này. Loài người thực tế cũng nhìn ra viễn cảnh đó đang dần định hình ngay vào lúc này, trong bối cảnh robot AI đang phát triển vượt bậc qua từng ngày.

Hoài Phương (theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-khung-long-kem-thong-minh-hon-theo-thoi-gian-con-nguoi-cung-co-the-nhu-vay-post323816.html