Nghiên cứu sửa quy định độ tuổi cấp phép lái tàu

Cục Đường sắt cho biết sẽ đề xuất sửa đổi quy định độ tuổi cấp giấy phép lái tàu để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Vênh quy định độ tuổi được cấp phép lái tàu

Cục Đường sắt VN vừa đề xuất sửa đổi quy định về độ tuổi cấp phép lái tàu. Lãnh đạo Cục Đường sắt cho hay: Theo quy định của Luật Đường sắt, độ tuổi để được cấp giấy phép lái tàu là từ đủ 23 tuổi đến 55 tuổi đối với nam, từ đủ 23 tuổi đến 50 tuổi đối với nữ; có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sức khỏe.

Cục Đường sắt VN đề xuất sửa quy định độ tuổi cấp giấy phép lái tàu cho phù hợp với thực tiễn (Ảnh: minh họa).

Cục Đường sắt VN đề xuất sửa quy định độ tuổi cấp giấy phép lái tàu cho phù hợp với thực tiễn (Ảnh: minh họa).

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động 2019 lại quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi bắt đầu từ năm 2028 và đối với nữ là 60 tuổi bắt đầu từ năm 2025. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; Làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, quy định về tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động (trong đó có chức danh lái tàu) của Bộ luật Lao động 2019 khác với độ tuổi tối đa cho phép được cấp giấy phép lái tàu quy định của Luật Đường sắt 2017.

Việc chưa thống nhất các quy định này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc sử dụng, bố trí việc làm cho các chức danh lái tàu của các doanh nghiệp kinh doanh đường sắt.

Đối với lái tàu đường sắt đô thị (ĐSĐT), theo Cục Đường sắt VN, quy định độ tuổi tối thiểu để được cấp giấy phép lái tàu là 23 tuổi đối với cả nam và nữ theo Luật Đường sắt 2017 chưa phù hợp tình hình thực tế.

Vì thời gian qua, tại một số tuyến ĐSĐT mới lần đầu tiên đưa vào khai thác tại Việt Nam đều có công tác đào tạo, cấp chứng chỉ lái tàu cho các học viên lái tàu đô thị. Theo đó, để học lái tàu trên ĐSĐT, học viên lái tàu sau khi tốt nghiệp trung học là 19 tuổi, thời gian học lái tàu trung bình từ 1-1,5 năm; thời gian vận hành khai thác thử trung bình 3-6 tháng.

Như vậy, sớm nhất chưa đến 20 tuổi học viên đã có thể được cấp chứng chỉ lái tàu đô thị. Nếu áp dụng độ tuổi tối thiểu như quy định của Luật Đường sắt 2017 sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh ĐSĐT trong việc đào tạo, tuyển dụng chức danh lái tàu trên ĐSĐT. Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi tối thiểu được cấp giấy phép lái tàu đối với ĐSĐT là cần thiết.

Cục Đường sắt VN đề xuất phân quyền địa phương cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng (Ảnh: minh họa).

Cục Đường sắt VN đề xuất phân quyền địa phương cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng (Ảnh: minh họa).

Quy định riêng với từng loại hình đường sắt

Từ đây, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết trong quá trình dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi sẽ đề xuất, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về độ tuổi tối đa được cấp giấy phép lái tàu cho phù hợp với Bộ luật Lao động 2017 và độ tuổi tối thiểu được cấp giấy phép lái tàu cho chức danh lái tàu đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và ĐSĐT cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Cục Đường sắt VN cũng đề xuất rà soát, bổ sung quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước cấp giấy phép lái tàu đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

"Quy định này nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của địa phương trong quản lý nhà nước đối với nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, trong đó có chức danh lái tàu ĐSĐT, đường sắt chuyên dùng và thực hiện trách nhiệm của chính quyền địa phương đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, phù hợp chủ trương phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương của Chính phủ", Cục Đường sắt VN lý giải.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nghien-cuu-sua-quy-dinh-do-tuoi-cap-phep-lai-tau-192230921164703089.htm