Nghiên cứu mở rộng đối tượng được chất vấn của đại biểu HĐND tại địa phương

Việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND là một trong những hình thức giám sát hữu hiệu trong hoạt động của HĐND, nhất là ở cấp tỉnh, qua đó, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: TTXVN)

Quốc hội thảo luận về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 14/5, đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết về phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013, song để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị làm rõ một số nội dung, trong đó nhấn mạnh đến thẩm quyền chất vấn của Hội đồng Nhân dân đối với các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương.

Giữ lại quy định quyền chất vấn của HĐND đối với Chánh án, Viện trưởng VKSND

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc không đưa quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội là chưa phù hợp với điều kiện hiện nay.

Dẫn ý kiến này, theo nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng, trong đổi mới cơ cấu sắp tới, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực tuy không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nhưng những cơ quan đó vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những đơn vị hành chính cụ thể mà đại biểu Hội đồng Nhân dân là đại diện.

Vì vậy, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về lời trả lời của mình.

Mặt khác, việc không có quyền chất vấn, đại biểu Hội đồng Nhân dân sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp Hội đồng Nhân dân để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.

“Trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả hiếm hoi để đại biểu Hội đồng Nhân dân và rộng hơn là cử tri, Nhân dân địa phương yêu cầu thông tin, trao đổi trực tiếp với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân. Do đó, nhận định rằng “Hội đồng Nhân dân vẫn giám sát được” là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát,” đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu ý kiến.

 Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Cùng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương), kiến nghị vẫn giữ nguyên chủ thể này được chất vấn như trong Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại khoản 5 Điều 33, đồng thời bổ sung thêm đối tượng được chất vấn là “các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương” vào đối tượng được đại biểu Hội đồng Nhân dân chất vấn tại khoản 2 Điều 115.

Đại biểu đoàn Bình Dương cho rằng đại biểu Hội đồng Nhân dân được chất vấn đối với các cơ quan nhà nước khác trong việc thực hiện pháp luật tại địa phương, sẽ giúp cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong thực hiện chính sách, pháp luật và thực thi công vụ trên địa bàn được tốt hơn; nhất là trong điều kiện các cơ quan như: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân hay cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội, được tổ chức ở cấp tỉnh và tổ chức theo khu vực trong từng tỉnh, thành phố...

Hơn nữa, cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng phân cấp, phân quyền ngày càng mạnh cho các địa phương và bộ, ngành trung ương, trong đó có các cơ quan ngành dọc của Trung ương tại địa phương, việc mở rộng đối tượng được chất vấn của đại biểu dân cử sẽ giúp cho Hội đồng Nhân dân nói riêng, cơ quan Nhà nước cấp trên tăng cường giám sát, kiểm soát tốt việc thực hiện quyền lực Nhà nước tại địa phương.

“Thông qua chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân, làm rõ trách nhiệm, giải pháp của Ủy ban Nhân dân, các cơ quan Nhà nước có liên quan, trong thi hành pháp luật và thực hiện phát triển kinh tế-xã hội,” nữ đại biểu nhấn mạnh.

Tương tự, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng kiến nghị cần phải giữ lại quy định này, đồng thời đề nghị bổ sung thêm cụm từ “theo luật định,” tức là chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp tỉnh theo luật định. Do đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân quy định như thế nào thì chất vấn theo đúng quy định của Luật như vậy.

Vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam

Tại Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân…

Dự thảo cũng nhấn mạnh Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) bày tỏ nhất trí cao với quy định tại Điều 9 và việc kế thừa quy định về Công đoàn Việt Nam tại Điều 10 của dự thảo Nghị quyết, đồng thời Điều 10 Hiến pháp được bổ sung cụm từ "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn," là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế.

Theo đại biểu, Luật Công đoàn 2012, Luật Công đoàn 2024 cũng như Luật Công đoàn được sửa đổi tại Kỳ họp này đều quy định Công đoàn Việt Nam gồm nhiều cấp, trong đó, cấp Trung ương là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Trên thực tế, chỉ có tổ chức công đoàn ở cấp Trung ương (tức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) có thẩm quyền đại diện của người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế về công đoàn như tham gia Hội đồng tiền lương quốc gia, tham gia các hoạt động của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và tham gia là thành viên của Liên hiệp Công đoàn thế giới (WFTU).

Ông cho rằng, nếu quy định chung như Dự thảo là Công đoàn Việt Nam có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp công đoàn bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền này. Điều này là không phù hợp thực tế và không thuận lợi, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở mà các tổ chức này lại đưa yêu sách có quyền như tổ chức công đoàn cơ sở.

“Đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung cụm từ “Cơ quan trung ương của Công đoàn Việt Nam” vào trước cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn," đồng thời, chuyển nội dung này xuống cuối Điều 10,” đại biểu đề xuất.

 Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh việc khẳng định Mặt trận Tổ quốc là một bộ phận của hệ thống chính trị nước ta do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bổ sung thêm nhiều nội dung để làm rõ hơn, sâu sắc hơn về vị trí vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là tổ chức liên minh chính trị liên hiệp tự nguyện các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo người Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Theo đại biểu, dự thảo bổ sung việc phản ánh ý kiến kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước, đây là một trong những hoạt động cụ thể của mặt trận.

“Khi nói Mặt trận Tổ quốc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước thì đã bao gồm cả hoạt động này rồi. Do vậy, nên quy định ở trong Luật Mặt trận Tổ quốc sẽ phù hợp hơn là quy định ở trong Hiến pháp,” đại biểu Tô Văn Tám kiến nghị./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-mo-rong-doi-tuong-duoc-chat-van-cua-dai-bieu-hdnd-tai-dia-phuong-post1038409.vnp