Nghiên cứu thành công vắc xin phòng sốt xuất huyết: Chờ báo cáo Bộ Y tế

Mới đây, Viện Pasteur và Công ty Sanofi đã phối hợp nghiên cứu thành công vắc xin phòng sốt xuất huyết. Hy vọng kết quả này sẽ đem tới những hiệu quả tích cực, trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Nghiên cứu thành công vắc xin sốt xuất huyết sẽ giúp phòng chống dịch hiệu quả

Nghiên cứu thành công vắc xin sốt xuất huyết sẽ giúp phòng chống dịch hiệu quả

Nhiều quốc gia tham gia nghiên cứu

Theo viện Pasteur TPHCM, vắc xin sốt xuất huyết Dengvaxia của Sanofi Pasteur được bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và người, về dược lý, tính an toàn, hiệu quả.Vắc xin Dengvaxia được chỉ định để phòng chống bệnh sốt suất huyết do 4 type huyết thanh của virus sốt xuất huyết gây ra. Trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, vắc xin đã chứng minh được hiệu quả trong việc phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ em và vị thành niên từ 9 -45 tuổi đã có virus sốt xuất huyết (SXH) trước đó.

Trao đổi về quá trình và tiến độ nghiên cứu loại vắc xin này với Báo GD&TĐ, PGS.TS. BS Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởngViện Pasteur TPHCM, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết do Công ty Sanofi Pasteur tài trợ cho biết: Từ năm 2011 - 2017, hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia. Cụ thể 5 quốc gia ở châu Á tham gia vào nghiên cứu vắc xin CYD14 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thailand và Việt Nam.

Tổng cộng có 10.275 trẻ từ 2 - 14 tuổi tham gia nghiên cứu. Năm quốc gia ở châu Mỹ tham gia vào nghiên cứu vắc xin CYD15 bao gồm Brazil, Colombia, Hondura, Mexico và Puerto Rico (USA). Tổng cộng có 20.986 trẻ từ 9 - 16 tuổi tham gia nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên nhiều tạp chí y học có uy tín như The Lancet, New England Journal of Medicine, The British Medical Journal… Dựa trên kết quả nghiên cứu, Công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký vắc xin Dengvaxia ở các nước trên thế giới.

Tại Việt Nam, toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin đều an toàn, không xảy ra tai biến. Theo PGS Trần Ngọc Hữu, việc Việt Nam tham gia nghiên cứu vắc xin sốt xuất huyết là cơ sở khoa học để người dân có cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng chống sốt xuất huyết. Cho đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu đang trong quá trình đợi để báo cáo kết quả nghiên cứu vắc xin này với Bộ Y tế. Sau khi nghiệm thu, việc ứng dụng vắc xin này trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết sẽ do Bộ Y tế quyết định.

Đáp ứng việc ngăn ngừa sốt xuất huyết

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số mắc SXH trong 50 năm qua đã gia tăng gấp 30 lần và lan rộng ở 128 quốc gia trên thế giới, với 3,9 tỉ người (hơn 40% dân số toàn cầu) có nguy cơ mắc bệnh, trong đó có Việt Nam. Hiện nay mô hình bệnh tật có xu hướng chuyển dịch sang nhóm tuổi lớn (tăng từ 18% bệnh nhân là người lớn năm 1999 lên đến 60% vào tháng 6/2019) và vùng trọng điểm SXH dịch chuyển về khu vực có các khu công nghiệp.

Việc tham gia nghiên cứu vắc xin SXH giúp Việt Nam có cơ sở khoa học để cân nhắc cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng chống SXH theo khuyến cáo của WHO. Đến năm 2018, Dengvaxia đã được cấp phép ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Hiện nay, bắt đầu bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, cộng với diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Dự báo thời gian tới số mắc sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

PGS Trần Ngọc Hữu cho biết, kết quả phân tích tổng hợp của 2 nghiên cứu ở Đông Nam Á và châu Mỹ đã chứng minh vắc xin Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở cá thể 9 - 16 tuổi có xác định nhiễm SXH trước đó. Tuy nhiên, những vấn đề kỹ thuật khi sử dụng vắc xin Dengvaxia là cần xác định tình trạng đã nhiễm sốt xuất huyết. Xét nghiệm cần có tính đặc hiệu cao.

“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia cấp phép cho Dengvaxia đều khuyến cáo: Chỉ được tiêm vắc xin cho người đã nhiễm sốt suất huyết Dengue trước đó và được xác nhận bởi kết quả xét nghiệm hoặc thông qua test huyết thanh trước khi tiêm ngừa. Trong trường hợp không có bằng chứng ghi nhận việc nhiễm virus Dengue trước đó, thì cần phải được xét nghiệm xác nhận tình trạng nhiễm Dengue trước đó trước khi tiêm chủng.

Cần sử dụng các phương pháp xét nghiệm có độ đặc hiệu cao, để tránh tiêm các trường hợp huyết thanh thực chất là âm tính. Sẽ không có xét nghiệm nào có độ đặc hiệu chuẩn đạt 100%, vì luôn có khả năng có những phản ứng chéo với flaviviruses khác, nên sẽ có một số người chưa từng nhiễm Dengue có thể được chỉ định tiêm vắc xin do kết quả dương tính giả”, PGS Trần Ngọc Hữu nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/nghien-cuu-thanh-cong-vac-xin-phong-sot-xuat-huyet-cho-bao-cao-bo-y-te-4023330-b.html