Nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh
Việc thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh là phù hợp với xu hướng phát triển, đồng thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thông quan hàng hóa hiện nay...
Đây là những ý kiến được đưa ra tại hội nghị chuyên đề, do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 23/8 để xem xét, nghe ý kiến của đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.
Tại hội nghị, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn Lê Văn Thắng thông tin, Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh được xây dựng trên cơ sở Thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc, được UBND tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) ký kết ngày 26/6/2023 tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Theo dự thảo đề án, mục tiêu của mô hình cửa khẩu thông minh là xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành "cửa khẩu kiểu mẫu"; phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc.
Mô hình cửa khẩu thông minh dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình giao, nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng của thương nhân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Đặc biệt, mô hình cửa khẩu thông minh sẽ giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân biên giới…
Với mô hình cửa khẩu thông minh, phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh lên khoảng 4 - 5 lần so với thời điểm hiện tại. Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ 750 xe/ngày lên 2.500 - 3.000 xe/ngày; cửa khẩu phụ Tân Thanh từ 300 xe/ngày lên 1.500 - 2.000 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua cửa khẩu Hữu Nghị phấn đấu đạt 100 tỷ USD; qua cửa khẩu Tân Thanh đạt 25 tỷ USD.
Đồng thời, vận hành chính thức tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) và trở thành lối mở thông quan của cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc)...
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp của tỉnh cho rằng, việc xây dựng, triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh là cần thiết, bởi sẽ giúp tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề thông quan hàng hóa, tạo cơ hội phát triển mới cho kinh tế địa phương.
Tuy vậy, các bộ, ngành Trung ương và cơ quan liên quan của tỉnh cần xem xét, nghiêm cứu một cách cẩn trọng, đưa ra lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, nhất là tính toán nguồn vốn thực hiện và giá trị kinh tế mang lại cho địa phương.
Các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý, vận hành, các thủ tục pháp lý liên quan, do đây là mô hình mới, có nhiều nội dung chưa có trong các quy định hiện hành.
Tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần hoàn thiện các nội dung của Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh; trong đó phải đánh giá sát tác động của mô hình cửa khẩu thông minh đối với kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường, hội nhập quốc tế.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương xây dựng, đưa ra cơ chế vận hành, quản lý, phương án xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình cửa khẩu thông minh để trình Chính phủ, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.